Cứu dân vùng lũ mệnh lệnh không lời
18 giờ ngày 14-10, trực tiếp đi kiểm tra, khảo sát tình hình thực tế tại các khu vực trũng thấp thuộc phường Hòa Khánh Nam, thấy nước lũ liên tục dâng cao, Thiếu tá Lê Quang Hiệp, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 409 nhanh chóng trở về đơn vị, triển khai lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cơ động, ứng cứu nhân dân. Nửa giờ sau, khi nước đã lên qua đầu gối, gần 100 cán bộ, chiến sĩ đặc công với 3 ô tô, 2 thuyền nhôm, 2 thuyền máy, 4 thuyền cao su vội vã lên đường, tỏa về các hướng.
 |
Bộ đội sử dụng xuồng cao su đưa dân đi sơ tán
|
Đến khu vực đường Hoàng Văn Thái, cách đơn vị khoảng 2km, do nước dâng quá cao, những chiếc ô tô không thể cơ động được, bộ đội đành hạ xuồng, hạ thuyền tiếp tục hành quân. Cứ đi được vài trăm mét, đến nơi cao ráo, bộ đội lại cùng nhau gắng sức vác thuyền, vác xuồng để vượt qua. Sau trận mưa lớn kéo dài suốt nhiều giờ, những con hẻm nhỏ dẫn vào Đà Sơn đều bị ngập sâu, cao quá đầu người, nước tuôn như thác đổ. Quá trình cơ động, ca nô, thuyền máy nhiều lần va phải cọc chìm, tường gạch, nóc nhà, song với kinh nghiệm, bản lĩnh dày dặn sau nhiều năm sống chung với lũ, các chiến sĩ vẫn bình tĩnh vượt qua. Những chuyến đầu, bộ đội ưu tiên chở các gia đình bị ngập sâu, có trẻ em, phụ nữ, người già, người tàn tật đi tránh trú. Vừa đi, các anh vừa soi đèn, phát loa tay để tìm người, quyết tâm cứu dân vùng lũ không bỏ sót một ai.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 409 xung kích giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ.
|
Giữa đêm tối mênh mông biển nước, những chiếc xuồng cứu hộ cứ lần lượt vào ra nơi đỉnh lũ, chở che, bảo vệ, giúp đỡ nhân dân. Tại Tổ 45, khi ca nô bất ngờ bị chết máy do quấn phải dây leo, lục bình, phát hiện ở phía trước có 2 người dân đang chới với bám vào hàng rào thép gai, Trung úy QNCN Lê Minh Huy, chiến đấu viên và 2 chiến sĩ trẻ lập tức rời thuyền, bơi ra ứng cứu. Sau gần 10 phút vật lộn giữa dòng nước xoáy, các anh đã đưa được 2 mẹ con chị Trần Thị Kim Trang lên thuyền. Nghe chị Trang kể, chồng và con trai chị vẫn đang bị nước cuốn trôi về phía hạ lưu, anh Huy nhanh chóng điện thoại báo cáo, đề nghị đơn vị hỗ trợ thêm lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm. Tuy đã rất nỗ lực, cố gắng, nhưng đến 15 giờ chiều 15-10, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy chồng, con của chị Trang.
 |
Đại tá Lê Xuân Đông, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Quân khu 5 thăm hỏi, động viên, trao quà hỗ trợ gia đình chị Trang, có chồng và con trai bị lũ cuốn mất tích
|
Cách nhà chị Trang không xa, khi đang tránh lũ trên mái nhà, cả 4 thành viên trong gia đình chị Nguyễn Thị Vi Ân cũng được bộ đội phát hiện, hỗ trợ, đưa về đơn vị an toàn. Ánh mắt thất thần, chị Ân kể lại: “Gần 50 năm cuộc đời, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một trận lũ kinh hoàng như thế. Lúc chập tối, nước chỉ xâm xấp hiên nhà, thế mà đang ăn dở bát cơm, nước đã lên quá ngực. Không kịp trở tay, cả nhà tôi phải dỡ mái tôn, leo lên chờ nước rút. Gần sáng, nước ngập lút luôn mái nhà, tình thế vô cùng nguy cấp. Thế rồi, như một phép màu, bộ đội đã kịp thời có mặt, cứu giúp chúng tôi”.
 |
Bộ đội xung kích giúp dân dọn nhà, thu gom tài sản sau trận lũ lịch sử.
|
4 giờ sáng, khi công tác cứu hộ cơ bản đã hoàn thành, Thiếu tá Lê Quang Hiệp lệnh cho các bộ phận về đơn vị nghỉ ngơi, kiểm tra, bảo dưỡng vật tư, trang bị, sẵn sàng cơ động khi có lệnh. Còn anh và 2 chiến sĩ tiếp tục sử dụng ca nô, vào sâu trong từng xóm lẻ để tìm người. Vuốt nước mưa, anh Hiệp nói to: “Chạy ca nô trong khu dân cư khó hơn chạy trên sông, trên suối rất nhiều, bởi dòng nước liên tục thay đổi. Dưới mặt nước ngầm, các loại hàng rào, dây thép, cọc bê tông, ô tô, xe máy của người dân có thể va vào ca nô, gây hư hỏng, lật úp, chết máy luôn thường trực, cận kề. Song xác định cứu dân là mệnh lệnh không lời, dẫu khó khăn, vất vả, hiểm nguy, chúng tôi cũng quyết tâm xung kích cứu dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
Tình quân dân nơi lũ dữ đi qua
Đêm 14-10, toàn bộ doanh trại, giường phản, chăn màn, gối chiếu cá nhân, được cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 409 huy động để phục vụ người dân đến đơn vị sơ tán. Tuy phần lớn lực lượng phải tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn ở xa, song ở nhà, dưới sự điều hành của Đại úy Đoàn Lê Nam Quốc, Chính trị viên Tiểu đoàn, tổ nuôi quân, phục vụ vẫn bảo đảm chu đáo cơm canh, mỳ tôm, cháo gói cho người dân. Đang bị sốt cao, từ tâm lũ, ông Nguyễn Văn Thanh, 73 tuổi, được bộ đội bố trí ca nô, xe tải chở thẳng về đơn vị để quân y thăm khám, cấp thuốc, điều trị kịp thời.
 |
Nhiều người dân được bộ đội nhường quần áo trong thời gian đi sơ tán |
Do nước lũ lên nhanh, khi đi sơ tán, gia đình chị Nguyễn Thị Việt, với 6 thành viên chẳng kịp cầm theo bất cứ một thứ gì, may mắn, gia đình chị được Tiểu đoàn xuất cấp, cho mượn tạm 6 bộ quần áo thu đông để có thể vượt qua cái lạnh đầu đông. Là giáo viên mầm non, chiều 14-10, sau khi trả trẻ, do nước ngập sâu nên chị Nguyễn Đình Anh Thư không thể trở về nhà. Điện thoại cho chồng và các con đều không được khiến lòng chị nóng như lửa đốt. Khi bộ đội đưa đi sơ tán, chị khóc, đòi được về nhà. Bộ đội phải động viên mãi chị mới nguôi ngoai. Tại Tiểu đoàn Đặc công 409, bất ngờ được quây quần, đoàn tụ cùng cả gia đình, chị Thư xúc động: “Giữa đêm mưa lũ, hiểm nguy, bộ đội vẫn kịp thời có mặt hỗ trợ giúp đỡ gia đình tôi và bà con Đà Sơn. Sáng nay, bộ đội còn dậy sớm, mổ heo, thịt gà nấu cháo, nấu mỳ thết đãi bà con nữa. Sự quan tâm, động viên của các anh là động lực để chúng tôi sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
 |
Bộ đội chăm lo chu đáo từng bữa cơm, giấc ngủ của người dân.
|
Sáng 15-10, khi nước chưa rút hẳn, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 409 lại tiếp tục ra quân, cùng các lực lượng chức năng tích cực tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ nhân dân sửa chữa cửa nhà, nạo vét bùn non, khai thông cống rãnh. Chia sẻ với những khó khăn, mất mát của bà con, đoàn công tác do Đại tá Lê Xuân Đông, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Quân khu 5 phụ trách đã trực tiếp đến thăm và trao quà hỗ trợ các gia đình có người chết và mất tích, bị thiệt hại nặng bởi mưa lũ, mỗi hộ một triệu đồng. Số tiền tuy không lớn, song đây là tình cảm, sự quan tâm, động viên kịp thời, trách nhiệm của bộ đội dành cho người dân nơi đỉnh lũ.
Bài và ảnh: VIỆT HÙNG