Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điểm lại những chiến công oanh liệt của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn anh hùng, trong đó có Sư đoàn 470-đơn vị vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1976 và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 1990.
“Đảng, Nhà nước, Quốc hội đánh giá cao và luôn ghi nhớ công lao, xương máu của các thế hệ đã chiến đấu, hy sinh, làm nên những chiến công huyền thoại trên tuyến đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh lịch sử, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 470 anh hùng”, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ nói.
Nhấn mạnh rằng đoàn về thăm Thủ đô Hà Nội đúng dịp cả nước đang có nhiều hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2017), thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao Hội Truyền thống Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh-Sư đoàn 470 đã tổ chức chuyến đi rất có ý nghĩa. Đây là hoạt động cần thiết nhằm tiếp tục nêu cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện tình cảm, trách nhiệm với người có công.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng biểu dương và đánh giá cao những thành tích đáng khích lệ mà Hội đạt được trong thời gian qua. Hội đã tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa, góp phần xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ, tri ân đồng chí, đồng đội nâng cao đời sống, đóng góp vào thành tích chung trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Phó chủ tịch Quốc hội-Đại tướng Đỗ Bá Tỵ trao quà tặng các đại biểu. Ảnh: Thùy Lâm
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách đền ơn, đáp nghĩa, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công. Về cơ bản, chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng đã bảo đảm công bằng và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đời sống của người có công với cách mạng đã từng bước được cải thiện và ổn định. Tuy vậy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng còn có một số hạn chế, vướng mắc, một bộ phận người có công với cách mạng và gia đình còn gặp khó khăn trong cuộc sống.
Về phía Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tăng cường giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật đối với người có công với cách mạng, đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung rà soát, hoàn thiện các thủ tục, không để sót người có công không được hưởng chính sách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng vừa tổ chức chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội liên quan đến việc thực hiện chính sách với người có công. “Các cơ quan cũng đang nghiên cứu tham mưu với Quốc hội ban hành Luật Người có công để thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng”, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.
Nhân dịp này, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ bày tỏ mong muốn, các cựu chiến binh, thương binh, thân nhân liệt sĩ, cán bộ lão thành của Hội truyền thống Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh-Sư đoàn 470 tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước, mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
CHIẾN THẮNG