Khi tôi viết những dòng này, ông đã về với tiên tổ, nhưng trước khi ra đi, ông đã làm được một việc mà không phải ai cũng làm được. Đó là tìm kiếm và lưu giữ những di vật, ghi chép cẩn thận như một bộ “sưu tập mi-ni” về người con trai yêu quý của mình-liệt sĩ Lê Văn Ninh, người đã ngã xuống chiến trường Thành cổ Quảng Trị đúng vào ngày 2-9-1972. Ông là Lê Văn Lâm, sinh năm 1923, quê ở xã Nghi Long (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), nguyên là phóng viên, biên tập viên của Thông tấn xã Việt Nam.

Trước khi qua đời, ông đã đem một số di vật của liệt sĩ Lê Văn Ninh trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ông kể: Ngày 1-9-1971, Lê Văn Ninh đang là sinh viên Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì nhận giấy gọi lên đường nhập ngũ. Trước khi vào chiến trường, Ninh đã gửi cha giữ hộ những kỷ vật của thời học trò và nói sẽ nhận lại sau ngày chiến thắng với tâm niệm “đánh tan giặc Mỹ, lại về Bách khoa”.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ Lê Văn Ninh (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội trong phút nghỉ ngơi trước khi bước vào trận chiến đấu.  Ảnh tư liệu 

Trên đường vào chiến trường, Ninh đã gửi 11 bức thư về cho gia đình. Lá thư ngày 25-5-1972, anh viết trên đường hành quân: “Máy bay địch đánh phá suốt ngày. Con không hề nao núng. Sức khỏe của con vẫn tốt, vẫn dẻo dai. Tinh thần và nghị lực cao. Càng vất vả gian lao, tinh thần càng thêm vững...”. Ngày 15-7-1972, anh viết thư về: “Đơn vị con vào đến Quảng Trị, đã bắt đầu chiến đấu. Nhân dân thương bộ đội, giúp đỡ bộ đội nhiều”.

Không ngờ, đó lại là lá thư cuối cùng của anh Ninh. Hơn nửa năm sau, ông Lâm đau đớn khi nhận được thư từ đồng đội của con trai gửi: “Cháu là Lưu Quang Thái, cùng đơn vị với đồng chí Lê Văn Ninh-con bác, cùng nhập ngũ, cùng chiến đấu bên nhau. Từ tháng 9 đến nay, cháu nhận được nhiều thư của bác gửi cho đồng chí Ninh nhưng cháu không dám trả lời vì sợ làm đau lòng hai bác. Nhưng đến hôm nay, 27-3-1973, nhận được lá thư của bác gửi cho đồng chí Ninh ngày 18-2-1973, cháu gạt nước mắt báo tin cho bác: Đồng chí Lê Văn Ninh đã hy sinh vô cùng anh dũng ngày 2-9-1972. Cháu xin kể cho hai bác nghe giai đoạn từ khi chiến đấu cho đến ngày đồng chí Ninh hy sinh: Ngày 13-7-1972, đơn vị vượt sông Thạch Hãn vào chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Tiếp theo đó là những trận chiến đấu quyết liệt với quân thù. Ngày 14-7-1972, trận đánh lớn nhất của Đại đội 1 (đơn vị của Ninh). Ninh bị thương nhẹ và đi viện. Đến cuối tháng 8, Ninh trở về đơn vị. Lúc này, đơn vị đang rút khỏi thành, củng cố và tăng quân. Củng cố được một tuần, đơn vị lại lao vào những trận đánh quyết liệt. Ngày 2-9, địch chiếm được đầu cầu Sắt, Quảng Trị. Khẩu đại liên của chúng đặt trên đầu cầu bắn ác liệt theo phố về dinh tỉnh trưởng. Đại đội 1 được lệnh bằng giá nào cũng phải đánh chiếm được đầu cầu. Các chiến sĩ dũng cảm lao lên dưới làn hỏa lực của địch, đồng chí Ninh và nhiều đồng chí đã hy sinh vô cùng anh dũng… Trên sắc cờ kiêu hãnh của Tổ quốc hôm nay đang tung bay trên bầu trời xanh thẳm hòa bình, có máu của đồng chí Ninh. Tổ quốc và nhân dân đời đời nhớ ơn những người con đã ngã xuống cho mảnh đất thiêng liêng…”.

 Sự ra đi của con trai là một cú sốc quá lớn đối với ông Lâm. Nhưng qua lời kể của đồng đội về chiến công của Ninh, ông cảm thấy vô cùng hãnh diện, tự hào về con trai của mình.

Từ đó, ông Lâm tập hợp tất cả những di vật của con thành một bộ sưu tập đặt dưới di ảnh của Ninh. Mỗi di vật đều có ghi chú cụ thể như một bản “lý lịch hiện vật” rất cẩn thận. Những di vật này dẫu chỉ là những đồ vật bình thường nhưng ẩn chứa nhiều câu chuyện xúc động về đời sống xã hội thời chiến tranh, về chàng sinh viên Bách khoa xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, về tình người trong chiến tranh…

 Lần giở từng thứ, ông Lâm kể: Chiếc quần ka-ki màu xanh, tôi may cho Ninh khi vào học cấp III. Ngày đó rất nghèo, vô cùng khó khăn vì vải phải mua theo tem phiếu. Ninh mặc chiếc quần này từ năm 1967 đến 1971, khi còn là học sinh cho đến khi trở thành sinh viên và trước khi vào bộ đội. Chiếc quần đã bạc phếch, có đến 5 mụn vá. Còn đây là chiếc khăn bằng vải pô-pơ-lin màu trắng, thêu hai bông hoa hồng của cô gái tên Tuyên, sinh viên cùng lớp, quê Thanh Hóa, tặng Ninh ngày lên đường...

Ninh đã không bao giờ trở lại Bách khoa, ngôi trường mà Ninh hẹn đánh xong giặc Mỹ sẽ trở lại. Mảnh đất Quảng Trị mãi mãi ôm Ninh vào lòng. Trao những kỷ vật cho Giám đốc bảo tàng, ông Lâm hiểu rằng những di vật này sẽ được lưu giữ lại đời đời. Nó chính là cầu nối của quá khứ với hiện tại và tương lai…

TRẦN THANH HẰNG