“Về nhận điểm, Thành ơi!”
“Nguyễn Chí Thành đâu? Bài này tốt nhất, duy nhất được điểm 5/5. Thành đâu?”.
Chúng tôi im lặng, không ai trả lời. Căn phòng làm việc gần chục mét vuông của thầy Nguyễn Văn Khỏa bé nhỏ vậy mà giờ trở nên rộng, trống trải đến kỳ lạ. Tôi không dám nhìn vào mắt thầy, chỉ thấy đôi vai thầy run lên, bàn tay nắm chặt bài thi của Thành. Sau lưng tôi, có tiếng ai nói như khóc: “Về nhận điểm, Thành ơi!”...
Những ngày cuối thu năm 1971, đêm đêm, mặt đường Hà Nội rầm rập tiếng chân người. Bộ đội hành quân, sinh viên, dân quân tự vệ cũng hành quân luyện tập. Bạn bè K15 Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có nhiều người viết đơn tình nguyện nhập ngũ, ký tên bằng máu. Trong đám ấy, tôi cùng Nguyễn Chí Thành và 20 sinh viên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Kết thúc bài thi cuối môn Văn học phương Tây, thầy Khỏa đã chấm xong nhưng chưa báo điểm cho chúng tôi. Cả lớp nhốn nháo thắc mắc, thầy đứng giữa bục giảng, khuôn mặt nghiêm nghị dặn dò: “Ra trận lúc này là bài thi lớn nhất mà Tổ quốc thử thách, muốn các em vượt qua. Lúc này, các em đã xứng đáng nhận điểm 5/5, cao nhất ở tất cả các môn học rồi. Cứ đi đi, chiến đấu rồi thắng trận trở về, thầy sẽ báo điểm”. Tôi quay sang nói với Thành: “Bài này mình chuẩn bị cẩn thận, không biết được mấy nhỉ? Thầy còn bí mật làm gì không biết”. Thành ghé tai tôi nói thầm: “Chưa trả bài là có lý do riêng của thầy. Chắc thầy Khỏa muốn giữ lại điểm ở hậu phương Hà Nội để thêm một sợi dây ràng buộc sự sống cho chúng ta khi vào chiến trường miền Nam. Ví như một thứ bùa hộ mệnh trước bàn tay của Thần Chết vậy”. Tôi tặc lưỡi, bông đùa: “Mình mà chết, sẽ thành con ma đói điểm, đêm đêm hiện về đòi nợ thầy…”.
Ngày lên đường, Hà Nội và vùng Bắc Bộ vừa trải qua một trận lụt lớn. Tôi và Nguyễn Chí Thành chuyển sách thư viện từ tầng một lên tầng bốn, đề phòng đê sông Hồng bị vỡ. Xong việc thư viện, chúng tôi tặng sách vở, quần áo cho những người ở lại rồi mới đến dự lễ xuất quân. Buổi lễ được tổ chức tại sân vận động Thượng Đình, nay đã trở thành vườn hoa của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Người thân, bạn cùng lớp đưa tiễn chật kín sân vốn có diện tích nhỏ hẹp. Tôi không có người thân ở gần để đưa tiễn nên ngồi sâu giữa lòng xe, nhường các bạn vị trí gần cửa để chào mọi người. Đoàn xe nối tiếp nhau đưa chúng tôi về các đơn vị nhận quân. Tôi được biên chế vào Trung đoàn 58, Sư đoàn 308 (sau này thuộc Quân đoàn 1). Còn bạn tôi, Nguyễn Chí Thành được biên chế vào Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 (sau này thuộc Quân đoàn 2).
Mỗi đứa một đơn vị, không có tin tức của nhau. Sau này, chiến tranh kết thúc, nghe bạn tôi cùng đơn vị với Thành kể lại, vào chiến trường, Thành là xạ thủ trung liên của đại đội. Đi đâu, cái tính gan dạ, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè cũng luôn thường trực trong con người Thành. Lần nào xuất kích, Thành cũng là người ôm khẩu trung liên đi đầu. Một đợt hành quân, đơn vị bị rơi vào ổ phục kích của địch, Thành đã chiến đấu anh dũng trước khi ngã xuống sau loạt đạn chát chúa của quân thù…
Buổi sáng trong căn phòng làm việc của thầy Khỏa ngày hôm đó, Thành là người có điểm số cao nhất và cũng là người duy nhất không thể trở về nhận điểm của thầy. Chiến tranh đã cướp đi sự sống, niềm mơ ước của bạn tôi cùng bao người. Nếu không có chiến tranh, có thể Thành đã trở thành một chuyên gia nghiên cứu văn học phương Tây, nối tiếp con đường mà thầy tôi để lại.
NGUYÊN ĐỨC (Ghi theo lời kể của PGS, TS Phạm Thành Hưng, Giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)