leftcenterrightdel
Em Hồ Thị Nghin và Đại úy Ngô Minh Trường, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay chụp ảnh cùng Ban tổ chức cuộc thi. 

Câu chuyện bắt đầu từ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình Hồ Thị Nghin. Bố mẹ Nghin sinh được 6 người con. Bố Nghin sức khỏe yếu do căn bệnh parkinson mãn tính. Mẹ Nghin sinh nở nhiều trong điều kiện thiếu thốn, vất vả, không được chăm sóc sức khỏe dẫn đến bị hậu sản nên sức khỏe còn yếu hơn cả bố. Công việc chính của bố mẹ Nghin là phát rẫy trồng lúa, trồng sắn nhưng sức lực và nhân công không có nên chẳng trồng được bao nhiêu. Đến mùa thu hoạch, Nghin phải xin cô nghỉ học để cùng bố mẹ mang gùi lên rẫy. Mỗi gùi sắn người lớn khỏe mạnh thì gùi được 50-60kg nhưng bố mẹ Nghin chỉ gùi được 20kg, còn em thì chỉ gùi được 10-12kg... Cuộc sống vất vả quanh năm, kinh tế gia đình vì thế cũng chẳng thể khá lên.

Cũng do cái nghèo, cái đói, thiếu thốn mà người chị thứ hai của Nghin đã mất khi còn nhỏ vì bị bệnh. Chị gái đầu của Nghin phải bỏ học nửa chừng.  

Năm 2017, khi Nghin học lớp 4 thì khó khăn càng chồng chất hơn bởi thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ liên miên đã làm cho rẫy lúa bị rụng hết hạt, củ sắn dầm mưa lâu ngày không lớn nổi, lại thêm bố bị đau triền miên... Thu nhập không có, cái đói hiện hữu nên con đường đến trường của Nghin có nguy cơ bị khép lại.

Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ tư lệnh BĐBP phát động, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay (BĐBP tỉnh Quảng Trị) đã nhận đỡ đầu Nghin cho đến khi em tốt nghiệp THPT với mức hỗ trợ 500.000 đồng tiền Việt Nam một tháng. Khi tận mắt chứng kiến con gái được BĐBP Việt Nam tặng sách vở, quần áo, cặp sách, tiền..., ông Hồ Thề đã không ngăn được những giọt nước mắt xúc động.  

Năm 2019, Nghin học lên cấp 2. Đường đến lớp xa lắm, cách nhà gần 10km, trường lại không tổ chức học bán trú nên việc học của Nghin thêm một lần nữa đứng trước nguy cơ dang dở. Biết được điều này, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay đã trích quỹ của đơn vị mua tặng em chiếc xe đạp mới để em đến trường. Tuy nhiên, đường em đi học chỉ là con đường làm tạm, qua nhiều dốc núi, mùa mưa đất bùn bám chặt vào bánh xe làm cho chiếc xe nhanh bị hỏng, mặc dù hôm nào đi học về em cũng rửa xe sạch sẽ. Năm 2021, chiếc xe đạp không thể sử dụng được nữa, cũng là năm mà em lên học cấp 3 tại trung tâm huyện Sa Mouay nên đường đi học lại càng xa hơn. Và thêm một lần nữa các chú BĐBP Việt Nam mua tặng em chiếc xe đạp hiệu Asama mới tinh để em vững thêm niềm tin trên hành trình nuôi khát vọng viết nên ước mơ bằng con chữ.

Có xe đến trường, đều đặn mỗi tháng em nhận được hỗ trợ 500.000 đồng và vài tháng gia đình em lại nhận được hỗ trợ gạo, mì ăn liền, muối; đầu năm học, Nghin được các chú bộ đội Việt Nam tặng áo, quần, sách vở, đồ dùng... Những món quà đó đã động viên, khích lệ để em thêm quyết tâm học con chữ thoát nghèo. Kết thúc bài viết tham gia dự thi của mình, Nghin đã viết: “Bố nuôi của em là Bộ đội Cụ Hồ”.

Tôi gặp Nghin khi em được Đại úy Ngô Minh Trường, cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay đưa ra Hà Nội để nhận giải thưởng. Nghin xúc động bày tỏ: “Cháu rất vui khi biết tin mình được ra Thủ đô Hà Nội để nhận giải. Học xong THPT, cháu sẽ xin sang Việt Nam để tiếp tục học lên nữa. Cháu muốn học để sau này trở thành bác sĩ hoặc cán bộ phiên dịch tiếng Việt”.

Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” có 6.215 bài tham gia dự thi, bài thi của Hồ Thị Nghin đã giành được giải Ba và giành giải “Người trẻ tuổi nhất tham gia dự thi”. Sau khi nhận giải thưởng, Hồ Thị Nghin đã trở về tiếp tục chương trình học tập của mình. Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục dõi theo quá trình trưởng thành của em để kịp thời giúp em tháo gỡ khó khăn, hướng đến một tương lai tươi sáng” .

Bài và ảnh: NGUYỄN THÀNH PHÚ