Ông Trần Thế Tôn sinh năm 1952 ở thành phố Nam Định, mảnh đất văn hiến, giàu truyền thống yêu nước. Đầu năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, chàng thanh niên bước vào ngưỡng cửa tuổi hai mươi Trần Thế Tôn đã nghe theo tiếng gọi cứu quốc, xung phong lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu.

Trong những năm tháng bom rơi đạn lửa đó, đơn vị của ông Trần Thế Tôn đã kề vai, sát cánh cùng bà con các tỉnh từ Quảng Nam tới Đà Nẵng, góp phần đánh bại nhiều cuộc tiến công của địch. Nhớ lại thời tuổi trẻ sục sôi, oanh liệt gắn liền với sự kiện lịch sử của dân tộc, ông Tôn bồi hồi xúc động nói: “Khi đó, đất nước gặp muôn vàn khó khăn. Là những người trực tiếp chiến đấu lại càng thấu hiểu sự hiểm nguy, tàn khốc của chiến tranh và cái giá phải trả để có được hòa bình. Đồng đội tôi đã chiến đấu quên mình, nhiều người bị thương nặng, có người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường”.

leftcenterrightdel
Bác Hồ thăm Trường Thương binh hỏng mắt đêm 30 Tết Bính Thân (1956). Ảnh tư liệu 
Tháng 3-1974, trong trận đánh trên mặt trận cánh Nam huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, ông Tôn bị thương được đồng đội và bà con địa phương đưa về trạm CK113, chiến trường Quảng Nam cứu chữa. Do vết thương quá nặng, cuối năm 1974, ông được chuyển ra Bắc điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau đó về Đoàn Điều dưỡng Thương binh nặng Quân khu Hữu Ngạn (Quân khu 3). Kết quả giám định ông là thương binh hạng 1/4, xót xa hơn đôi mắt của ông vĩnh viễn không thể nhìn thấy được ánh mặt trời.

Nỗi đau chiến tranh để lại rất lớn nhưng với tinh thần của một người chiến sĩ cách mạng cùng nghị lực phi thường, ông Tôn tự nhủ, những mất mát đó không là kết thúc mà tạo động lực để ông vươn lên. Tháng 11-1975, ông Trần Thế Tôn làm đơn xin được về điều dưỡng tại gia đình. Sau nhiều tháng ngày trăn trở cùng sự động viên của gia đình, đồng đội, ông Tôn viết đơn xin vào làm việc tại Hợp tác xã Cải Tiến, thành phố Nam Định, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Nam Định), ngành nghề chính là vận tải, sửa chữa xe ô tô, xe cơ giới. Tại đây, ông đã tham gia nghiên cứu, trực tiếp sản xuất các loại bu-lông, ê-cu phục vụ sửa chữa phương tiện vận tải của Hợp tác xã.

Sau 3 năm vừa sản xuất vừa kinh doanh, đến năm 1978, ông được giao nhiệm vụ làm Chi hội trưởng Chi hội Người mù thành phố Nam Định, sau đó là Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Hà Nam Ninh. Trên cương vị Chủ tịch Hội, ông đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Tân Quang của Chi hội Người mù thành phố Nam Định, đến năm 1982 phát triển thành Xí nghiệp Sản xuất cơ khí 202 Tân Quang. Xí nghiệp làm ăn có lãi, tạo việc làm cho hàng trăm lao động là người mù, người khuyết tật, con em thương, bệnh binh và người nghèo trong tỉnh Nam Định.

Do có nhiều kinh nghiệm và năng lực trong quản lý sản xuất, kinh doanh, năm 1989, ông về làm Giám đốc xưởng in chữ nổi của Hội Người mù Việt Nam và được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Hội Người mù Việt Nam, phụ trách công tác lao động sản xuất.

Sau gần 20 năm tham gia Hội Người mù Việt Nam, năm 1994, ông Trần Thế Tôn xin nghỉ công tác, về cư trú tại phố Doãn Kế Thiện, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tại đây, nhận thấy nhu cầu xây dựng, mở rộng, phát triển các khu đô thị phía Tây thành phố ngày một tăng, ông cùng vợ đứng ra thành lập Công ty cổ phần cơ khí và xây dựng Tân Quang chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, gia công trong lĩnh vực cơ khí. Hằng năm, công ty của ông bà đạt doanh thu đạt 50-60 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Trải qua nhiều thăng trầm, hiện kho báu lớn nhất của ông Tôn chính là gia đình, là người vợ đã nguyện theo ông vượt qua khoảng thời gian khó khăn nhất. Năm 1976, hai năm sau khi xuất ngũ, ông đã nên duyên vợ chồng với bà Nguyễn Thị Kim Thoa. Bà Thoa đã ở bên trong mọi dấu mốc quan trọng nhất của cuộc đời ông, để mỗi khi nhắc đến, ông Tôn đều không giấu nổi cảm xúc yêu thương và tự hào.

Đi sâu tìm hiểu miền ký ức rất rộng mà ông Tôn đã chôn sâu trong trái tim mới thấy, cả đời ông không ngừng lao động, nỗ lực vươn lên bằng chính đôi bàn tay của mình. Ông chính là tấm gương sáng để các thế hệ sau học tập, noi theo.

TTXVN