Chiến tranh qua đi, việc tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ (HCLS) Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào và Cam-pu-chia là việc làm vô cùng cấp thiết, mang đậm tính nhân văn giữa ba dân tộc và cũng là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì sự trường tồn của ba nước.
Trên tinh thần đó, ngày 18-4-1984, nhận thấy tầm quan trọng của việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập HCLS Việt Nam hy sinh trên các chiến trường Lào về quê hương, Bộ Tổng tham mưu và Tư lệnh Quân khu 4 quyết định thành lập hai đoàn quy tập, làm nhiệm vụ tại các tỉnh: Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Bô Ly Khăm Xay và Khăm Muộn. Từ năm 1984 đến 2000, đoàn quy tập đã tìm kiếm và cất bốc được 7.000 HCLS. Tính đến năm 2007 đã tìm kiếm và đưa về Việt Nam hơn 12.000 HCLS. Mùa khô năm 2012-2013, các đội quy tập cất bốc được 413 HCLS. Mùa khô 2015-2016, hai bên đã tìm kiếm, cất bốc và hồi hương 233 bộ HCLS. Trong mùa khô 2016-2017, dưới sự hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Lào, các đội quy tập HCLS của Việt Nam đã tìm kiếm, quy tập được 270 HCLS, trong đó có 24 HCLS xác định được họ tên, quê quán. Đây là kết quả nổi bật và là biểu hiện sinh động của tình đoàn kết đặc biệt giữa hai đất nước, trong đó có sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước và quân đội Lào, đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền địa phương nơi có cán bộ, chiến sĩ Việt Nam hy sinh.
Lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào ở Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao, tỉnh Điện Biên, ngày 23-5-2017. Ảnh: TTXVN
Đối với việc tìm kiếm, cất bốc, hồi hương HCLS Việt Nam hy sinh tại Cam-pu-chia, bằng sự nỗ lực, cố gắng của hai bên, từ năm 1975 đến 1993 đã đưa 36.813 HCLS về quê hương. Tuy nhiên, do số Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh trên đất Cam-pu-chia còn rất lớn, ngày 28-8-2000, Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia về việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương HCLS Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Cam-pu-chia đã được ký kết. Theo hiệp định, Chính phủ Cam-pu-chia sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, hợp tác giúp đỡ Việt Nam trong tìm kiếm, cất bốc và di chuyển HCLS Quân tình nguyện hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh về nước; lễ tiễn và đón HCLS qua các cửa khẩu biên giới thỏa thuận theo phong tục, tập quán và hoàn cảnh thực tế của mỗi nước.
Sau thỏa thuận này, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 08/2000/CT-TTg về việc thành lập Ủy ban chuyên trách, gồm đại diện các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính, do Bộ Quốc phòng chủ trì để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập HCLS Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Cam-pu-chia; giao trách nhiệm cho UBND 9 tỉnh có đường biên giới chung với Cam-pu-chia thành lập Ban chuyên trách của tỉnh trực tiếp quan hệ với bạn và phối hợp với các ban, ngành, cơ quan tổ chức các đội công tác chuyên trách để thực thi nhiệm vụ. Kết quả trong 5 năm (2001-2005), các Quân khu: 5, 7, 9 đã chỉ đạo 11 đội chuyên trách sang Cam-pu-chia tìm kiếm, đào ở 32.243 vị trí, trong đó cất bốc, di chuyển về nước 9.233 HCLS, xác định được tên và quê quán 721 liệt sĩ. Tiếp đó, đội quy tập HCLS các tỉnh: Gia Lai, Bình Phước, Kon Tum, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang và các Quân khu: 5, 7, 9 cùng sự giúp đỡ to lớn của chính quyền và nhân dân các địa phương Cam-pu-chia, tính đến tháng 8-2006 đã đưa được 9.233 bộ HCLS Quân tình nguyện về nước. Tính chung giai đoạn 2000-2010 có hơn 13.000 HCLS được hồi hương về Việt Nam. Đến nay, công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương HCLS Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Cam-pu-chia tiếp tục được thực hiện và đạt được những kết quả tốt đẹp.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã sang thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào và Cam-pu-chia, trong số đó có nhiều người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của ba dân tộc. Thấu hiểu đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tinh thần quốc tế cao cả, hai nước Lào và Cam-pu-chia đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương HCLS Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam. Đây là biểu tượng sinh động của mối quan hệ thủy chung, trong sáng giữa ba dân tộc trong thời kỳ cách mạng mới và nó càng có ý nghĩa hơn khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta long trọng kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2017). Trách nhiệm của chúng ta là phải gìn giữ, phát huy mối quan hệ đặc biệt đó để xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ-những người đã hy sinh xương máu để ba dân tộc mãi trường tồn!
VŨ THÀNH TRUNG