Tháng 2-1967, Nguyễn Đình Thuyết tạm biệt quê hương (xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) lên đường nhập ngũ vào Đoàn 22A, Quân khu 4. Sau 4 tháng huấn luyện, ông được điều về Sư đoàn 325C, Quân khu Trị Thiên, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Trong thời gian này, Nguyễn Đình Thuyết cùng đồng đội tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt, lập không ít chiến công xuất sắc.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thuyết (bên trái) cùng đồng đội ôn lại những ngày tháng tham gia vận hành và sửa chữa hệ thống đường ống dẫn xăng dầu ở Trường Sơn. 

Năm 1970, đơn vị của Nguyễn Đình Thuyết được lệnh hành quân sang tỉnh Saravane (Lào). Sau đó, ông được điều về Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 592, Bộ tư lệnh 559, với nhiệm vụ vận hành và sửa chữa hệ thống đường ống dẫn xăng, dầu, bảo đảm nguồn tiếp tế chiến lược, phục vụ hiệu quả cho chiến trường miền Nam. Đây là nhiệm vụ quan trọng bởi thời điểm đó, nhu cầu bảo đảm xăng, dầu phục vụ chiến trường đang là vấn đề hết sức cấp thiết. Trong khi đó, tuyến Đường Hồ Chí Minh bị địch đánh phá ác liệt nên hầu hết xe chở xăng, dầu không thể vượt qua các trọng điểm...

Nhớ lại những năm tháng gian khổ ấy, cựu chiến binh Nguyễn Đình Thuyết xúc động kể: “Đường ống chạy qua rừng sâu, núi cao, lại thường xuyên bị địch rình rập. Máy bay trinh sát của chúng quần thảo liên tục cả ngày lẫn đêm, chỉ cần phát hiện là chúng giội bom đánh phá. Có những hôm vừa sửa xong một đoạn ống bị địch đánh hỏng, chưa kịp nghỉ ngơi thì bom địch tiếp tục trút xuống, anh em chúng tôi lại lao vào khắc phục ngay. Hồi đó, nhiều khi anh em chỉ có rau rừng để cầm cự qua ngày, nhưng vẫn lạc quan lắm! Mỗi lần nghe tiếng xăng, dầu chảy qua từng trạm bơm, biết rằng nó đang tiếp sức cho chiến trường, ai nấy đều phấn khởi”.

Cuộc đời chiến sĩ Nguyễn Đình Thuyết trải qua không biết bao nhiêu lần cận kề cái chết, đối mặt với bom rơi đạn lạc. Có lẽ, ký ức đau thương nhất trong ông là những lần chứng kiến đồng đội trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay mình. Những kỷ niệm ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí ông, đặc biệt trong chiến dịch mùa khô năm 1972... Lúc đó, Nguyễn Đình Thuyết cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đường ống dẫn nhiên liệu và các trạm bơm dọc tuyến vận tải thì bất ngờ nghe tiếng máy bay trinh sát của địch rít lên ngày càng lớn. Ngay sau đó, hàng loạt bom trút xuống dữ dội. Cả trạm bơm rung chuyển, lửa bùng lên đỏ rực, khói đen bao trùm. Đường ống trúng bom, dù van an toàn đã được khóa chặt nhưng áp suất quá lớn đã gây ra những vụ nổ liên tiếp, xé toang từng đoạn ống, tạo thành những đám cháy dữ dội. Trong tình thế nguy hiểm, ông cùng đồng đội nhanh chóng lao vào dập lửa, tìm cách cứu lấy đường ống nhưng bom địch vẫn giội xuống liên tiếp. Khi thấy một đồng đội bị thương, ông không ngần ngại lao đến ôm chặt lấy, sơ cứu ban đầu và chờ quân y đến ứng cứu... Trước khi rơi vào hôn mê, người đồng đội vẫn nắm chặt tay ông, như muốn gửi gắm lời cuối cùng, sau đó, anh ra đi mãi mãi vì vết thương quá nặng.

Chiến tranh tàn khốc, nghiệt ngã, trong những khoảnh khắc đau thương ấy, ông và những người còn lại không cho phép mình gục ngã, tiếp tục chiến đấu, tiếp tục sửa chữa, duy trì đường ống được thông suốt...

Đầu tháng 4-1975, cấp trên chỉ đạo các đơn vị hậu cần, trong đó có các trung đoàn đường ống phải bảo đảm cung cấp nhiên liệu thông suốt cho chiến trường. Ngay sau khi nhận lệnh, đơn vị của Nguyễn Đình Thuyết dồn toàn bộ sức lực, ngày đêm bám sát từng đoạn đường ống. Mục tiêu là không để bất kỳ sự cố nào gây gián đoạn dòng chảy nhiên liệu, phục vụ đắc lực cho chiến dịch lịch sử.

Thời điểm đó, địch điên cuồng đánh phá những cánh rừng ẩn giấu hệ thống đường ống nhiên liệu của ta. Nhưng Nguyễn Đình Thuyết và đồng đội vẫn kiên cường bám trụ tại các trạm xăng, tuyến đường ống, không quản hiểm nguy để gia cố những điểm kết nối, xử lý mọi sự cố rò rỉ; đồng thời lắng nghe từng tiếng động nhỏ nhất, phát hiện và khắc phục hư hỏng một cách kịp thời.

Những ngày cuối tháng 4-1975, khi các quân đoàn chủ lực của ta thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, những người lính sửa chữa đường ống vẫn âm thầm bám trụ bên các trạm bơm. Chính sự hy sinh thầm lặng ấy đã góp phần quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến thắng vĩ đại ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đất nước hòa bình, ông Thuyết được điều về làm nhân viên thống kê tổng hợp tại Phòng Kế hoạch, Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần (nay là Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật). Đến năm 1988, ông về nghỉ hưu tại quê nhà và tham gia nhiều hoạt động ở địa phương.

Bài và ảnh: TRÀ MY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục 50 năm đại thắng mùa Xuân 1975 xem các tin, bài liên quan.