Báo Quân đội nhân dân tiếp tục trích giới thiệu tới bạn đọc các tham luận gửi về tọa đàm.

PGS, TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

Không để tác động tiêu cực bởi xâm lăng văn hóa

Gần đây, quá trình toàn cầu hóa càng trở nên mạnh mẽ hơn cùng với sự phát triển của phương tiện truyền thông mới khiến thế giới trở thành một “ngôi làng toàn cầu” và thúc đẩy quá trình tiếp biến, biến đổi văn hóa nhanh hơn. Năm 2005, thông qua Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, UNESCO đã ý thức được về ảnh hưởng của sự xâm lăng văn hóa đi kèm với quá trình toàn cầu hóa.

Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là kết tinh của chủ nghĩa yêu nước và giá trị văn hóa quân sự Việt Nam. Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ đã định hình thành một hệ thống giá trị văn hóa-chính trị-đạo đức tốt đẹp, bền vững, phản ánh bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, giúp định hướng sự phát triển nhân cách cho bộ đội. Vì vậy, việc chống lại sự xâm lăng văn hóa, giữ gìn giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng quân đội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng Việt Nam.

Để ứng phó với tác động của xâm lăng văn hóa đối với văn hóa Bộ đội Cụ Hồ, trước hết, cần phải hình thành nhận thức đúng đắn, đầy đủ và bản lĩnh văn hóa, giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ trong quân đội. Điều đó phải đến từ việc hiểu rõ về văn hóa dân tộc. Về nhận thức, chúng ta cần xác định rằng văn hóa rất phức tạp, vì thế hiện tượng xâm lăng văn hóa cũng khó nhận biết rõ ràng. Việc xác định và giữ gìn văn hóa dân tộc cần phải hết sức cụ thể để phù hợp với hoàn cảnh quân đội.

Về hành động, chúng ta nên chuyển văn hóa, bản sắc văn hóa từ những khái niệm trừu tượng thành những nội hàm cụ thể, tồn tại trong các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Những câu chuyện về lòng yêu nước, giá trị nhân văn, tấm lòng cao cả sẽ truyền cảm hứng tốt hơn qua những bộ phim, cuốn truyện, bài hát, sự kiện thể thao, nghệ thuật trong quân đội. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là biểu diễn nghệ thuật là một kênh quan trọng trong quá trình nâng cao nhận thức, tri thức toàn diện cho cán bộ, chiến sĩ; đồng thời trang bị cho bộ đội những kiến thức cơ bản trong cuộc đấu tranh với các quan điểm văn hóa, văn nghệ lệch lạc, xấu độc, phản động cùng âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong quân đội; lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tấm gương tích cực để cổ vũ, lan tỏa những hành vi đạo đức, lối sống chuẩn mực của bộ đội, từ đó lan tỏa ra toàn xã hội, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Xâm lăng văn hóa ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ nhưng cũng là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá toàn diện hơn về những giá trị văn hóa đặc biệt này. Từ đó, có những biện pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài để gìn giữ, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trở thành biểu trưng đạo đức cách mạng và văn hóa dân tộc Việt Nam.

--------------

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN HÙNG OANH, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị:

Thực hiện đồng bộ các nghị quyết, kết luận để tạo xung lực mới

Bộ đội Cụ Hồ là danh hiệu cao quý gắn với hình ảnh mẫu mực, trong sáng tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đ­ược nhân dân suy tôn và trao tặng cán bộ, chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua các thời kỳ chiến tranh và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ cha, anh đã dày công vun đắp danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ thành một giá trị văn hóa, tinh thần cao đẹp, sáng ngời trong lòng dân tộc.

Để tiếp tục phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp trong toàn quân cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương; tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; bám sát tình hình thực tiễn, lựa chọn đúng, trúng và tập trung thực hiện quyết liệt các khâu đột phá, làm chuyển biến mạnh mẽ khâu yếu, mặt yếu, nhất là việc chấp hành pháp luật, kỷ luật, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, nhân cách người quân nhân cách mạng, theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”... Quá trình thực hiện Nghị quyết 847 và cuộc vận động, cần gắn kết chặt chẽ với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các nghị quyết, kết luận của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Một buổi luyện tập bắn súng của các nữ dân quân huyện Chư Sê (Gia Lai). Ảnh: PHAN XUÂN ĐỊNH. 

Phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới chỉ trở thành hiện thực thông qua sự nỗ lực, tự giác, chủ động của mỗi cán bộ, chiến sĩ để nhận thức và chuyển hóa các giá trị của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thành nhân cách người quân nhân cách mạng. Từng cơ quan, đơn vị tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ chính trị được giao, cần cụ thể hóa chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới thành các tiêu chí cụ thể, thực hiện tốt giáo dục truyền thống, bản chất cách mạng của quân đội, để khơi dậy lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm trong học tập, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tự nhận thức về chính mình; tự thẩm định đánh giá phẩm chất, năng lực; tư tưởng, tình cảm, động cơ phấn đấu và nguyện vọng, lợi ích chính đáng. Tự phát triển và hoàn thiện phẩm chất nhân cách của mình, trên cơ sở loại trừ những khiếm khuyết, thói quen không phù hợp để trở thành người quân nhân cách mạng ưu tú, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

--------------

Thiếu tướng NGUYỄN ANH TUẤN, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng:

Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng vi phạm kỷ luật, pháp luật

Đối với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), xác định việc giáo dục, rèn luyện, giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đi liền với chống chủ nghĩa cá nhân cho cán bộ, chiến sĩ là việc làm vừa cấp bách, vừa thường xuyên, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng.

Thời gian qua, nhất là sau phiên làm việc giữa Thường vụ Quân ủy Trung ương với Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP; Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng vi phạm kỷ luật, pháp luật và bảo đảm an toàn trong cơ quan, đơn vị.

Tổ chức ngay đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn lực lượng, nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý các mối quan hệ xã hội của cán bộ, chiến sĩ, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, các quy chế, quy định của đơn vị, các quy định về trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng thẩm tra, xác minh, điều tra làm rõ những trường hợp vi phạm và tiến hành xử lý nghiêm minh theo đúng điều lệnh, điều lệ của quân đội, pháp luật của Nhà nước.

Thời gian tới, Đảng ủy BĐBP sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân trong các cơ quan, đơn vị bằng các giải pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; thực hiện tốt phương châm “trên nêu gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm các nguyên tắc, nền nếp, chế độ sinh hoạt, bổ sung hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo các mặt công tác, nhất là các mặt công tác trọng yếu; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát kết hợp với thanh tra và bảo vệ chính trị nội bộ; chủ động, tích cực rà soát, nắm chắc tình hình nội bộ của các cơ quan, đơn vị, nhất là cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ ở các vị trí, lĩnh vực công tác nhạy cảm, trọng yếu; chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của người chỉ huy...

--------------

Thiếu tướng, TS ĐỖ HỒNG LÂM, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân:

Luyện rèn bút sắc, lòng son

Với tư cách là một nhà báo cách mạng, Bác Hồ đã tự trau dồi đạo đức, phong cách của người chiến sĩ trên mặt trận báo chí và chính Người đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Sinh thời, Bác Hồ dạy: Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của nhà báo; đồng thời nhắn nhủ: “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại”.

Triển khai Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương, thời gian qua, các cơ quan báo chí, đặc biệt là Báo Quân đội nhân dân đã chủ động xây dựng kế hoạch, mở chuyên trang, chuyên đề; nhất là tổ chức các tuyến bài có chất lượng từ việc phân tích, làm rõ nội hàm, khái niệm cơ bản, đến đề xuất, hiến kế hiện thực hóa các mục tiêu, giải pháp được Nghị quyết 847 xác định. Đó chính là một kênh quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và định hướng hành động cho cán bộ, chiến sĩ. Những phần việc này cần tiếp tục được phát huy trong thời gian tới, hướng cả vào việc tuyên truyền cổ vũ, tạo động lực "phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ", đồng thời mạnh mẽ nhận diện, đấu tranh với các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân ở các cấp, nhất là ở cơ sở. Trong tuyên truyền cần nhất quán chủ trương nghị quyết nêu ra là "lấy đẹp, dẹp xấu", lấy "xây" là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, nhưng đồng thời phải quyết liệt phòng, chống các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn.

Tôi cho rằng, nhà báo-chiến sĩ hiện nay đang gánh trên vai hai sứ mệnh: Nhà báo và Bộ đội Cụ Hồ. Thế nên, các nhà báo-chiến sĩ phải không ngừng học tập, làm theo tấm gương phong cách, đạo đức, tư tưởng nhà báo Hồ Chí Minh như một yêu cầu tất yếu để rèn luyện bút sắc, lòng son; đóng góp tích cực vào việc đưa nền báo chí nước nhà phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Các cơ quan báo chí quân đội phải thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, quân đội và là diễn đàn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, góp phần định hướng dư luận xã hội, cầu nối “ý Đảng với lòng dân”, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thắt chặt đoàn kết máu thịt quân dân và đoàn kết nội bộ thực chất, vững chắc...

Để làm được điều này, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong quân đội không ngừng tích cực trau dồi, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nghiệp vụ theo phong cách Bác Hồ. Đặc biệt tôn trọng sự thật, dũng cảm đấu tranh không khoan nhượng với mọi đối tượng, hiện tượng làm tổn hại đến lợi ích của dân tộc, quân đội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, tệ nạn xã hội; đấu tranh, phản bác hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội; văn phong phải ngắn gọn, cô đọng, súc tích, dễ nhớ, dễ hiểu, có sức thuyết phục cao đối với bộ đội và nhân dân.

------------

Đại tá, TS TRẦN NGỌC HỒI, Chủ nhiệm khoa Công tác Đảng, công tác chính trị, Học viện Chính trị:

Người quyết liệt chống chủ nghĩa cá nhân

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, với cái tâm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn tiên phong trên các mặt trận, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng và quân đội.

Đại tướng chỉ rõ những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân: Nó thể hiện ra từng nơi, từng lúc khác nhau và tùy trình độ, cương vị công tác từng người... Ở nông thôn biểu hiện ra ở chỗ tự tư tự lợi trong vấn đề thuế khóa, diện tích, sản lượng, xét định thành phần, trong vấn đề cá nhân và hợp tác xã... Còn trong Quân đội ta, thì có khi biểu hiện bằng tham ô, lãng phí, công thần, kiêu ngạo, địa vị, đòi hưởng thụ...

Đại tướng cũng chỉ ra những mặt xấu, mặt tiêu cực của những người bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, như: Thấy tác dụng cá nhân mình tăng lên một tí, thấy tác dụng của quần chúng nhân dân giảm đi một tí; thấy công lao của mình tăng lên một tí, thấy công lao của Đảng giảm đi một tí; đối với mình thì cộng một ít thành tích, đối với người khác thì lại cộng thêm cho họ một ít sai lầm, khuyết điểm; thấy cấp trên được đề bạt cũng buồn; thấy cấp dưới được đề bạt cũng buồn; thấy đồng cấp được đề bạt cũng buồn; thấy đồng chí có gì hơn mình cũng không vui; kém người một cái gì, đêm nằm phải giở mình luôn... Theo Đại tướng, những biểu hiện chính của chủ nghĩa cá nhân trong tư tưởng cán bộ, chiến sĩ đã bộc lộ ra là: Đầu óc địa vị, đòi hỏi hưởng thụ (thực chất là tự tư tự lợi); công thần kiêu ngạo, tự do chủ nghĩa, thiếu ý thức tổ chức và tập thể, dùng quyền uy cá nhân với tính quân phiệt.

Đại tướng cũng chỉ rõ: Chủ nghĩa cá nhân dù lớn, dù nhỏ, tuy mức độ có khác nhau nhưng đều là một thứ vi trùng đục khoét tư tưởng của người cách mạng, gây ra một thứ tác hại cho cách mạng và làm cho bản thân người đó ăn cũng không ngon, ngủ không yên. Nếu chúng ta nặng về lo lắng cho lợi ích, tiền đồ cá nhân thì khó lòng mà đưa cách mạng tiến lên được.

Để đấu tranh, diệt trừ chủ nghĩa cá nhân, theo Đại tướng, phải sử dụng hiệu quả phê bình và tự phê bình; đồng thời, đề cao tu dưỡng đạo đức cách mạng, tu dưỡng chủ nghĩa tập thể, tu dưỡng lập trường; biết đặt lợi ích của cách mạng, của tập thể lên trên hết, trước hết. Phải xây dựng một lối sống đạo đức xã hội chủ nghĩa lành mạnh; chống những thói hư tật xấu, như: Quan liêu, khinh quần chúng, tự cao tự đại...

Theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người “nổ súng” chống chủ nghĩa cá nhân trong quân đội. Những di huấn của Đại tướng về chống chủ nghĩa cá nhân mãi còn giá trị trong sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

------------------

Đại tá TRẦN HÙNG, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ:

Lan tỏa giá trị Bộ đội Cụ Hồ ra cộng đồng xã hội

Không phải không có lý khi nhiều người từng đề nghị công nhận danh xưng Bộ đội Cụ Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Bởi, đó là danh hiệu, danh xưng mà nhân dân tôn vinh; là giá trị văn hóa độc đáo, sáng tạo, tiêu biểu trong dòng chảy văn hóa Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh, gắn liền với truyền thống, chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Hiếm có một quân đội nào có danh xưng gần gũi và cao quý như Quân đội nhân dân Việt Nam-danh xưng Bộ đội Cụ Hồ. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Hình ảnh và tên gọi Bộ đội Cụ Hồ là nét đẹp độc đáo trong văn hóa Việt Nam và lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta”. Gắn liền với danh xưng cao quý ấy, trong gần 78 năm qua, hình ảnh, phẩm chất của người lính Cụ Hồ ngày càng tỏa sáng. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, dù dầm mình trong mưa bão giúp dân hay trắng đêm canh gác đường biên chống “giặc Covid-19” trên chiến hào giá lạnh, quên mình hy sinh giúp dân giữa rừng sâu núi thẳm, các anh vẫn một lòng thủy chung, gắn bó keo sơn với nhân dân, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh.

Một trong những điểm nhấn tại Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ Quân đội nhiệm kỳ 2020-2025 đó là nội dung xây dựng Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới đã được đưa vào văn kiện đại hội. Nghị quyết đại hội đã xác định rõ các chuẩn mực Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới và coi đây là giải pháp nền tảng để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Để nuôi dưỡng, phát huy những bản chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, để hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ mãi mãi tỏa sáng, tôi nghĩ không chỉ là nhiệm vụ, là công việc của các nhà tuyên huấn, các nhà khoa học mà còn phải là nhiệm vụ thường xuyên của báo chí, văn nghệ. Một điều tôi đánh giá cao là Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” của Báo Quân đội nhân dân. Qua cuộc thi này đã phần nào lan tỏa những tấm gương sáng, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đầu tiên là đến với cán bộ, chiến sĩ và lan rộng đến cộng đồng xã hội và toàn thể nhân dân. Ngoài ra Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới cũng là điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ học tập, rèn luyện, tu d­ưỡng, phấn đấu, tiến bộ, trưởng thành, góp phần quan trọng tiếp tục giữ vững, phát huy, làm lan tỏa giá trị phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

---------------

Thượng tá, Thạc sĩ HỒ MẬU DŨNG, giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 1

Cần thực hiện kỷ luật tự giác, nghiêm minh

“Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”, trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, kỷ luật quân đội luôn được chú trọng. Kỷ luật là “cây gậy” răn đe để cá nhân thấy lỗi lầm và khắc phục, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm của bản thân. Tại Hội nghị Tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của Đoàn Thái Nguyên-Bắc Giang (2-1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải nâng cao kỷ luật, giữ vững kỷ luật. Những cán bộ có ưu điểm thì phải khen thưởng; người làm trái kỷ luật thì phải phạt... Thưởng phạt nghiêm minh là cần thiết”. Nói chuyện với đại biểu quân đội nhân dịp Tết Đinh Dậu (1957), Bác Hồ nhắc nhở: “Trong quân đội cách mạng, cán bộ phải làm gương mẫu, phải chăm nom đến đời sống tinh thần, vật chất của chiến sĩ, phải gương mẫu học tập và giữ kỷ luật”.

Trong mọi giai đoạn cách mạng, chất lượng chấp hành kỷ luật ở các đơn vị có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Bác Hồ đã dạy: “Đoàn kết và kỷ luật làm cho bộ đội mạnh, đoàn thể mạnh. Nếu ta không trọng kỷ luật, thì ta làm cho bộ đội yếu đi, đoàn thể yếu đi”. Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI cũng xác định, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật của bộ đội là một trong ba khâu đột phá.

Nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của việc duy trì kỷ luật tự giác, nghiêm minh, Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết 847 và chỉ rõ yêu cầu, giải pháp nâng cao hiệu quả mặt công tác này. Trên tinh thần đó, các đơn vị trong toàn quân đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng chấp hành kỷ luật, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu". Trong đó, phát huy vai trò của đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những nội dung, biện pháp hết sức quan trọng; góp phần tạo sự chuyển biến, tiến bộ khá toàn diện về chấp hành kỷ luật trong toàn quân. Nổi bật là, các cán bộ, đảng viên luôn tích cực, tự giác chấp hành kỷ luật ở mọi lúc, mọi nơi và trong mọi nhiệm vụ, điều kiện, hoàn cảnh và hình thành thói quen có kỷ luật hằng ngày; nêu cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng tốt kế hoạch tự rèn luyện một cách toàn diện cả về nhận thức, hành động và cụ thể hóa thành yêu cầu, chỉ tiêu phấn đấu sát với cương vị, chức trách của quân nhân.

Kỷ luật không chỉ là sức mạnh của quân đội, mà còn là một trong những phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ. Thực hiện Nghị quyết 847 có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chấp hành kỷ luật ở đơn vị. Quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp trong nghị quyết lần này sẽ góp phần vào nâng cao chất lượng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

------------

Trung tá NGUYỄN VĂN NGHĨA, Chủ nhiệm Chính trị, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam:

Sáng ngời hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên trường quốc tế

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là hoạt động trong môi trường đa quốc gia, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí quyết tâm cao; có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai; trình độ kiến thức và năng lực toàn diện; thành thạo ngoại ngữ, luật pháp quốc tế, quy định của Liên hợp quốc và đặc thù của từng phái bộ; hiểu biết về đặc trưng dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng và phong tục, tập quán của nhiều quốc gia khác nhau...

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ quân đội ta ngoài việc được huấn luyện công phu, kỹ lưỡng đầy đủ tất cả các kỹ năng theo yêu cầu của Liên hợp quốc, đặc thù tại mỗi phái bộ, còn cần không ngừng rèn luyện ý chí kiên cường, tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, sáng tạo để vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Một ví dụ điển hình là khi Việt Nam lần đầu tiên cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan (tháng 10-2018), mặc dù chưa có kinh nghiệm, lại phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách về an ninh, an toàn, dịch Ebola, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, đường giao thông đi lại khó khăn, thực hiện nhiệm vụ xa Tổ quốc... nhưng với ý chí quyết tâm, các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho lực lượng tại phái bộ, cũng như người dân địa phương.

Cùng với đó, các tổ công tác hoạt động độc lập tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi còn chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ bên lề khác để giúp đỡ người dân bản địa, như: Quyên tặng đồ dùng học tập; dạy học cho trẻ em; dạy người dân trồng trọt cải thiện đời sống; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hướng dẫn người dân vệ sinh phòng dịch, cách chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; may tặng miễn phí khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19... Đây là hoạt động chưa từng có tại các phái bộ này trước đây nên đã trở thành điểm sáng, được chỉ huy phái bộ, lãnh đạo Liên hợp quốc, người dân địa phương và bạn bè quốc tế đánh giá cao, biểu dương, khen ngợi. Bên cạnh đó, việc tận dụng thời gian để sáng tạo trong tăng gia, sản xuất bảo đảm nguồn rau xanh cải thiện đời sống hằng ngày và làm các món ăn truyền thống tiếp đãi bạn bè quốc tế, qua đó quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam đã trở thành một nét đẹp độc đáo tại mỗi nơi có sự hiện diện của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tất cả những việc làm cụ thể, thiết thực đó đã và đang làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp của phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

-------------

Thiếu úy QNCN PHẠM THIÊN HÀ (con gái liệt sĩ Phạm Văn Hướng), Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế:

Nguyện tiếp nối cha anh

Gần 78 năm qua, kể từ những bước đầu tiên khởi nguồn từ khu rừng Trần Hưng Đạo, cán bộ, chiến sĩ quân đội qua các thời kỳ vẫn luôn tiên phong, đi đầu trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, lớp lớp thế hệ Bộ đội Cụ Hồ anh dũng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Kế thừa trang sử hào hùng đó, trong giai đoạn mới hiện nay, phẩm chất, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ lại tiếp tục tỏa sáng ở mọi lúc, mọi nơi, trên mọi lĩnh vực. Với tinh thần “vì nhân dân quên mình”, biết bao cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ, gắn bó tuổi thanh xuân ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ địa cách mạng, biên giới, hải đảo. Những người lính Cụ Hồ đã luôn tích cực giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh...

Và dù trong thời bình thì vẫn còn đó những mất mát, hy sinh. Năm 2020, đất nước trải qua biết bao thăng trầm, đối đầu với đại dịch Covid-19, rồi liên tiếp các đợt lũ chồng lũ tràn về miền Trung gây nên bao đau thương, mất mát. Đau xót và tiếc thương thay khi Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, LLVT Quân khu 4 nói riêng vĩnh viễn mất đi 13 cán bộ, chiến sĩ ở Thủy điện Rào Trăng 3, trong đó có cha tôi-liệt sĩ Phạm Văn Hướng. Ngay sau đó, tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 ở Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) lại thêm 22 cán bộ, chiến sĩ ngã xuống lòng đất mẹ. Sự hy sinh của cha, của các cán bộ, chiến sĩ càng làm tôi kính trọng sâu sắc người lính Cụ Hồ và ước mơ tha thiết được nhập ngũ để tiếp nối sự nghiệp của cha.

Như hiểu rõ nguyện vọng ấy, tháng 1-2022, Đảng, Nhà nước và quân đội có chính sách đặc thù, quan tâm tạo điều kiện tuyển dụng tôi tham gia vào môi trường quân ngũ và trở thành nhân viên thuộc Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến nay, trải qua 3 tháng công tác tại đơn vị mới, tuy còn nhiều bỡ ngỡ khi lần đầu tiếp xúc với môi trường quân đội nhưng nhờ sự động viên của các thủ trưởng, đồng chí, đồng đội, tôi dần bắt nhịp được với chế độ sinh hoạt, làm việc nơi đây.

Để xứng với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ, tiếp nối truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam và truyền thống cách mạng của gia đình, tôi nhận thấy cần phải tích cực nghiên cứu, học hỏi để sớm tiếp cận công việc và môi trường công tác mới, vượt lên hoàn cảnh, phấn đấu học tập, rèn luyện, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, vững tin tiếp bước cha anh!