Bà Phạm Thị Mai cùng con cháu.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, địa bàn xã Hàm Liêm luôn sôi sục phong trào cách mạng. Tại đây, địch dùng nhiều phương thức thủ đoạn đàn áp dã man phong trào cách mạng. Căm thù giặc sâu sắc, nghe theo tiếng gọi của Đảng, năm 1961, mới 14 tuổi, Phạm Thị Mai đã tình nguyện tham gia làm liên lạc, vận chuyển vũ khí, tiếp tế lương thực cho cách mạng. Đến năm 17 tuổi, Phạm Thị Mai được giao nhiệm vụ Phó bí thư Đoàn xã Hàm Liêm. Tích cực tham gia chiến đấu, tháng 2-1965, cô vinh dự được kết nạp Đảng. Cuối tháng 3-1968, trong một trận chống địch càn quét vào địa bàn xã, Phạm Thị Mai anh dũng chiến đấu và bị thương nặng ở hai chân; bị địch bắt, tra tấn dã man. Không khai thác được gì, tưởng rằng người con gái bị cụt hai chân sẽ chẳng làm được gì cho cách mạng, nên cuối tháng 12-1970, địch thả tự do cho Phạm Thị Mai. Ra khỏi tù, nữ chiến sĩ lại bắt liên lạc ngay với cơ sở cách mạng. Dù đôi chân không còn, nhưng còn đôi tay và trí tuệ minh mẫn, Phạm Thị Mai tiếp tục tham gia kháng chiến cho đến ngày giải phóng.
Sau năm 1975, bà trở lại quê hương Hàm Liêm, nơi mình và đồng đội từng chiến đấu kiên cường. Trong cuộc mưu sinh, người lành lặn cũng còn gặp khó khăn, nhưng dù chỉ còn đôi tay, bà Mai vẫn chủ động vận động bà con tích cực rà phá bom, mìn, lấy đất sản xuất, vượt khó vươn lên. Năm 1988, bà được tín nhiệm bầu làm Phó bí thư Chi bộ thôn 3 (xã Hàm Liêm). Từ thực tiễn sản xuất, bà Mai đã đề xuất cấp ủy chi bộ xây dựng, nhân rộng hiệu quả mô hình trồng cây thanh long, mía… Với 12 sào thanh long, sắn, mía, hằng ngày, bà lao động miệt mài; thường xuyên tổ chức họp hội viên phụ nữ, nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc. Mô hình cây thanh long đã được nhân rộng trên địa bàn, trở thành cây làm giàu của địa phương. Cùng với sự giúp đỡ của địa phương và đồng đội, đến nay, bà đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, các con đều có việc làm ổn định.
Không chỉ vượt khó vươn lên trong cuộc sống, bà Mai còn là trung tâm đoàn kết ở thôn 3. Mỗi khi có mâu thuẫn trong thôn, xóm, bà Mai lại đến từng gia đình để trao đổi, chia sẻ, tuyên truyền... Bằng sự gương mẫu, trách nhiệm, uy tín của mình, bà đã hòa giải thành công nhiều mâu thuẫn tại địa phương, xây dựng thôn, xóm bình yên. Bà cũng tích cực tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ gia đình nông dân nghèo, đồng đội khó khăn. Gia đình bà Mai chưa giàu về vật chất, nhưng tinh thần, nghị lực vượt khó, sống đoàn kết yêu thương luôn tràn ngập, lan tỏa sâu rộng đến các xóm, ấp trên địa bàn. Năm 2000, bà được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và được các cấp chính quyền khen thưởng.
Bài và ảnh: DUY NAM