Kỳ 7: Thuyền trưởng Lưu Đình Lừng và niềm tự hào về Tàu 42

QĐND - Theo lời hẹn trước, chúng tôi đến thăm gia đình Thuyền trưởng tàu Không số Lưu Đình Lừng vào một ngày chủ nhật đẹp trời. Trong ánh nắng ấm áp buổi sớm đầu thu, ông đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ, chân thành như bản tính hiếu khách của người dân miền biển Đồ Sơn. Ở tuổi xưa nay hiếm, tóc đã bạc, da đã nhăn nhưng bước đi hoạt bát, và ánh mắt tinh tường thì vẫn vẹn nguyên.

Ngôi nhà khang trang nằm sâu trong hẻm 171, phường Ngọc Hải, thị xã Đồ Sơn, tổ ấm của gia đình ông với bốn thế hệ cùng chung sống hạnh phúc. Trong căn phòng khách rộng rãi và thoáng mát, rất nhiều bức ảnh chụp những con tàu không số - khi ông và đồng đội làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam được phóng to, treo trang trọng trên tường. Trà xanh được rót ra mời khách. Ông cười và chỉ tay vào bức ảnh được phóng to nhất:

- Hình ảnh con tàu 42 đấy. Đây là con tàu anh hùng. Tôi đã có 10 chuyến đi trên con tàu này, và chỉ ở tàu này mà thôi - Giọng ông từ tốn vang lên rành rọt, sang sảng của người miền biển.

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh con tàu 42. Những ký ức sâu thẳm, tha thiết trong cuộc đời binh nghiệp của ông bừng thức, ào ào dữ dội như sóng biển khơi, nhấp nhô, ẩn hiện hình ảnh con tàu và những người thủy thủ, mưu trí, dũng cảm, vượt qua giông bão, vượt qua tuyến phòng thủ dày đặc của địch, mang cả tình thương của miền Bắc, đưa từng khẩu súng, viên đạn... tới miền Nam ruột thịt, góp sức tiêu diệt quân thù.

- Năm 1964, tôi nhập ngũ vào Đoàn tàu Không số, là thủy thủ của Tàu 42. Đời tôi thật may mắn khi được đi trên con tàu này, được làm việc với một người chỉ huy thông minh, trí tuệ, dũng cảm như thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng.

Tàu 42 trên đường chở vũ khí vào Nam. Ảnh tư liệu.

Một thoáng buồn hiển hiện trên khuôn mặt hiền hậu, sạm nắng gió của ông khi nói về người thuyền trưởng năm xưa giờ không còn nữa. Sự xúc động như được đè nén trong ánh mắt đang nhìn xa xăm kia. Ngưng một lát, ông tiếp tục:

- Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng đi hàng hải thiên văn giỏi lắm. Anh em đã học tập được nhiều điều từ người thuyền trưởng ấy. Những lúc khó khăn, nguy hiểm mới thấy cái tài của người thuyền trưởng này. Ông điều động tàu tránh địch rất giỏi, biết lợi dụng sơ hở của địch vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ trên biển của chúng. Trên mỗi chặng, địch xây dựng các trạm ra-đa quan sát chặt chẽ. Có lần, thuyền trưởng Cứng đã đưa tàu đi qua giao điểm vùng quét ra-đa của hai trạm. Bọn địch đều phát hiện được nhưng trạm nọ tưởng trạm kia báo cáo về sở chỉ huy, ỷ vào nhau, thế là tàu chạy thoát. Thật là tài, chi tiết này không phải ai cũng biết.

Một trong những chuyến đi mà tôi nhớ mãi đó là chuyến đi năm 1965, sau khi xảy ra sự kiện Vũng Rô.

Sự kiện Vũng Rô, ai cũng biết, con đường vận chuyển đã bị lộ. 8 tháng nằm im chờ đợi, tìm phương thức vận chuyển mới, ngày 15-10-1965, tại bến K15-Đồ Sơn (Hải Phòng), Tàu 42 được cải dạng thành tàu đánh cá nước ngoài, nhổ neo ra khơi. Tàu có 16 thủy thủ do thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng và Chính trị viên Trần Ngọc Ẩn chỉ huy, đi theo phương pháp hàng hải thiên văn, tức là đi theo các vì sao. Nhiệm vụ được giao là nghiên cứu tuyến đường vận chuyển mới, làm tiền đề cho những chuyến sau nhưng phải bảo đảm bí mật, bất ngờ. Chuyến đi này ngoài 60 tấn vũ khí tàu còn chở thêm 4 quả thủy lôi KB, mỗi quả nặng tới một tấn. Dưới tàu còn găm hàng tấn thuốc nổ, nếu bị địch phát hiện thì tất cả anh em sẽ điểm hỏa và cảm tử cùng tàu để giữ bí mật cho con đường.

Mọi đồ dùng cá nhân phải xóa hết dấu vết, tuýp đánh răng Ngọc Lan, vỏ bao thuốc lá... phải cạo hết nhãn mác. Mấy khẩu súng đằng trước, đằng sau đều được ngụy trang. Mọi người đều mang mặc trang phục dân đánh cá nước ngoài. Trông con tàu của chúng tôi chẳng khác gì một tàu câu cá song. Vậy mà anh em vẫn không khỏi lo lắng bởi đây là chuyến mở đường sau một thời gian dài ngừng vận chuyển, địch lại phong tỏa chặt chẽ con đường. Chúng xây dựng hàng loạt trạm ra-đa ngày đêm quan sát chặt chẽ vùng biển. Ngoài khơi, Hải quân Mỹ thực hiện việc ngăn chặn. Hải quân ngụy thực hiện tuần tiễu ven bờ. Để dễ bề quản lý và phân định trách nhiệm, Mỹ-ngụy chia vùng biển Việt Nam làm 9 khu vực chiến sự. Ở mỗi khu vực, hải quân Mỹ-ngụy giành quyền kiểm soát mọi tàu, thuyền qua lại, kể cả tàu buôn nước ngoài. Tình hình bến bãi, luồng lạch thay đổi ra sao, khó mà lường hết được!

 Ông Lưu Đình Lừng thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng). Ảnh: Trịnh Dũng.

Từ bến K15, tàu chúng tôi vượt qua Long Châu đi về phía đảo Hải Nam. Đêm đó sóng rất lớn, gió cấp 6, cấp 7, những con sóng lớn chồm lên như muốn nhấn chìm chúng tôi xuống biển. Suốt một ngày đêm vật lộn với sóng gió, ai cũng mệt nhoài vì say sóng, đêm sau tàu đến eo biển Hải Nam. Gần tới khu vực quần đảo Trường Sa bị máy bay Mỹ phát hiện, chúng vòng đi vòng lại hai lần, theo dõi hoạt động của tàu. Thuyền trưởng cho tàu giảm tốc độ, chạy vào hướng đảo Trường Sa để câu cá. Mọi người tất bật kéo lưới, gỡ cá như dân đánh cá thực thụ. Khi máy bay đi khỏi chúng tôi liền thay biển số, chuyển hướng vào Cà Mau. Gần tới khu vực Hòn Khoai, chúng tôi phát hiện thấy vệt sáng đèn di chuyển phía trước. Tất cả vào vị trí chiến đấu. Các vị trí quan sát đều báo cáo trước mũi tàu, sau lái tàu, bên trái, bên phải đều có ánh đèn và cứ 400-500m lại có một chiếc tàu đỗ. Vậy là Tàu 42 đã lọt vào giữa vòng vây của địch. Một cuộc hội ý chớp nhoáng trong cấp ủy và quyết định: Tàu giảm tốc độ, chạy theo hướng Đông, chạy vòng theo hướng bao vây của tàu địch, khi tới gần bờ, thuyền trưởng hạ lệnh tắt đèn hành trình, quặt tay lái tăng tốc chuyển hướng vào bờ...

Những lúc thế này anh em mới thấy hết tài thao lược, mưu trí đặc biệt của thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng. Khi Tàu 42 lọt vào trong cửa Bồ Đề, nhìn xa xa thấy vài tàu địch đậu ở đó... Người trong bến cho xuồng ra đón, sau khi phát tín hiệu nhận nhau, tàu chúng tôi được đưa vào bến Rạch Kiến Vàng an toàn. Ngoài súng đạn, cũng là lần đầu tiên chúng tôi đưa được thủy lôi sừng chạm vào cho bộ đội đặc công thủy, góp phần làm nên những trận đánh rung chuyển các căn cứ Hải quân Mỹ-ngụy. Chuyến này đi, chúng tôi đã đi hơn 1.200 hải lý, cả đi lẫn về 20 ngày.

Chuyến đi mở đường thắng lợi của Tàu 42 trong tình hình địch phong tỏa ác liệt có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Ta đã nắm được quy luật hoạt động ngoài khơi và gần bờ của địch để tìm cách ứng phó linh hoạt. Tiếp đó, ta đã tổ chức hai chuyến tiếp theo đều thắng lợi.

Sau chuyến đi này, ban chỉ huy tàu vinh dự được báo cáo kết quả chuyến đi với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; được Đảng và Quốc hội tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và được Bác Hồ tặng mấy tút thuốc lá có ghi dòng chữ “Bác Hồ tặng”.

Với bề dày thành tích, qua 7 năm liên tục, Tàu 42 luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, giữ vững quyết tâm, anh dũng, mưu trí, linh hoạt, khắc phục vượt khó khăn trong mọi tình huống, gặp địch đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm. Ngày 8-10-1972, Tàu 42 vinh dự được Đảng, Nhà nước ta tặng danh hiệu cao quý: “Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân”.

Và năm 2005, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng, người đã trực tiếp chỉ huy 15 chuyến đi thành công, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tàu anh hùng, thuyền trưởng anh hùng. Còn vinh dự nào hơn!

Còn ông Lưu Đình Lừng, trong suốt 10 năm gắn bó với con tàu 42, ông đã đi 10 chuyến vận chuyển trên con đường biển mang tên Bác Hồ (5 chuyến thành công, 5 chuyến bị địch phát hiện phải quay về), từ một thủy thủ đã trở thành một thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm. Nhưng theo ông, những ngày được làm việc bên người thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng, được sống trong một tập thể đoàn kết, anh dũng, đó là những tháng ngày quý báu để ông học hỏi, trưởng thành và vững bước trên con đường đời sau này.

------------

Kỳ 1: Thuyền trưởng tàu không số đầu tiên

Kỳ 2: Thuyền trưởng tàu sắt đầu tiên

Kỳ 3: Từ du kích trở thành thuyền trưởng

Kỳ 4: Nguyễn Phan Vinh, bản hùng ca bất tử

Kỳ 5: Đồng Xuân Chế: “Biển gọi tôi suốt cuộc đời”

Kỳ 6 : Nắm đất của Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh

Kỳ 8: Nguyễn Chánh Tâm, người anh hùng sống mãi

Bài và ảnh: Trịnh Dũng - Thu Hương