02-04-2008 23:36:04 GMT +7

Đoàn tàu chuẩn bị trục vớt xác tàu chìm. Mỗi ngày chủ đầu tư phải chi phí không dưới 10 triệu đồng. Hàng chục công ty trục vớt và gần 20 nhóm thợ lặn đã đến “vùng nước chết” nhưng đều ngao ngán bỏ đi. Năm thợ lặn suýt bỏ mạng!
“Đánh bạc” giữa đại dương
Con tàu bạc tỷ vừa hạ thủy chưa được hai năm thì bị đắm. Sau khi nhận tiền bảo hiểm thân tàu, chủ tàu quyết định không tổ chức trục vớt để gỡ gạc mà giao hẳn xác tàu cho Công ty Bảo hiểm Pjico. Bởi họ biết việc trục vớt xác tàu trong luồng nước “tử thần” chẳng khác nào một canh bạc và cực kỳ nguy hiểm đối với tính mạng thợ lặn,
Dù Công ty Bảo hiểm Pjico không rao bán xác tàu nhưng hàng chục công ty, tổ chức làm nghề trục vớt đã âm thầm đến vùng biển này khảo sát. Nhưng tất cả đều ngao ngán bỏ đi bởi con sóng “đá gà” do ba dòng chảy ngầm tạo nên ở nơi tàu Hoàng Sơn 16 bị đắm. Một giám đốc cơ sở trục vớt cho biết ông không thể đánh bạc giữa đại dương với xác con tàu này vì sự rủi ro quá cao.
Sau gần một năm từ khi tàu Hoàng Sơn 16 bị đắm, một nhóm thợ lặn từ đảo Phú Quý đến lặn thám sát. Tháng 4-2007, Công ty TNHH Hải Phúc (Phú Quý, Bình Thuận) quyết định mua lại xác tàu từ Công ty Bảo hiểm Pjico với giá chỉ vài trăm triệu đồng. Theo tính toán, nếu trục vớt thuận lợi, Công ty Hải Phúc sẽ kiếm lãi xấp xỉ bạc tỷ vì vỏ tàu còn rất mới.
Thế nhưng hàng chục nhóm thợ lặn chuyên nghiệp đến hợp đồng với Công ty Hải Phúc đều ngao ngán lắc đầu bỏ đi, bởi họ bất lực trước luồng nước hung dữ đã nhấn chìm tàu Hoàng Sơn. Thậm chí đã có cả nhóm thợ lặn từ sông Tonlesap (Campuchia) sang thực hiện vài đợt lặn khảo sát rồi cũng... bó tay!
Công ty TNHH Hải Phúc có khá nhiều kinh nghiệm và thành công trong việc trục vớt tàu thuyền bị đắm trên biển. Tháng 12-2006, công ty này đã trục vớt thành công hàng trăm tàu, ghe bị bão Durian đánh tan tác tại huyện đảo Phú Quý. Theo ông Lê Hoàng Phúc - Giám đốc công ty, ông không hề nghĩ mua và trục vớt xác tàu Hoàng Sơn 16 là đánh bạc giữa đại dương.
Ngược lại, qua kinh nghiệm của ông sau nhiều lần lặn thám sát thì tỷ lệ thành công đến trên 90%. Đến nay, Công ty Hải Phúc đã bỏ ra khoảng 1,4 tỷ đồng đầu tư cho việc trục vớt. Đầu năm 2008, xác tàu Hoàng Sơn 16 đã được Công ty Hải Phúc kéo lên gần nửa thân tàu trên mặt nước. Nhưng do không lường trước được xác tàu ngập đầy bùn, cần cẩu thiếu lực nên con tàu rơi tự do về chỗ cũ!
Lời nguyền trên biển
Đầu tháng 3-2008, Công ty Hải Phúc hợp đồng với một nhóm thợ lặn lành nghề chuyên trục vớt xác tàu đắm tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Anh Lê Văn Tám trưởng nhóm dù mới 32 tuổi nhưng có đến hơn 15 năm trong nghề đã quần nát các vùng biển cả nước. Tám khẳng định nếu trời êm và thời tiết thuận lợi thì nhóm thợ lặn của anh cùng Công ty Hải Phúc chỉ cần một tuần là đưa xác tàu vào đất liền an toàn.
Theo anh Tám, ngày 20-3 vừa qua, một thợ lặn mang nịt chì nặng hơn 15 kg khi vừa lặn xuống đã bị dòng xoáy đẩy trôi đi gần cả trăm mét. Trước đó ít ngày, hai thợ lặn kéo ống xuống bơm phao thử tải nhưng hơn một giờ sau vẫn không thực hiện được do nước ngầm chảy quá xiết. Đã có đến năm thợ lặn phải bỏ dở công việc ra về, trong đó có người suýt chết, thậm chí có thợ lặn bị liệt nhẹ do giảm áp.
Anh Tám cho biết ở các vùng biển khác, thợ lặn xuống độ sâu 30 m là bình thường. Nhưng ở vùng biển này, nếu lặn ở độ sâu 30 m sẽ bị giảm áp, gây tai biến như liệt tứ chi hoặc chết ngay. Đặc biệt, buổi sáng nước ở đây rất lạnh nên thợ lặn phải làm việc từ buổi trưa.
Dù có quá nhiều khó khăn, hiểm nguy nhưng nhóm thợ lặn và Công ty Hải Phúc vẫn tin vào thành công nên huy động tổng lực lượng để “đánh” trận cuối cùng. Tháng Ba âm lịch mà dân gian thường gọi “tháng Ba bà già đi biển” được xem là thời tiết thuận lợi để họ thực hiện lời nguyền.
Hiện Công ty Hải Phúc đã huy động đến hiện trường một sà lan loại lớn, một cần cẩu 120 tấn, một đầu kéo, tàu hậu cần chuyên chở máy nén khí, máy bơm hơi, máy hàn và cơ số bình ôxy cho thợ lặn. Ngoài ra, họ cũng điều từ Cà Mau đến sáu trái phao đen, mỗi trái nặng tám tấn và có sức nâng 45 tấn/phao. Tất cả đã tập kết tại mũi Kê Gà.
Dùng canô đưa chúng tôi đi một vòng thị sát, anh Tám cho hay sẽ dùng máy tời kéo các phao xuống vị trí con tàu đắm để cố định. Tiếp đó, lần lượt bơm hơi vào sáu chiếc phao để nâng xác tàu Hoàng Sơn 16 lên khoảng 1 m rồi mới đưa cẩu đến dìu vào bờ. Lúc đó, một nhóm thợ lành nghề sẽ lặn trước để xác định độ sâu nhằm kịp điều chỉnh bơm hơi nâng xác tàu, nếu không sẽ mắc cạn. Địa điểm dự kiến đưa xác tàu vào là Hòn Lan ở ngay gần đó.
Tôi hỏi cắc cớ rằng sao không lấy 1.000 tấn than trong tàu đắm ra thì sẽ trục vớt dễ hơn. Anh Tám trả lời ngay, sẽ không thể hút than, bùn từ trong lòng tàu ra trước được, bởi dòng xoáy phía dưới sẽ làm sập tàu ngay. “Lúc đó khó khăn sẽ càng khó khăn hơn”.
Anh Tám cũng khẳng định như đinh đóng cột rằng trong tháng 4 này, xác tàu Hoàng Sơn 16 sẽ được đưa vào đất liền. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ lớn của Công ty Hải Phúc và là kỳ tích của nhóm thợ lặn. Việc này cũng góp phần cải thiện môi trường vùng biển này, bởi 1.000 tấn than trong xác tàu này đã gây ô nhiễm mấy năm qua.
Phó tiến sĩ Phùng Thị Thanh Tú, người chuyên nghiên cứu về bệnh giảm áp của nghề lặn, cho biết: “Khi lặn hoặc khi làm việc ở không khí nén, các khí trong hỗn hợp khí hô hấp hòa tan trong máu và trong các mô. Khi giảm áp trở về áp suất không khí bình thường, áp suất khí ở phổi thấp hơn áp suất khí hoà tan trong các mô.
Nếu giảm áp chậm (tức trồi lên mặt nước từ từ - PV), nitơ sẽ được loại dần dần vào máu và thoát ra các phế nang. Nếu giảm áp nhanh (trồi lên mặt nước nhanh), nitơ thoát ra tại chỗ, hình thành các bọt khí ngay trong tổ chức và máu. Các bọt khí này sẽ gây tắc hay chèn ép, làm ngừng lưu thông máu, phát sinh tai biến...”. |
Theo: PHƯƠNG NAM-PL.Tp.HCM