Ngày 12-8-2021 đoàn công tác gồm 50 cán bộ y tế của bệnh viện chúng tôi xuất quân vào chi viện cho miền Nam ruột thịt, thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Bệnh viện Trung ương Huế (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh).

Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Trung ương Huế nằm trong khuôn viên Bệnh viện Dã chiến số 14 (địa chỉ số 02, đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) là tuyến cuối trong bậc thang điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân nặng và nguy kịch được chuyển lên từ các cơ sở y tế thuộc quận 12, quận Tân Phú, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và từ các bệnh viện dã chiến chuyển đến.

 Bác sĩ Nguyễn Kỳ Nhân tận tình động viên, chăm sóc bệnh nhân.

Trung tâm có quy mô 600 giường bệnh, được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, như: Máy thở chức năng cao, máy monitor, máy sốc tim, bồn oxy dung tích 20m2, hệ thống oxy tới tận giường bệnh.

Tại đây, có hơn 400 y bác sĩ chủ yếu là nhân lực của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định). Trung tâm đang điều trị tích cực cho hơn 330 bệnh nhân Covid-19 thể nặng và nguy kịch. 

Khi vào nhận nhiệm vụ, thực tế khác xa với những gì chúng tôi hình dung. Đặc biệt người bệnh ở đây có những điểm cũng khác xa với những bệnh nhân mà chúng tôi hằng ngày điều trị ở bệnh viện mình. Bệnh nhân của trung tâm đủ thành phần và lứa tuổi, có thanh niên mới 19, đôi mươi, hay những thai phụ vừa mới sinh con, cho đến người cao tuổi có sẵn bệnh nền…

Họ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và được bác sĩ ở các cơ sở y tế tuyến dưới đánh giá đang ở giai đoạn nặng, nguy kịch buộc phải chuyển đến đây. Điều đó cũng có nghĩa là bệnh của họ có thể diễn biến nhanh, đột biến. Sinh tử đôi khi chỉ trong tích tắc… Để chiến đấu với tử thần, giành giật sự sống cho các bệnh nhân là mệnh lệnh từ trái tim của cán bộ y, bác sĩ.

Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Bệnh viện Trung ương Huế chia làm 4 phân khu: Bệnh nhân nặng nguy kịch, bệnh nhân nặng, thoát hồi sức và chuẩn bị ra viện. Đoàn của Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới chúng tôi được phân công điều trị tại hầu hết các phân khu.

Đây là tuyến cuối nên đòi hỏi tác phong cũng như chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ phải luôn khẩn trương và chuẩn xác để cứu bệnh nhân.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới quyết liệt giành sự sống cho một bệnh nhân nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Bệnh viện Trung ương Huế (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh). 

Với chúng tôi, một trong những bài học đầu tiên của nhân viên y tế khi làm việc tại đây là mặc và cởi đồ bảo hộ. Việc cởi bảo hộ sau ca trực được huấn luyện rất kỹ lưỡng vì đây là khâu quan trọng để tránh lây nhiễm.

Tiếp theo là tiếp cận với các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại… đòi hỏi các nhân viên y tế phải sử dụng thành thạo mới giành giật được sự sống cho bệnh nhân trước hàng triệu triệu con virus SARS-CoV-2 luôn rình rập để quật ngã bệnh nhân bị tổn thương phổi nặng. 

Hằng ngày, các y bác sĩ phải thực hiện mỗi ca trực 12 tiếng (từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối hoặc từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng).

Một ca trực có từ 8-10 người làm nhiệm vụ điều trị, chăm sóc cho gần 200 bệnh nhân. Mỗi ca chia thành 2 kíp trực vòng ngoài và vòng trong, liên lạc qua bộ đàm.

Một bác sĩ sau khi mặc bảo hộ cấp 4 dày kín như “nhà du hành vũ trụ” bước vào phòng cách ly trực tiếp với bệnh nhân F0 từ 4 đến 6 tiếng làm việc không ngơi nghỉ. Bởi ở đây, tình trạng bệnh nhân có thể diễn biến xấu đi rất nhanh và khó lường.

Vì vậy, dù sáng sớm hay đêm khuya, những người trong kíp trực không ai được phép rời mắt khỏi người bệnh, luôn theo dõi, giám sát, kiểm tra, thăm khám để biết chính xác tình trạng của từng bệnh nhân… Không chỉ bằng chuyên môn mà người thầy thuốc còn phải thường xuyên huy động hết các giác quan để nhận biết tình hình người bệnh. 

Mỗi khi có tín hiệu báo động, chúng tôi phải xác định được ngay phương hướng và lập tức di chuyển nhanh nhất đến giường bệnh đó, phải chạy đua với thời gian mới cứu sống được người bệnh. Khi xử lý khẩn cấp các ca bệnh này thì hơi nước làm mờ kính chắn bảo hộ rất khó nhìn và mồ hôi cũng ướt sũng quần áo suốt ca trực… nhưng mọi người vẫn làm việc hết mình và không một lời than phiền.

Với những ca bệnh nặng, các y bác sĩ phải chạy đua với thời gian. 

Nơi này, bệnh nhân vào viện chỉ một mình, nên tất cả mọi việc đều tự tay các nhân viên y tế thực hiện. Các y, bác sĩ tại đây làm việc với 200% công suất mỗi ngày, từ việc nỗ lực “căn” từng giây để giành giật sự sống cho bệnh nhân đến việc chăm sóc ăn uống, vệ sinh cá nhân, đánh răng, tắm rửa, gội đầu và phục hồi chức năng.

Không một ai nề hà, họ làm công việc bằng chính trái tim mình!

Nếu phải trả lời bạn về ấn tượng đáng nhớ nhất, có lẽ với những thầy thuốc trong tâm dịch thì ca trực nào cũng ấn tượng và đáng nhớ cả...

Từ khi trung tâm đi vào hoạt động, ngày nào chúng tôi cũng đón thêm bệnh nhân nặng, nguy kịch từ tuyến dưới chuyển lên.

Đau lòng hơn là phải chứng kiến những bệnh nhân xấu số, trong đó có cả những bà mẹ mới chỉ 21-22 tuổi vừa mới sinh con đã phải rời xa cuộc sống này. Những lần như vậy tim ai cũng nhói đau vì bất lực và cảm giác mình đã không hoàn thành nhiệm vụ và mắc nợ với nhân dân... 

Chắc bạn đã xem phim “Ranh giới” của VTV, đó mới chỉ là một lát cắt nhỏ trong cuộc chiến ở tâm dịch này. Đặc biệt, ở những bệnh viện tuyến cuối, cuộc đấu tranh giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19 trên thực tế còn khốc liệt hơn nhiều…

Vì vậy, nơi đây chỉ có tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự cảm thông, sẻ chia và thấu hiểu mới xoa dịu được nỗi đau của người bệnh, giúp họ vững tin chống chọi lại căn bệnh quái ác này.

Hơn 400 cán bộ y tế đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau nhưng mọi người luôn đồng lòng, chung sức vì người bệnh!

Hơn hai tháng tại tâm dịch với cường độ làm việc căng thẳng, vất vả khó khăn là vậy nhưng đội ngũ cán bộ y tế vẫn luôn vững vàng, mạnh khỏe. Hôm trước có vài bác sĩ bị sốt, trong đó đoàn Quảng Bình có đến 3 bác sĩ… khiến ai cũng lo lắng.

Nhưng may mắn, kết quả xét nghiệm RT-PCR đều âm tính. Sáng mai ra, họ lại vui vẻ vào ca trực.

Dù có phải hy sinh cả tính mạng, nhưng chúng tôi không nản chí. Quyết tâm bám trụ cùng các đồng nghiệp giúp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chiến thắng đại dịch Covid-19, chúng tôi mới yên lòng trở về quê nhà!

Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa 2 NGUYỄN KỲ NHÂNBệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới