Trước đó, tôi đã tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19 với công việc hỗ trợ trực chốt kiểm soát dịch trên đường, hỗ trợ các F1, F2 cách ly tại nhà. Tại địa điểm mới, lần đầu tiên nhìn thấy nhiều người mắc Covid-19 (F0) nên lúc đầu, tôi cũng có chút lo lắng. Tuy vậy, được những đồng đội động viên, hỗ trợ tích cực và truyền đạt những kinh nghiệm thực tiễn, tôi đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc.

Ca làm việc của chúng tôi tại khu cách ly này là 12 giờ đồng hồ (từ 7 giờ đến 19 giờ hằng ngày). Công việc thường ngày của tôi là vận chuyển các bình oxy lên xuống xe tải, nhận hàng hóa của người nhà gửi vào cho F0, nhận và phát cơm, nước cho F0, cũng như thay bình oxy cho bệnh nhân. Thậm chí, những F0 sức khỏe yếu, khó khăn trong việc di chuyển, tôi và mọi người còn tận tình hỗ trợ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân.

 Sinh viên tình nguyện Phạm Ngọc Hoàng.

Công việc nhiều, dẫu có lúc áp lực và mệt mỏi nhưng tôi và các tình nguyện viên tại đây luôn giữ cho bản thân nhiệt huyết cao nhất và “cái đầu lạnh”. Đó là phải ứng xử nhẹ nhàng, hài hòa với bệnh nhân, luôn động viên và tận tình hỗ trợ những vấn đề bệnh nhân cần.

Tôi còn nhớ một trường hợp nam bệnh nhân lớn tuổi khi đưa vào khu cách ly điều trị này đã phải thở oxy ở mức cao nhất, tình hình chuyển biến bệnh khá nặng. Người bệnh này đã xuất hiện tâm lý buông xuôi, bỏ ăn uống và có lúc tự ngắt oxy. Tôi và các tình nguyện viên thay nhau vừa giám sát vừa chăm sóc, động viên liên tục. Nam bệnh nhân dần lấy lại tinh thần, chịu ăn uống, cai thở oxy, tập thở thường và phục hồi kỳ diệu. Ngày bệnh nhân này được xuất viện, chúng tôi rất vui mừng và nhận lời sẽ đến thăm gia đình khi dịch bệnh được kiểm soát. Khi ấy, tôi thấy công việc tình nguyện của bản thân càng thêm ý nghĩa và hiểu rằng, sự đùm bọc, yêu thương, quan tâm, chăm sóc sẽ là “liều thuốc tinh thần” góp phần giành lại sự sống cho người mắc Covid-19.

Môi trường làm việc phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao nên ưu tiên hàng đầu của 9 thành viên trong đội tình nguyện chúng tôi là phải luôn bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, đã có thời điểm, 5 thành viên của đội không may nhiễm Covid-19. Tôi và ba người còn lại cũng được cách ly theo dõi sức khỏe. Sau khi hết thời gian cách ly theo quy định, tôi tiếp tục quay lại với công việc và kết nối với nhóm 5 người tình nguyện viên đang điều trị để hỗ trợ lẫn nhau. Người đang cách ly điều trị sẽ tiếp tục hỗ trợ y, bác sĩ trong phòng cấp cứu và người khỏe bên ngoài sẽ đảm nhận tất cả các phần việc còn lại. Với phương án trong, ngoài cùng kết hợp làm việc, đội của chúng tôi đã hoàn thành khá tốt các công việc hỗ trợ cho đội ngũ y tế và F0 ở khu cách ly điều trị này.

Tình nguyện viên Phạm Ngọc Hoàng hỗ trợ chăm sóc cho F0 nhỏ tuổi tại khu cách ly điều trị.

Điều tôi cảm nhận ấm áp nhất chính là ở nơi nguy hiểm dịch bệnh, giữa ranh giới sự sống và cái chết, tình người luôn dạt dào. Một sự quan tâm, cử chỉ dù nhỏ nhất cũng có tác động khích lệ tinh thần rất lớn. Những F0 tại đây đều rất thương lực lượng tình nguyện như chúng tôi. Chính họ cũng bày tỏ sự cảm thông, động viên lại chúng tôi phải luôn giữ gìn sức khỏe để hỗ trợ được nhiều bệnh nhân hơn nữa. Có những F0 là trẻ nhỏ rất đáng thương nên chúng tôi quan tâm, mua thêm sữa, bỉm và hỗ trợ như người thân của mình. Với những F0 ở phòng cấp cứu, phải thở oxy, chúng tôi dành thời gian để nấu cháo và đút cho bệnh nhân.

Những ngày bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện, nhìn họ vui, chúng tôi cũng vui theo và cảm thấy nhẹ lòng. Hành trình tình nguyện tham gia phòng, chống dịch của tôi và đồng đội vẫn đang tiếp tục tới ngày hôm nay với mong muốn góp phần để thành phố sớm trở lại cuộc sống bình yên. Nghĩ đến mục đích ban đầu khi tình nguyện đi chống dịch, tôi và mọi người luôn làm việc hăng say với tất cả năng suất, quỹ thời gian hiện có.

PHẠM NGỌC HOÀNG (Sinh viên năm thứ hai ngành Quản lý đất đai, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh)