Năm ấy, từ Trường Sa trở lại đất liền, con tàu đưa chúng tôi về Quân cảng Cam Ranh. Tàu đi suốt đêm. Sáng ra, chỉ còn cách bờ chừng vài hải lý, từ trên tàu chúng tôi nhìn rõ bờ cát dài Động Bà Thìn như dải lụa mỏng. Bất ngờ nắng loé lên, làm dãy đảo chắn ngoài cửa Vịnh rực rỡ, kỳ ảo mê hồn. Những hòn đá chồng màu nâu, màu đỏ, xen kẽ là những mảng xanh của lá cây lưng chừng núi, trên nền nuớc biển xanh màu ngọc, màu mực cửu long. Thiên nhiên hoà sắc đẹp đến thế là cùng!

Một sĩ quan hải quân chỉ cho tôi đảo Bình Ba. Anh bảo, nhìn từ mọi phía, Bình Ba luôn đẹp. Nhưng nhìn từ hướng biển về, Bình Ba hoành tráng hơn cả.

Tàu vào gần cửa Vịnh, nhận rõ vùng biển ở đây còn khá hoang sơ do chưa được khai thác làm du lịch . Bãi biển xanh trong với rất nhiều san hô.

Nhìn qua ống nhòm, Bình Ba có những con đường mòn đầy cây vạn tuế, cây chành rành , loài cây có mùi thơm dìu dịu. Tôi ao ước trở về quân cảng, sẽ ra Bình Ba, để đứng trên đỉnh cao ngắm biển trời bao la, hay leo lên các tảng đá ngồi trầm ngâm nghe tiếng sóng vỗ, thưởng thức vẻ đẹp kỳ ảo của bình minh trên biển hay màu hoàng hôn của vách núi, cùng bạn bè lội ra biển ngắm san hô…Những bãi biển ở đây thật hoang sơ và quyến rũ dù không dài, rộng.

Được biết toàn vùng chưa có đường giao thông, chủ yếu dùng thuyền và …đi bộ. Bình Ba là một thôn thuộc xã Cam Bình Huyện Cam Ranh Khánh Hoà. Xã có ba thôn Bình Hưng, Bình Ba, Bình An; tổng diện tích khoảng 578ha với hơn 4.700 nhân khẩu. nếu bạn từ bến đò Ba Ngòi đi thẳng ra vịnh Cam Ranh hơn một tiếng là đến đảo Bình Ba.

Đứng trên điểm cao Bình Ba nhìn về hướng biển, thấy vị thế của Bình Ba thật lợi hại, khác nào một vọng hải đài. Hẳn nào từ thời Pháp, những sĩ quan thực dân đã đặt các pháo đài hướng ra biển, sẵn sàng bảo vệ cảng quan trọng Cam Ranh.

Núi Hòn Cò ở đảo Bình Ba từng là nơi đồn trú của quân Pháp, nghe nói trên đỉnh núi đã từng có một hệ thống phòng thủ kiên cố với bốn ụ đại pháo chĩa ra bốn hướng, dưới bốn ụ pháo là đường hầm liên thông xây bằng đá xanh; dưới hầm có phòng ăn, ngủ, sinh hoạt đầy đủ cho quân trú đóng.

Vách đá ở bãi Chướng, trong nắng chiều óng ánh như dát vàng. Những ai từng ngắm nhìn nhứng hòn đá, mỏm núi thiên hình vạn trạng đá trên bãi Chướng, bãi Nồm, bãi Nhà Cũ… ở đây, sẽ thấy bàn tay thiên nhiên thật tài hoa, bí ẩn.

Vùng đất Bình Ba, ngày trước chỉ là một bãi tràn qua eo biển nằm giữa hai đảo nhỏ. Sau thời gian bồi lấp đã trở thành một dải đất nối liền hai đảo. Cũng từ ngày có bãi bồi, vùng đất này lại mọc lên rừng nhãn rộng hơn 2 ha. Cây nhãn làm nhiệm vụ chắn sóng, chắn gió cho làng. Từ thời những tiền hiền ở Bình Ba đã biết giữ gìn rừng nhãn nên người dân trong thôn gọi rừng nhãn này là rừng cấm. Hiện nay, chính quyền địa phương vẫn quản lý để tránh tình trạng chặt phá rừng

Theo tư liệu của các đồng nghiệp, toàn thôn Bình Ba có 625 hộ nhưng đến 90% sống bằng nghề nuôi tôm hùm, đó là chưa kể những gia đình mở thêm đại lý buôn bán hoặc đi biển.

Tôm hùm mang lại sung túc cho Bình Ba, từ những thức ăn cho tôm hùm đến bếp ga, tivi, tủ lạnh… đều được người dân mua qua các đại lý. Họ không còn phải bỏ thời gian đi vào đất liền để mua như trước nữa, tất cả thời gian “vàng ngọc” dành cho việc phát triển kinh tế. Nhờ việc thông thương, trao đổi mua bán theo vòng tròn khép kín đã giúp cho mọi người trong thôn đều có thu nhập khá. Tuy giá cả nơi đây có cao hơn trong đất liền nhưng ai cũng thấy thoải mái vì có thu nhập mà không phải mất nhiều thời gian

.

Tục ngữ Khánh Hòa có câu: “Yến sào Hòn Nội/Vịt lội Ninh Hòa/Tôm hùm Bình Ba/Nai khô Diên Khánh”.

Bình Ba, có loại tôm hùm to bằng bắp chân người, cân nặng đến 5, 6kg. Thịt tôm hùm đem nướng hay hấp cách thủy đều ngon. Khách đến đây vào mùa nắng ráo thế nào cũng được thưởng thức thoải mái. Sẵn dịp khách không quên mua vài chiếc vỏ tôm hùm để mang về trang trí nội thất, vừa đẹp, vừa lạ mắt.

Những năm gần đây, nghề nuôi tôm hùm đã cho người dân nhiều thu nhập. Nhiều nhà nuôi bè tôm, lãi lớn. Tuy nhiên, mỗi khi tôm bị dịch, người dân không ít lo âu, bởi vốn nuôi tôm lớn, có khi mất trắng.

Bình Ba hôm nay, trong cơ chế thị trường, không còn cách biệt quá xa với những thôn đảo xung quanh và những vùng sầm uất, náo nhiệt như Ba Ngòi, Cam Phúc Bắc…Bởi điện đã về thôn đảo. đêm đêm các quán nhậu, hát ca-ra-ôkê cũng lập loè đèn mầu, thanh niên rủ nhau hóng gió, dạo dưới ánh trăng.

Cho dù mai sau, công nghiệp hoá có lấn dần ra của vịnh, Bình Ba vẫn là nơi thiên nhiên ưu ái, có gió biển mặn mòi, có không gian trong veo, có ráng chiều đỏ rực hắt lên ghềnh đá muôn màu, có biển xanh ngắt in bóng cây xanh.

Những con tàu ngày ngày kéo còi rời Vịnh. Ai đi ra trùng dương mà không ngoái nhìn Bình Ba kỳ vĩ lấy một lần.

Dương Nội