Ngay hình thức, diện mạo của Bao Công được truyền tụng với gương mặt đen sì và vầng trăng khuyết ở giữa trán cũng là do dân gian tưởng tượng ra theo nguyên tắc mỹ học cổ điển. Thực ra, theo những kết quả khảo cổ và sử sách ghi lại thì ông là người trắng trẻo, thư sinh. Ánh hồi quang của nghệ thuật kinh kịch đã soi chiếu vào hình tượng để tạo ra một Bao Công khác: Mặt đen đại diện cho sự nghiêm túc, quân tử, chí công vô tư (trái ngược với mặt trắng biểu trưng cho kẻ tiểu nhân; mặt đỏ biểu trưng cho người trung nghĩa). Dân gian còn “đắp” thêm vầng trăng trên trán với cái ý ánh trăng công lý... Thế nên Bao Công mới có thể ban ngày xử án dương gian, ban đêm xử án âm phủ. Chính vì được bao bọc thêm những màn sương huyền thoại nên Bao Công trở thành biểu tượng cho công lý đầy sức sống, giàu có ý nghĩa. Như vậy, cái lõi câu chuyện là sự thật nhưng được khát vọng của dân gian chắp thêm cánh nên hình tượng bay vào bầu trời văn hóa phương Đông để lại nhiều luồng sáng chấp chới những gợi mở, những đánh giá, những bài học đáng suy ngẫm.
Ngược với pháp luật để thực thi pháp luật
Chuyện kể có người nông dân nghèo lên bẩm quan Tri huyện Thiên Trường (mà Bao Công đang trị nhậm) việc con bò nhà mình bị cắt trộm lưỡi. Thời đó, đấy là chuyện “tày đình”, vì theo pháp luật nhà Tống, giết trâu, bò đang khỏe mạnh còn sức cày bừa là phạm pháp. Thế nên chủ nhà không dám giết mổ mà để thì chắc chắn bò sẽ chết dần trong đau đớn. Suy nghĩ, Bao Công cho phép ông ta về giết bò để bán. Còn nhắn thêm không nên mang ra chợ, chỉ nên bán vụng cho người nhà, anh em làng xóm... Hai ngày sau bỗng có người kiện lên quan vụ việc phạm tội lén giết bò. Chờ có thế, Bao Công lệnh giam ngay người tố cáo. Kẻ bị bắt kêu oan. Quan hỏi vì sao ngươi dám cắt lưỡi bò thì hắn chối. Hỏi tiếp vì sao mà lên quan tố cáo... Tên tội phạm biết không thoát tội bèn thú thật là do có thù hằn tranh chấp đất ruộng lên tìm cách trả thù.
 |
Minh họa: LÊ ANH |
Hơn nghìn năm nay, câu chuyện được dân gian bàn tán xung quanh mấy ý:
Một là, con người ta ở đâu cũng có người nọ kẻ kia, cao thượng, vị tha và thấp hèn, đểu cáng. Sự trả thù theo kiểu “ném đá giấu tay” là hèn hạ nhưng vẫn có kẻ cam tâm hành động. Thế nên động cơ trả thù là một trong hướng ưu tiên trong điều tra, xét xử.
Hai là, gắn vụ việc với thực tế xã hội đang diễn ra. Vụ án nào cũng không tách rời khỏi không gian, thời gian (thời đại) đang diễn ra. Việc cắt lưỡi bò là nghiêm trọng, ngoài gây thiệt hại vật chất còn nhằm mục đích đẩy đối phương vào việc vi phạm pháp luật. Hành động này vừa ác vừa nham hiểm, thâm độc. Những kẻ như thế sẽ trả thù đến cùng. “Tương kế tựu kế”, Bao Công giăng sẵn lưới. Thế là kẻ ấy tự chui vào.
Ba là, ngoài thấu hiểu luật pháp, người xử án phải thấu cảm nhân tâm. Cho người nông dân giết bò bán chui thì chính Bao Công phạm luật nhưng lại rất nhân văn, vừa không để người ấy phạm luật vừa giúp họ có chút tiền gỡ lại. Đồng thời là cái bẫy vô hình để nhử kẻ phạm tội.
Hành động vô lý để tìm chân lý
Vụ án tra khảo con chó để tìm thủ phạm trộm viên ngọc minh châu là chuyện dân gian thêu dệt nhưng cái lý của nó lại mang tính bác học sâu sắc. Vụ án xảy ra ngay tại phủ Thuyết Vương Thừa tướng. Trước ngày đó, Hoàng tử Khiết Đan có gửi nhờ một viên minh châu ở phủ để chuẩn bị dâng lên vua. Nhưng sáng hôm sau, viên ngọc biến mất. Nếu không tìm thấy sẽ bị xử tội chết, Thừa tướng nhờ đến Bao Công. Sau khi kiểm tra kỹ càng, Bao Công cho hỏi người hầu Vương Phú về những người từng ở phủ thời điểm đó. Thành thật hắn khai chỉ có hắn và Thừa tướng. Hắn còn khai thêm nửa đêm nghe thấy bên ngoài cửa sổ có tiếng động, ra mở chỉ thấy con chó sủa. Bao Công lệnh tra khảo con chó vì cho rằng nó đồng lõa với thủ phạm. Tất nhiên không tìm ra chứng cứ gì. Bao Thanh Thiên bèn lệnh “cẩu đầu trảm” và mổ bụng kẻ “đồng lõa mà ngoan cố”. Thật không ngờ tìm thấy viên ngọc dạ minh châu... Nhìn sang Vương Phú, Bao Thanh Thiên hỏi tại sao con chó biết chỗ để viên ngọc và nuốt nó? Run như cầy sấy, Vương Phú quỳ xuống xin tha tội chết...
Thực ra với câu chuyện này, đoán biết nội gian không khó, vì kẻ gian nào vào được phủ Thừa tướng vốn được canh phòng nghiêm mật? Vả lại, chỉ có hai người biết thì người lấy cũng gần như rõ. Ý nghĩa câu chuyện tập trung vào cách phán đoán kẻ có tội, nắm bắt tâm lý tội phạm và cách xử. Với con mắt “nhà nghề”, mới đến hiện trường, Bao Công đã quan sát thấy thái độ đáng nghi và cách Vương Phú ôm con chó như ôm một vật gì quý lắm... Hắn không thể đem viên ngọc ra ngoài phủ, còn trong phủ thì giấu đâu cũng dễ lộ. Chỉ còn cách là cho con chó nuốt. Thế là “giết gà dọa khỉ”, Bao Công hy sinh con chó để vạch tội thủ phạm!
Cũng đúng với logic câu chuyện, trên sử sách thì vụ án “cắt lưỡi bò” là có thật, vụ sau là dân gian tưởng tượng ra. Nhưng cả hai vụ án neo mãi vào tâm thức dân gian về một vị Bao Công xử án biết đi chệch ra ngoài đường biên pháp luật để bảo vệ và giữ vững niềm tin vào pháp luật cùng lối xử công minh, nhân ái, vì con người!
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.