Chúng tôi-những người làm báo-cũng tình nguyện xông pha trên mặt trận ấy để ghi lại những tư liệu chân thực, đồng thời góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch.
Khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện điều trị F0... là những nơi chúng tôi thường xuyên tác nghiệp, đồng nghĩa với việc bản thân luôn đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh. Nhưng đó không phải là điều khiến tôi và các đồng nghiệp lo lắng nhiều; tuân thủ "5K", sau khi tác nghiệp trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, chúng tôi đều tự cách ly, theo dõi, kiểm tra sức khỏe theo quy định. Ê kíp chúng tôi có 5 người, một anh mới cưới vợ, một người phải hoãn ngày cưới vì dịch bệnh. Làm nhiệm vụ, chúng tôi để tất cả những khó khăn, vất vả của cuộc sống gia đình lên đôi vai người ở hậu phương. Tôi có một đứa con trai nay đã hơn 1 tuổi.
 |
Ảnh minh họa / Tuyengiao.vn |
Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát với những lần về nhà ít ỏi, phần lớn chỉ đứng từ xa nhìn, cháu đã không còn nhận ra tôi, có lúc còn sợ và khóc thét vì thấy người lạ bịt kín mặt, cứ ngoắc tay về phía mình. Tuy có hơi buồn, nhưng dịch bệnh là thế, tôi may mắn hơn rất nhiều người vì ít ra thi thoảng cũng được nhìn thấy vợ và con.
Một mẹ, một con ở nhà sẽ vất vả như thế nào khi thiếu vắng sự chăm sóc của người đàn ông, từ sinh hoạt hằng ngày đến lúc đau ốm. Tôi nhớ có lần đi tác nghiệp, hơn 20 giờ mới thực hiện xong phóng sự. Móc vội điện thoại gọi Zalo cho vợ thì thấy hai mẹ con đang đi bộ từ đầu hẻm vào nhà.
Gạn hỏi mới biết đầu giờ chiều con bị sốt cao, phải đưa vào bệnh viện. Quãng đường từ nhà đến bệnh viện xa, tôi cảm thấy mình có lỗi vì đã không làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha. Mặc dù đã xác định từ trước, nhưng mắt tôi không khỏi ngấn lệ. Tuy khó khăn nhưng anh, chị, em trong ê kíp luôn động viên nhau, bởi trên mặt trận chống dịch, nhiều cán bộ, chiến sĩ còn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, hằng tháng, cả năm, thậm chí người thân trong gia đình mất họ cũng không thể về nhà chịu tang. Chưa kể có người công việc còn vất vả, hiểm nguy hơn chúng tôi gấp trăm lần.
Vậy mà những người chúng tôi gặp chưa ai than phiền hoặc có biểu hiện chùn bước. Đó là lý do để tôi và đồng nghiệp viết nên những câu chuyện chân thực, cảm động của nhiều tập thể, cá nhân trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19...
Một tối, sau khi công việc đã hoàn tất, tôi gọi điện thoại về cho hai mẹ con như thường lệ. Vẳng vào trong điện thoại là tiếng gọi bà, gọi mẹ của cậu con trai làm tôi mừng rỡ. Qua màn hình Zalo, vợ tôi đưa điện thoại cho con, bảo con gọi ba, nhưng con không chịu, cứ nhìn tôi một cách lạ lẫm rồi chỉ lên tấm ảnh cưới của hai vợ chồng, gọi “pa, pa” và đẩy điện thoại ra xa.
Tôi mỉm cười và thầm nhủ con đã phát triển qua một giai đoạn mới, đó là hạnh phúc lớn của những người làm cha, làm mẹ. Hết thời gian cách ly, nếu chưa có nhiệm vụ mới, tôi sẽ về nhà để được nghe con gọi tiếng "Ba!", điều mà tôi mong chờ nhất trong lúc này.
NGUYỄN VŨ ĐỨC NGUYÊN (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long)