Đoàn Thanh niên phường Hạ Đình của chúng tôi cũng tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia trực chốt kiểm soát, vận chuyển nhu yếu phẩm tới người dân, thu gom rác thải tại khu phong tỏa, hướng dẫn người dân lấy mẫu xét nghiệm, đăng ký tiêm vaccine và tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch.

Dưới vai trò là Bí thư Đoàn Thanh niên phường Hạ Đình, bên cạnh việc phân công nhiệm vụ cho các đoàn viên tham gia chống dịch, hằng ngày, tôi trực tiếp tham gia trực tại các chốt kiểm soát trên địa bàn (từ 6 giờ đến 16 giờ) và thu gom rác thải tại khu phong tỏa (từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ). Buổi tối, tôi cùng các bạn đoàn viên vận chuyển nhu yếu phẩm, như: Gạo, mì tôm, trứng, sữa... đến cho người dân nghèo và sinh viên ở trọ trên địa bàn.

Trong đó, việc thu gom rác thải tại các khu phong tỏa tuy không mất nhiều thời gian nhưng có nguy cơ lây nhiễm cao nên tôi phải làm thật cẩn thận, bởi chỉ sơ suất nhỏ có thể khiến dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Ngoài trang bị đồ bảo hộ, tôi cũng được lực lượng y tế của phường, quận tập huấn các kỹ năng phòng dịch. Sau mỗi lần hoàn thành việc thu gom rác, tôi đều vệ sinh thật sạch, xịt khuẩn toàn thân rồi mới về nhà để bảo đảm an toàn cho mình và cả người thân trong gia đình.

Anh Trần Bình Minh thu gom rác tại khu phong tỏa trên địa bàn phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Có lần đến thu gom rác của một hộ gia đình, do tôi mặc đồ bảo hộ kín mít nên chị chủ nhà không nhận ra, tưởng là lao công liền hỏi tôi có muốn lấy vỏ chai không. Tôi mới đáp vui: “Chị cho em lon bia chưa uống thì em xin chứ lon uống rồi thì thôi ạ”. Nghe thấy giọng tôi, chị chủ nhà mới nhận ra: “Minh đấy à e, chị tưởng em đang trực chốt kiểm soát dịch ngoài kia, nay lại xung phong đi thu gom rác à?”. Tôi đáp: “Vâng, đoàn viên chúng em tham gia được công việc gì bọn em đều sẵn sàng đảm nhận, chị ạ!”. Lần khác, khi tôi đang thực hiện nhiệm vụ thì có một chị tiến đến tặng một chiếc mặt nạ phòng dịch, chị nói: “Nhìn em đi thu gom rác vất vả mà nguy hiểm, chị tặng em mặt nạ phòng dịch cho an toàn, chị đã xịt dung dịch khử khuẩn lên mặt nạ rồi, em yên tâm nhé!”.

Trên địa bàn phường, số sinh viên mắc kẹt ở các nhà trọ khá nhiều. Dựa vào danh sách sinh viên đăng ký nhận hỗ trợ mà Thành đoàn Hà Nội gửi về phường và danh sách do các bạn bí thư chi đoàn cơ sở thống kê, chúng tôi sẽ mang nhu yếu phẩm tới tận nhà trọ cho các bạn sinh viên. Cách đây mấy hôm, tôi và các bạn đoàn viên mang nhu yếu phẩm đến hỗ trợ cho sinh viên ở trọ tại ngõ 236 Khương Đình thì có trường hợp bạn Võ Thanh Hải, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) không nằm trong danh sách đăng ký nhận hỗ trợ. Nhưng khi vào thăm phòng trọ, thấy bạn không còn đồ ăn, tôi lập tức báo cáo với lãnh đạo phường về trường hợp của Hải và được sự đồng ý phát đồ hỗ trợ. Nhận được quà hỗ trợ, bạn Hải xúc động gửi lời cảm ơn tới chính quyền địa phương và hứa thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Thời gian thực hiện nhiệm vụ không ít người hỏi tôi khi tham gia phòng, chống dịch có sợ không? Rồi con cái ở nhà thì ai chăm sóc? Đương nhiên là chúng tôi sợ chứ. Phía sau, ai cũng có gia đình, cuộc sống và cả tương lai, nhưng chúng tôi phải vượt qua nỗi sợ của mình, bởi nếu ai cũng sợ, cũng ngại, cũng e dè thì lấy ai lên tuyến đầu chống dịch. Vợ tôi cũng là một đoàn viên của phường và thường xuyên đồng hành với tôi trong công tác phòng, chống dịch nên hai vợ chồng đều cảm thông và động viên nhau. Còn con gái nhỏ ở nhà thì hai vợ chồng nhờ ông bà nội chăm sóc. Nhiều hôm, vợ chồng tôi đi làm từ 6 giờ cho đến 23 giờ mới về nhà mà con tôi vẫn thức vì nhớ bố mẹ không ngủ được. Lúc ấy, tôi lại bế con vào lòng và động viên: “Con yên tâm, rồi đại dịch sẽ sớm được kiểm soát, bố mẹ sẽ dành nhiều thời gian hơn để ở bên con nhé, con yêu!”.

TRẦN BÌNH MINH, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội