Mâm cơm đơn giản chỉ là canh chua, rau muống, cá rô kho tiêu, vậy mà bỗng gợi lên trong tôi nỗi nhớ quê da diết. Chợt đâu đó hiện lên câu nói: "Dịch Covid-19 lấy đi nhiều thứ nhưng cũng cho con người ta nhiều thứ". Như em gái tôi chẳng hạn, nó vốn hay bị mắng vì chẳng nấu nổi bữa cơm. Ấy vậy mà những ngày dịch bệnh, nó đã "lớn" hơn rất nhiều.

Không chỉ em gái tôi, mà với chính tôi ở một giác độ nào đó, dịch Covid-19 cũng giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về giá trị cuộc sống. Đó chẳng phải là những giá trị lớn lao mà đôi khi lại từ những điều rất đơn sơ, bé nhỏ. Ví như chỉ là giây phút quây quần bên mâm cơm nơi quê nhà. Từ ngày dịch bệnh, lời hứa về với mẹ để được ăn bữa cơm mẹ nấu, tôi vẫn chưa thực hiện được.

Hình ảnh mâm cơm quê nhà dù đơn giản nhưng gợi nhớ quê da diết. Ảnh tác giả cung cấp

Trong hoài niệm của tôi, “cơm mẹ nấu” là tình mẫu tử hòa quyện về mong ước hạnh phúc gia đình mãi ấm êm, được chắt chiu trong từng hạt gạo, món ăn và cả muỗng canh đậm đà yêu thương. Nó chính là "vòng tay" ấm áp thay cho ngàn lời dịu ngọt, yêu thương. Nó là thứ keo gắn kết giữa con cái với ông bà, ba mẹ, anh chị em trong gia đình... 

Xa nhà nhiều năm, tôi không thể lý giải vì sao xa quê, điều tôi nhớ nhất vẫn là cơm mẹ nấu. Và đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm cho khoảng cách không gian, thời gian của mỗi người với “bữa cơm mẹ nấu” trở nên xa xôi, khó khăn hơn.

Xa cách đã không còn là câu chuyện của riêng một gia đình, một cá nhân ai! Bữa cơm mẹ nấu tưởng chừng thân thuộc giờ lại trở thành một ước mơ xa xỉ của nhiều người, nhất là với những người xa quê như tôi. Để rồi những ngày dịch bệnh căng thẳng, hằng ngày, tôi và đồng đội phải dồn lực cho công tác phòng, chống dịch, bữa cơm ăn vội với vài món đơn sơ, có lúc là gói mì ăn liền để còn tranh thủ thời giờ ngả lưng. Những lúc như thế lại thèm được về bên mẹ, nghe mẹ nói: “Muốn ăn gì để mẹ nấu”.

Tôi cũng chợt nhận ra rằng, có lẽ cái thứ thôi miên con người ta trong suốt những năm tháng sau này không phải là cái ngon cảm nhận bằng vị giác của bữa cơm mà chính là tình yêu thương vô bờ bến của ba, của mẹ. Để rồi, phút chốc nào đó, khi nghe giọng nói ấm áp ở đầu dây bên kia điện thoại: “Tết này có về ăn Tết với ba mẹ không con? Con ráng giữ gìn sức khỏe, hết dịch về mẹ sẽ nấu nhiều món ngon cho mà ăn...!” lại khiến tôi bồi hồi, rớm nước mắt.

Các bài viết cộng tác với Chuyên mục "Covid-19 - Nhật ký đối mặt" xin gửi về địa chỉ email: kinhte@qdnd.vn và dientu@qdnd.vn.

Đại úy VÕ THÀNH NHÂN, Trợ lý công tác quần chúng, Sư đoàn 330, Quân khu 9