Những phút giây giáp mặt tử thần
Trong bộ quần áo bảo hộ dày cộp, ướt đẫm mồ hôi, những cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Công binh 543, Quân khu 2 tay miết chặt cần rà, mắt dán vào từng gợn đất, phiến đá. Mỗi tín hiệu “bíp bíp” vang lên trong thiết bị, là tim họ như nảy lên một nhịp, dấu hiệu của một vật thể nguy hiểm đang rình rập ngay dưới bàn chân.
 |
Chiến sĩ công binh đánh dấu vị trí nghi có bom mìn sót lại sau chiến tranh. Ảnh đơn vị cung cấp |
“Mỗi khi bước vào thực hiện nhiệm vụ, người chiến sĩ công binh có thể phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình, nhưng không một ai trong chúng tôi quản ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng mở đường cho đồng bào đến những vùng đất mới” - Trung tá Trần Văn Hậu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 543, trực tiếp chỉ huy đội công tác, quả quyết.
 |
Chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 543, Quân khu 2 thực hiện rà phá vật cản tại xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Ảnh đơn vị cung cấp
|
Địa hình trên địa bàn xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cực kỳ phức tạp: Nhiều con dốc dựng đứng, hang đá, thảm thực vật rậm rạp phủ kín mặt đất. Nhiều bãi mìn, đầu đạn còn sót lại sau chiến tranh được phát hiện ngay sát các khu vực dân sinh, ruộng nương. Sáng sớm, tổ công tác của Đại úy QNCN Lê Ngọc Yêu nhận nhiệm vụ rà phá một quả đồi thấp, nơi người dân bản Chín Chù Lìn, xã Cao Mã Pờ đang dự định mở rộng ruộng bậc thang. Cỏ tranh cao ngang đầu, dưới lớp đất mục nát là những dấu vết chiến tranh còn nguyên vẹn: Dây kíp, mảnh vỏ đạn, thậm chí cả những hố chôn mìn còn sót lại.
 |
Việc tháo gỡ mìn được các chiến sĩ công binh tiến hành cẩn trọng, tỉ mỉ. Ảnh đơn vị cung cấp |
Không thể dùng phương tiện cơ giới vì nguy cơ kích nổ cao, cả tổ phải bò bằng tay, dùng dao găm rẽ từng đám cỏ, gạt từng nhúm đất bằng bay nhỏ. Tiết trời đầu hè oi nồng, ngột ngạt, mồ hôi túa ra ướt đẫm áo giáp bảo hộ. Đột nhiên, máy rà bom mìn của Trung úy QNCN Nguyễn Ngọc Sơn, Tiểu đội 1, Trung đội 2, Đại đội 4, Tiểu đoàn 3 hú lên liên hồi. Cả tổ nín thở. Sơn ra hiệu cho mọi người lùi lại an toàn, rồi một mình tiến đến. Bằng các động tác khéo léo, kiên nhẫn suốt nửa tiếng đồng hồ, Sơn nhẹ nhàng bóc tách lớp đất khô cứng, lộ ra một quả đạn pháo 105mm còn nguyên kíp nổ. Ngay lập tức, quả đạn được gỡ bỏ an toàn, cả tổ thở phào nhẹ nhõm.
 |
Sử dụng thuốn để rà phá vật cản. Ảnh đơn vị cung cấp |
“Lúc ấy chỉ có một ý nghĩ duy nhất: Mình phải xử lý thật chính xác, nếu xảy ra điều gì bất trắc, không chỉ mình mà đồng đội cũng gặp nguy hiểm” - Người lính công binh từng nhiều năm thực hiện nhiệm vụ nơi biên cương bồi hồi nhớ lại.
Còn Thượng úy QNCN Bùi Đức Anh, nhân viên Trung đội 1, Đại đội 4, Tiểu đoàn 3 lại hào hứng kể về lần “thập tử nhất sinh” khi xử lý một bãi mìn phức tạp tại thôn Vàng Chá Phìn, xã Cao Mã Pờ cách đây không lâu. “Chúng tôi phát hiện hệ thống mìn liên kết bằng dây kíp rất tinh vi. Một quả mìn phát nổ có thể kéo theo cả bãi mìn kích hoạt. Phải mất ba ngày, làm việc chỉ bằng tay không, chúng tôi mới gỡ được toàn bộ bẫy nổ. Có lúc, khi đưa dao găm xuống, tôi chạm phải sợi dây mỏng manh, chỉ một cái run tay là đủ để kích nổ”.
 |
Khu vực tập kết các loại mìn, vật nổ. Ảnh đơn vị cung cấp |
Ở nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong chớp mắt, tình đồng đội là thứ bám víu vững chắc nhất. Khi Thượng úy QNCN Bùi Đức Anh mệt lả, anh em lập tức thay phiên hỗ trợ, tiếp sức bằng những ngụm nước, cái vỗ vai động viên lặng lẽ.
Đồng cam cộng khổ nơi suối sâu, rừng già
Vào mùa Đông, sau mỗi ngày làm việc căng thẳng, những căn lán dựng tạm nơi ven suối của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 543 lại le lói ánh đèn pin lập lòe. Trời đêm lạnh buốt, các chiến sĩ quây tròn bên bếp lửa, sưởi ấm đôi tay tê cóng. Có những đêm mưa lũ, nước suối dâng ngập lán, bộ đội phải thức trắng canh giữ vũ khí, thiết bị. Nhưng chưa một ai kêu than. Trong ánh mắt họ chỉ có sự quyết tâm bền bỉ: “Ngày mai lại lên đường, lại tiếp tục mở lối cho cuộc sống bình yên”.
 |
Phút giải lao ngay tại hiện trường của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 543. |
Không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ rà phá vật cản, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 543 còn gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc nơi đơn vị thực hiện nhiệm vụ thông qua những việc làm đầy tình nghĩa. Tranh thủ giờ nghỉ, cán bộ, chiến sĩ giúp bà con dựng lại những ngôi nhà bị mưa đá làm hư hỏng; tu sửa các điểm trường cheo leo lưng chừng núi. Chúng tôi còn nhớ như in hình ảnh Trung úy QNCN Vũ Chính Nghĩa cõng cụ bà Thèn Thị Phủng, người già nhất thôn Chín Chù Lìn, lội qua dòng suối thời điểm nước xiết để bà kịp đến trạm xá khám bệnh. Những bàn tay chai sần của người lính nắm chặt tay những em bé vùng cao, dìu bước qua những bãi đá trơn trượt. Bên cạnh đó, các chiến sĩ còn tranh thủ dạy xóa mù chữ cho trẻ em, người già; phổ biến kỹ năng phòng tránh tai nạn bom mìn, đuối nước cho người dân.
“Mỗi mét vuông đất sạch là một nụ cười trẻ thơ, là một mùa vàng bội thu. Đó chính là phần thưởng lớn nhất đối với chúng tôi trên mỗi chặng đường đi qua” - Đại tá Nguyễn Doãn Mạnh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 543, khẳng định.
Bài, ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.