Aichi, một ngày giá rét!

Cũng như thường lệ, cứ vào dịp cuối tuần, được nghỉ làm là hai vợ chồng tôi lại tranh thủ chút thời gian ít ỏi bên nhau (bởi tôi làm ca ngày, còn anh ấy làm ca đêm, có ngày nhiều khi chúng tôi chỉ kịp chạm mặt, chào nhau một tiếng rồi đi luôn cho kịp giờ làm) đi tham quan những phong cảnh xứ sở hoa anh đào khu vực nội tỉnh nơi chúng tôi sinh sống.

Tôi là một đứa sức khỏe cũng bình thường, cộng thêm cái bệnh xoang nữa nên xe buýt với tôi từ bao đời vẫn luôn là điều khiếp sợ. Hôm nay cũng thế, đi được 2 trạm thôi là tôi phải xuống xe, chạy nhanh vào nhà vệ sinh công cộng ven đường nôn thốc, nôn tháo, hai chân dường như không còn đứng vững nữa, đầu óc quay cuồng, choáng váng.

Tôi nghĩ do hôm nay chưa ăn sáng, bụng cồn cào nên triệu chứng say xe chắc nặng hơn bình thường thôi... nhưng cũng bởi vậy mà chúng tôi không thể tiếp tục cuộc hành trình. Vậy là ngày nghỉ cuối tuần của vợ chồng tôi đành gác lại tại đó…

Ngày hôm sau, và cả ngày hôm sau nữa tôi vẫn đi làm bình thường, nhưng triệu chứng đau đầu ngày càng diễn ra nặng hơn, kèm theo đó là những hơi thở gấp gáp, có lúc tưởng chừng như đứt hơi vậy. Tôi vẫn nghĩ là do triệu chứng dai dẳng của tình trạng say xe chưa chấm dứt, nghĩ đến hai đứa con đang ở quê xa lại gắng gượng làm không xin nghỉ.

Nhưng cuộc đời đúng là “trêu ngươi”, tối hôm đó đi làm về tôi sốt, càng về khuya nhiệt độ càng cao, rồi bắt đầu lạnh, những cơn khó thở dồn dập, trở nên khó khăn hơn. Mặc dù đã uống mấy liều thuốc tây y nhưng tình hình có vẻ vẫn không ổn. Tôi gọi chồng về, linh cảm có điều gì đó không may, hai vợ chồng lập tức đến trung tâm y tế gần nhà để xin test nhanh Covid-19, và đúng cái điều không mong đợi ấy lại tìm đến với tôi. Tôi chính thức dương tính với SARS-CoV-2.

Vợ chồng chị Trịnh Thị Hoài Thanh cùng hai con gái nhỏ.

Bên này F0 nhiều lắm, xung quanh chúng tôi ngày nào cũng thấy thông báo có thêm nhiều F0 mới, nhiều rồi cũng thành quen, bệnh viện quá tải không nhận nên những F0 có triệu chứng nhẹ vẫn phải tự điều trị ở nhà. Vậy nên sau khi được bác sĩ tư vấn nhiệt tình, kê đơn thuốc, vợ chồng tôi buộc phải về nhà tự điều trị.

Cũng may là kết quả xét nghiệm của chồng tôi vẫn đang còn âm tính. Là người trụ cột chính trong gia đình, so với tôi, lúc này anh ấy vẫn còn bình tĩnh hơn. Anh động viên, trấn an tinh thần vợ, tự giác gọi lên công ty xin nghỉ làm tránh lây nhiễm chéo cho mọi người ở đấy và bắt đầu chiến dịch cùng tôi “đối mặt” với SARS-CoV-2.

Để tiêu diệt SARS-CoV-2, quan trọng nhất là chế độ ăn uống, dẫu rất mệt, dẫu không thể nuốt trôi nhưng bạn cũng phải cố gắng ăn, uống đầy đủ, nhất là bổ sung dưỡng chất và tăng cường Vitamin C, quan trọng hơn hết là xông hơi cho mồ hôi ra càng nhiều càng tốt vừa có tác dụng hạ sốt, vừa đẩy được “con vi rút” ra khỏi người.

Nói thì dễ lắm, nhưng có đối mặt với nó bạn mới hiểu hết được cảm giác mệt mỏi và khó chịu đến nhường nào. Mệt mỏi, khó thở dồn dập đôi lúc khiến tôi như nhụt chí và có phần bi quan. Có lúc nửa đêm, cảm tưởng như mình không còn sức để thở nữa, thậm chí hơi thở dường như đã rời xa mình. Những lúc như vậy tôi luôn có chồng ở bên động viên, rồi lại uống thuốc, lại xông…

Cứ lặp lại như thế đến ngày thứ 5 kể từ ngày nhiễm, các dấu hiệu bệnh dần dần vơi đi rồi biến mất hẳn ở ngày thứ 7. Cứ tưởng rằng vậy là may mắn đã mỉm cười với chúng tôi, vậy là ông trời thương chúng tôi - những người con xa xứ hiền lành, tốt bụng, vì cuộc sống mưu sinh mà phải có mặt nơi đất khách, quê người.

Nhưng cuộc sống không đơn giản luôn thuận lợi như những gì bạn nghĩ. Vì lo cho vợ, để chăm vợ qua giai đoạn khó khăn chống chọi với Covid-19, đã 7 ngày ròng rã, ngày nào chồng tôi cũng phải túc trực bên cạnh vợ đề phòng điều bất trắc xảy ra nên việc giữ khoảng cách để phòng, chống lây nhiễm Covid-19 là một điều không thể đối với anh ấy.

Và cuối cùng, khi tôi vừa thành công vượt qua được “cửa tử” thì chính anh ấy là nạn nhân tiếp theo của SARS-CoV-2. Nhiều đêm liền thức trắng không ngủ, kèm theo nỗi lo lắng không nói nên lời dành cho vợ, anh ấy trông “thảm hại” đến đáng thương.

SARS-CoV-2 “dày vò” mới chỉ 2 ngày thôi mà anh ấy gầy đi trông thấy rõ. Chắc có lẽ các bạn cũng giống như tôi, trước đây, tôi chỉ nghĩ “dính” Covid-19 đều khó thở, khó thở dẫn đến tử vong, cũng giống như cái cảm giác mà mấy ngày vừa qua tôi phải đối mặt, những tưởng như không qua nổi “cửa ải” cam go ấy.

Nhưng giờ, người thân bên cạnh duy nhất của tôi lúc này nhiễm bệnh với một triệu chứng hoàn toàn khác, anh ấy không khó thở nhưng anh ấy đau, đau toàn thân, nhất là phần cổ họng và mất hoàn toàn vị giác.

Đau đến mức mà chỉ chút sữa tôi bón thôi, anh ấy cũng không thể nuốt trôi. Nhìn anh ấy oằn người lại vì đau đớn mà trái tim tôi như muốn vỡ tan. Ngày nối tiếp ngày cứ ngày hôm sau cơn đau lại dữ dội hơn hôm trước.

Bước sang ngày thứ 4, anh ấy đã thật sự gầy hẳn đi vì không ăn uống được gì. Tôi thật sự lo lắng. Cơn đau buốt dường như sắp “quật ngã” được ý chí quật cường của anh ấy trong mấy ngày vừa qua. Nghe anh nói với giọng khó nhọc mà tôi không cầm được nước mắt, anh bảo: “Em để cho anh chết đi chứ anh đau không thể chịu nổi nữa rồi…”!

Chưa biết phải trả lời anh sao, chưa biết phải động viên anh thế nào để anh vững tin mà cố gắng thì điện thoại anh vang lên bản nhạc cùng hình nền quen thuộc, là cuộc gọi từ con gái lớn của chúng tôi. Cũng vì nhiễm bệnh, vì mệt nên hai tuần rồi chúng tôi không gọi điện về quê cho gia đình và các con, ngày mai là sinh nhật cô con gái thứ hai nên chắc hôm nay chị nó gọi điện để báo cho bố mẹ.

Nhìn hình ảnh con trên điện thoại chúng tôi chỉ lặng lẽ khóc. Khóc vì nhớ thương con, khóc vì nỗi đau đớn dày vò thân xác bởi Covid-19, khóc vì cuộc sống mưu sinh mà phải xa quê hương, xa gia đình, xa con cái.

Khi con hỏi về bố, tôi đành phải nói dối rằng bố đang đi làm, dặn dò con thêm mấy câu rồi vội vàng tắt máy vì không muốn để con nhìn thấy hình ảnh của bố mẹ nó lúc này. Trước lúc chào mẹ, con gái lớn không quên dặn mẹ bảo với bố là con nhớ bố lắm, Tết này bố mẹ nhất định phải về với chị em con.

Và cũng chính câu nói đấy như một “thần dược” vực dậy tinh thần cho chồng tôi. Lại một lần nữa, anh cố hết sức nén nổi đau vào trong nuốt từng thìa cháo loãng, từng thìa sữa nóng… Một thìa, rồi hai thìa…, ngày hôm trước chia nhỏ bữa ăn thành 4, 5 bận thì ngày hôm sau a đã ăn được 7, 8 bận… dù rằng mỗi bận chỉ là một vài thìa nước loãng thôi, nhưng đó là tín hiệu vui, là hy vọng để tiếp tục sự sống….

Cứ như vậy, ngày hôm sau sức khỏe của chồng tôi đã tiến triển hơn ngày hôm trước, và đến ngày thứ 8 thì cơn đau gần như đã không còn, không có lời nào có thể diễn tả hết niềm vui của chúng tôi lúc đấy. Vậy mới nói, lúc khó khăn, hoạn nạn, “hương vị tình thân” nó đáng quý biết bao, đặc biệt là những người xa xứ như chúng tôi, gia đình là động lực to lớn nhất để chúng tôi phấn đấu.

15 ngày đằng đẵng “đối mặt” với SARS-CoV-2 mà cảm giác sao nó dài như cả năm trời vậy. Được nghe, được thấy nhiều nhưng lần “trải nghiệm” với nó lần này quả thật ghê gớm.

Dẫu rằng chúng tôi đã rất cẩn thận, đã thực hiện tốt quy định 5K nhưng hệ lụy của Covid-19 rất khó lường, biến chủng mới liên tục với mức độ lây lan ngày càng cao kèm theo tính chất ngày một nguy hiểm. Ngày càng xuất hiện nhiều F0 không rõ nguồn lây, vì thế nên xung quanh chúng ta luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không lường trước được.

Cuộc “đối mặt” với SARS-CoV-2 lần này cũng là một bài học để chúng tôi cần phải cẩn thận hơn nữa. Qua câu chuyện của mình, tôi cũng muốn nhắc nhở các bạn, chúng ta không nên lơ là, chủ quan, vì sức khỏe của mình, của gia đình và những người xung quanh, hãy thực hiện tốt quy định 5K và giữ gìn thật cẩn thận để không có nhiều trường hợp đáng tiếc đau lòng xảy ra.

TRỊNH THỊ HOÀI THANH (tỉnh Aichi, Nhật Bản)