Nhờ đó, BĐXN sớm có việc làm và góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cũng như bộ mặt nông thôn ở địa phương.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Hồng, Chính trị viên Ban CHQS huyện Đầm Hà, từ nhiều năm nay, đơn vị vẫn duy trì và kết nối thường xuyên với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cùng các ban, ngành, đoàn thể khác cũng như Công ty TNHH Việt-Úc Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Trường Cao đẳng Việt-Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam, các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh)... trong công tác tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho BĐXN.

Theo đó, ngay khi có kế hoạch đón tiếp quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, Ban CHQS huyện liên hệ và gửi giấy mời đến các đơn vị nêu trên làm công tác chuẩn bị tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. “Phần lớn anh em làm việc ở Khu công nghiệp Texhong Hải Hà. Ngoài ra, một số đơn vị như Trường Cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này và phối hợp với đồng chí trợ lý quân lực của đơn vị để đến nhà từng BĐXN tư vấn sau buổi đón tiếp. Đồng chí trợ lý quân lực cũng theo dõi trang thông tin của các đơn vị trên để khi họ có nhu cầu tuyển dụng việc làm sẽ trao đổi để Ban CHQS các xã, thị trấn thông báo cho BĐXN”, Trung tá Nguyễn Văn Hồng cho biết.

Anh Nguyễn Văn Đức (bên trái) cùng đồng nghiệp giới thiệu về quy trình sản xuất tôm giống của Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh. 

Anh Nguyễn Văn Đức ở xã Đại Bình, huyện Đầm Hà (từng nhập ngũ tại Lữ đoàn 147, Vùng 1 Hải quân) đã làm công tác kỹ thuật ở trại sản xuất tôm giống của Công ty TNHH Việt-Úc Quảng Ninh được hơn 5 năm. Mức lương trung bình của anh từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/tháng, thời điểm cao điểm lên tới gần 60 triệu đồng/tháng. Theo chia sẻ của anh Đức, môi trường làm việc tại công ty rất thuận lợi, nhất là với BĐXN vì có nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao... Ngoài ra, quan trọng hơn là quá trình làm việc, anh luôn được chỉ bảo, đào tạo nâng cao kỹ thuật về quy trình nuôi và sản xuất tôm giống.

Còn ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt-Úc Quảng Ninh chia sẻ: “Công ty chúng tôi hiện có hơn 10 người là bộ đội và công an xuất ngũ. Một số là công nhân, có người là trưởng phòng cơ điện, có người phụ trách công tác kỹ thuật. Ngoài tính kỷ luật cao, chịu khó, những người làm việc trong công ty từng là BĐXN còn luôn có tinh thần cầu tiến và tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Công ty chúng tôi cũng có chi bộ để người lao động sinh hoạt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Ban CHQS huyện Đầm Hà trong tuyển dụng công nhân là BĐXN”.

Trong khi đó, anh Chìu Tắc Sồi, người dân tộc Dao, ở thôn Tây, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà (từng nhập ngũ ở Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân) đã làm việc tại Công ty Than Khe Chàm-TKV được gần 4 năm, với mức lương trung bình từ 15 triệu đồng đến 16 triệu đồng/tháng. Để trở thành công nhân chính thức của Công ty Than Khe Chàm-TKV, anh trải qua 4 tháng đào tạo và được hỗ trợ tiền ăn, ở. Đến nay, anh đã có điều kiện xây nhà mới. “Mỏ cách nhà tôi 70km, có xe ca đưa đón hằng ngày, điểm đón chỉ cách nhà tôi vài ki-lô-mét. Làm việc tại đây cũng có nhiều người là BĐXN. Chúng tôi được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động”, anh Chìu Tắc Sồi nói.

Theo đồng chí Hoàng Đức Hòa, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Dực Yên, 70% thanh niên hoàn thành nghĩa vụ về địa phương có việc làm và có thu nhập khá, chủ yếu làm việc tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, còn lại là lao động tự do. Nhờ sớm ổn định việc làm và thu nhập giúp anh em ổn định đời sống, một số trường hợp chỉ khoảng 2-3 năm là xây được nhà khang trang, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH - ĐỨC TUẤN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính sách xem các tin, bài liên quan.