“Địa chỉ đỏ” ngày 27-7 và nghĩa tình tri ân
Thượng tá Dương Ngọc Khánh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Đại Từ, Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên đưa chúng tôi về Khu Di tích lịch sử quốc gia 27-7 ở thị trấn Hùng Sơn (trước đây là xã Hùng Sơn), huyện Đại Từ. Vừa đi, anh Khánh vừa chia sẻ: “Ban CHQS huyện phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã cơ bản hoàn thành việc mở rộng khuôn viên, chỉnh trang nâng cấp Khu Di tích lịch sử quốc gia 27-7 phục vụ các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày TB-LS. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về Ngày TB-LS, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều sửa sang, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, các điểm di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn”.
Tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia 27-7 (ở xóm Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn), nhiều cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân và đoàn viên, thanh niên địa phương khẩn trương xây dựng, nâng cấp các công trình, để nơi ra đời “Ngày Thương binh toàn quốc” đầu tiên ngày một khang trang và linh thiêng.
Lãnh đạo Quân khu 1 và cán bộ địa phương dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hà Quảng, Cao Bằng.
Cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Đại Từ và người dân tham gia lao động chỉnh trang Khu Di tích lịch sử quốc gia 27-7.
Nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ giàu truyền thống cách mạng, đã góp phần quan trọng bảo vệ tuyệt đối an toàn cho ATK Trung ương, nỗ lực đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới. Trong các cuộc kháng chiến, nhiều con em của Đại Từ đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường… Ghi nhận và biết ơn các anh hùng liệt sĩ, nhiều năm qua, lãnh đạo, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ đã phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác chính sách, nhất là chính sách hậu phương quân đội, từng bước tháo gỡ khó khăn, tôn vinh xứng đáng những người có công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế… Chúng tôi đến Đại Từ đúng vào thời điểm Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với ngành Lao động-Thương binh-Xã hội phát động, vận động toàn dân tích cực tham gia xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Trên loa truyền thanh ở các thôn xóm liên tục cập nhật thông tin về các tập thể, cá nhân tham gia ủng hộ xây dựng quỹ.
Theo Quốc lộ 1A, chúng tôi về Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn. Đi đến đâu, đơn vị nào, chúng tôi cũng tận mắt thấy nhiều việc làm nghĩa tình, tri ân người có công của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên địa bàn Quân khu 1.
Ở trong ngôi nhà mới vừa được Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn xây tặng, ông Bùi Công Đích (ở xã Hồng Sơn, huyện Tràng Định), thương binh hạng 4/4 vẫn bùi ngùi xúc động. Nếu không có sự giúp đỡ của bộ đội, chẳng biết khi nào ông mới xây được ngôi nhà vững chãi. “Giờ thì yên tâm lắm rồi. Tôi không còn phải nơm nớp lo nhà sập khi mùa mưa đến, không còn phải đi ở nhờ, ở tạm nữa. Gia đình tôi biết ơn cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn rất nhiều!”-ông Đích xúc động nói.
Bà Phùng Thị Dự (ở phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) là vợ liệt sĩ. Khi chúng tôi đến, bà đang lau lại tấm bằng Tổ quốc ghi công, rồi trân trọng đặt lên bàn thờ. Từ ngày chồng hy sinh, bà Dự ở vậy nuôi con, nhưng con trai bà không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập chính của gia đình là từ tiền trợ cấp thân nhân liệt sĩ và đồng lương công chức của cô con dâu; chắt bóp lắm mới đủ trang trải cuộc sống, nói gì đến chuyện làm nhà… Bà Dự rất cảm kích khi được cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn xây tặng ngôi nhà tình nghĩa. Giờ đây, trong ngôi nhà ấm áp đầy tình thương yêu, bà thêm sống vui, sống khỏe bên con cháu.
Đại tá Nguyễn Minh Thao, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh luôn thể hiện rõ tình cảm và trách nhiệm đối với người có công với cách mạng, nhất là với thương binh, gia đình liệt sĩ. Chúng tôi tri ân bằng những việc làm thiết thực, cụ thể nhất. Riêng về xây dựng nhà tình nghĩa, ngoài số lượng mà Bộ Quốc phòng và quân khu giao, hằng năm đơn vị tự lực xây từ 1 đến 2 nhà từ nguồn quỹ vốn của đơn vị và sự đóng góp tri ân của cán bộ, chiến sĩ, góp phần chăm sóc, nâng cao đời sống người có công trên địa bàn...”.
Quân-dân cùng chăm lo "đền ơn đáp nghĩa"
Đoàn công tác đến Cao Bằng, đúng dịp Sư đoàn 346 (Quân khu 1) phối hợp với Bộ CHQS tỉnh và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng tổ chức dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ huyện Hà Quảng và cắt băng khánh thành tuyến đường vào nghĩa trang liệt sĩ.
Hôm đó, Trung tướng Đàm Đình Trại, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, người con của quê hương Cao Bằng cũng về dự. Thắp nén hương thơm tưởng nhớ các đồng đội, vị tướng già hướng mắt nhìn về phía ngọn núi cao vút vần vũ mây bay, đồng chí kể rằng, nơi đây, ngày 28-1-1941, nhân dân huyện Hà Quảng vinh dự, tự hào được đón Bác Hồ trở về sau 30 năm Người bôn ba tìm đường cứu nước. Từ đây, thôn Pắc Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng trở thành đại bản doanh của căn cứ địa Việt Bắc, là chiếc nôi của cách mạng Việt Nam. Trong suốt thời kỳ tiền khởi nghĩa đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng luôn phát huy truyền thống hào hùng của quê hương nơi đầu nguồn cách mạng, mảnh đất địa đầu biên cương Tổ quốc, đóng góp xứng đáng về sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều người con ưu tú của quê hương Hà Quảng đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Cũng tại mảnh đất Hà Quảng này đã ghi dấu ấn nhiều trận chiến đấu ác liệt của Sư đoàn 346 và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng, với biết bao tấm gương hy sinh anh dũng, trong đó có 228 liệt sĩ của sư đoàn, được cấp ủy, chính quyền, LLVT, nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng đưa vào an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ của huyện nhà. Việc khánh thành con đường vào nghĩa trang liệt sĩ như một sự tri ân, một nén tâm nhang tỏ lòng thành kính với hương hồn các anh hùng liệt sĩ.
Thượng tá Hứa Chiến Thắng, Chính ủy Trung đoàn 246, Sư đoàn 346 chia sẻ: “Sau hơn một tháng thi công, đường vào Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hà Quảng đã hoàn thành với tổng chiều dài hơn 600m, có bãi để xe rộng 350m2, được bê tông hóa; tổng số tiền đầu tư cho công trình hơn 450 triệu đồng. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã đóng góp hơn 600 ngày công. Việc khánh thành con đường vào nghĩa trang liệt sĩ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân, cán bộ, đoàn viên, thanh niên, các cháu thiếu niên nhi đồng đến dâng hương, dâng hoa mỗi dịp lễ, Tết và để hương hồn các anh hùng liệt sĩ thêm yên nghỉ”.
Đoàn công tác tiếp tục hành trình về thăm gia đình đồng chí Hoàng Văn Nhủng-liệt sĩ đầu tiên của Quân đội ta, rồi đến dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Trên chặng đường về các "địa chỉ đỏ", Thiếu tướng Dương Đình Thông, Phó chính ủy Quân khu 1 bày tỏ niềm tự hào: "Trong hai cuộc kháng chiến và những năm tháng chiến đấu bảo vệ biên cương, LLVT Quân khu 1 luôn là “tấm lá chắn” vững chắc phía đông bắc Tổ quốc. Phát huy truyền thống và tình đoàn kết quân dân gắn bó, nhiều năm qua, Quân khu 1 đã đưa hàng trăm đại đội, tổ công tác, hàng chục vạn lượt cán bộ, chiến sĩ đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở chính trị, giúp dân xóa đói giảm nghèo. LLVT quân khu đã thực hiện có hiệu quả Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tham gia xây dựng, củng cố các công trình dân sinh, như: Làm đường, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, tổ chức xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ các gia đình người có công với cách mạng; thăm hỏi, giúp đỡ kịp thời gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của bà con các dân tộc, nhất là gia đình người có công với cách mạng".
Nơi núi rừng Pác Bó, trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ, LLVT Quân khu 1 về dâng hương, báo công và luôn hứa với Bác, tiếp tục phát huy truyền thống của dân tộc, quân đội anh hùng, truyền thống quê hương cách mạng và sự cống hiến hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, xây dựng LLVT quân khu vững mạnh, cùng cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc xây dựng quê hương Việt Bắc giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng-an ninh, đời sống nhân dân, nhất là đối tượng người có công với cách mạng ngày càng ấm no, hạnh phúc, như Bác Hồ hằng mong muốn.
Bài và ảnh: TRỊNH DŨNG