Hành trình về nguồn

Trong 4 ngày 3 đêm, đoàn công tác đã đến dâng hương, tưởng niệm tại 4 địa danh gắn với các nữ anh hùng tiêu biểu trong kháng chiến: Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định và khu di tích Nguyễn Thị Út - chị Út Tịch (tỉnh Vĩnh Long); khu tưởng niệm bà Nguyễn Thị Thập (Đồng Tháp); và khu di tích chị Phan Thị Ràng - chị Sứ (An Giang). Mỗi nơi đoàn đi qua không chỉ khơi dậy niềm xúc động, tự hào, mà còn nhắc nhở thế hệ hôm nay về giá trị của lòng yêu nước và tinh thần cống hiến không mỏi mệt của người phụ nữ Việt Nam.

Đến khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định (Vĩnh Long) - người sáng lập “Đội quân tóc dài” và là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, đoàn đã kính cẩn dâng hương tưởng niệm, lắng nghe những câu chuyện về một thời Đồng Khởi bừng cháy. Trong không gian trang nghiêm, những hiện vật và hình ảnh tái hiện sinh động chân dung, khí chất người phụ nữ kiên trung, trí tuệ, mẫu mực của phong trào cách mạng miền Nam.

Tại Đồng Tháp, đoàn đến thăm khu tưởng niệm bà Nguyễn Thị Thập, người phụ nữ đầu tiên được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng. Những hình ảnh “áo bà ba, chân đất” của bà qua các giai đoạn từ cơ sở đến khi giữ trọng trách Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để lại nhiều xúc cảm. Một cuộc đời giản dị nhưng đầy cống hiến.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại tượng "Người mẹ cầm súng" - Nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (Vĩnh Long), thể hiện lời dặn dò của mẹ với các con trước khi ra chiến trường. 

Trên hành trình ấy, khu tưởng niệm Nguyễn Thị Út - chị Út Tịch (Vĩnh Long) như một điểm dừng sâu lắng. “Còn cái lai quần cũng đánh!” là câu nói nổi tiếng qua nhiều thế hệ. Bà là biểu tượng của tinh thần không khuất phục trước gian khổ. Từ một người phụ nữ nghèo, đi ở đợ, bà đã vươn lên thành nữ du kích quả cảm. Ký ức về bà được người dân địa phương kể lại bằng tất cả sự gần gũi, thân thuộc, như kể về một người thân trong gia đình.

Tại khu di tích Ba Hòn (An Giang), nơi ghi dấu sự hy sinh của chị Phan Thị Ràng - chị Sứ, không khí như chùng xuống. Người con gái kiên cường của Hòn Đất, dẫu tuổi đời còn rất trẻ, vẫn kiên cường giữ vững lý tưởng cách mạng dù bị địch tra tấn dã man. Tượng đá chị Sứ trong ánh nắng trải dài hiện lên đầy bi tráng. Nhiều chị em trong đoàn lặng lẽ rơi nước mắt. Có lẽ bởi trong hình ảnh người nữ anh hùng ấy, họ bắt gặp chính mình - một phần nào đó tinh thần của phụ nữ Việt Nam: Trung trinh, bất khuất, không bao giờ lùi bước trước khó khăn.

Lan tỏa yêu thương

Không chỉ dừng lại ở hoạt động tưởng niệm, chuyến công tác còn là dịp để lan tỏa tinh thần nhân ái và tình cảm quân dân sâu nặng. Ban Phụ nữ Quân đội và Cục Chính trị Quân khu 9 đã tổ chức trao hơn 400 phần quà tặng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách tại những địa phương đoàn đi qua. Cùng với đó, Cục Chính trị Quân khu 9 đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 3 căn nhà “Mái ấm biên cương” tặng các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tại các xã Tân Hồng (Đồng Tháp), xã Giang Thành và Nhơn Hội (An Giang) với tổng trị giá hàng trăm triệu đồng.

Tại những địa điểm trao quà, Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội bày tỏ: Mỗi phần quà được trao đều mang theo sự quan tâm trọn vẹn, chu đáo và tình cảm chân thành của những người lính, những cán bộ Phụ nữ Quân đội. Các thế hệ người Việt Nam đời đời khắc ghi và tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người có công với cách mạng, cùng các gia đình đã hiến dâng người thân yêu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội trao quà tri ân tặng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. 

Những cái nắm tay, ánh mắt xúc động, lời cảm ơn chân tình từ người dân đã nói thay cho sự gắn bó thủy chung giữa bộ đội với nhân dân. Một bác gái lớn tuổi xúc động nói: “Không phải vì quà nhiều hay ít, mà vì mấy cô, mấy chú bộ đội còn nhớ tới tụi tui. Nhớ tới mấy người nằm lại rồi…”.

Kết thúc chuyến hành trình, Thượng tá QNCN Nguyễn Thị Thúy Liên, Trợ lý Phụ nữ, Phòng Công tác Quần chúng, Cục Chính trị Quân khu 9 chia sẻ: “Mỗi phần quà, mỗi mái nhà được dựng lên là một thông điệp của sự sẻ chia, là cách để tiếp nối truyền thống tương thân tương ái của Bộ đội Cụ Hồ.” 

Với nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ Quân đội, đây không chỉ là trải nghiệm nghề nghiệp, chuyến đi còn là cơ hội để tìm hiểu sâu sắc hơn về những đóng góp của người phụ nữ trong kháng chiến, trong công cuộc dựng xây và giữ gìn đất nước.

Trở về từ chuyến công tác, với tôi là một dấu mốc tinh thần khó quên. Mang theo trong tim không chỉ là kỷ niệm, mà là niềm tin, lòng biết ơn, cùng trách nhiệm tiếp nối truyền thống vẻ vang của lớp người đi trước.

4 địa danh - 4 bóng hình nữ anh hùng - hơn 400 phần quà - 3 mái ấm biên cương. Đó là những con số biết nói, kết tinh nên một hành trình của tri ân, của tiếp nối và của niềm tin vào sức mạnh phụ nữ trong Quân đội nhân dân Việt Nam hôm nay.

Bài, ảnh: THANH HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.