Ngày còn sống, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), nguyên Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn, mỗi khi nhắc đến những chiến sĩ biệt động dưới quyền, hy sinh trên mặt trận thầm lặng, chưa tìm được phần mộ là ông lại trào nước mắt. Cho đến năm 2010, khi Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 2 chiến sĩ biệt động Bảy Bê và Tư Tăng…, dù đang nằm trên giường bệnh do bị tai biến, ánh mắt vị chỉ huy lừng danh ấy vẫn sáng lên đầy xúc động. Ánh mắt ông như thôi thúc thế hệ hôm nay mãi khắc ghi công lao những liệt sĩ đã hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong phong trào “đền ơn đáp nghĩa”. Dưới sự chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Thành ủy, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố đã tổ chức nhiều đợt, xác nhận được hơn 244.000 đối tượng hưởng chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi Người có công từng chiến đấu, hoạt động, hy sinh tại Sài Gòn-Gia Định. Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang quản lý 271.129 người có công và thân nhân hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có 50.160 liệt sĩ, 5.184 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 26.174 thương binh, 3.549 bệnh binh, 10.302 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 26.809 người có công giúp đỡ cách mạng. Những đối tượng chính sách, người có công luôn được đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố quan tâm bằng trách nhiệm, tình cảm và tấm lòng biết ơn sâu sắc.
Đại diện địa phương và doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh trao nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách, người có công.
Hằng năm, thành phố vẫn tiếp tục xét, giải quyết các chế độ chính sách cho người có công; đồng thời tiếp tục đề nghị công nhận số thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đối với 16.199 người; bệnh binh là 2.370 người và đối tượng hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là 3.663 người… Đến nay, hầu hết đã được bổ sung hồ sơ, thủ tục.
Từ năm 1982, phong trào xây nhà tình nghĩa tặng gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công khởi phát từ huyện Củ Chi đã lan rộng ra toàn thành phố và cả nước. Từ đó đến nay, thành phố đã xây dựng được 16.450 căn nhà tình nghĩa với số tiền hơn 189 tỷ đồng; 3.305 căn nhà tình thương với tổng số tiền 33 tỷ đồng; sửa chữa chống dột cho 10.928 hộ với tổng kinh phí thực hiện trên 54 tỷ đồng; trao hơn 8.964 sổ vàng tình nghĩa tặng thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ… Tại 324 phường, xã đều duy trì nguồn quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” với tổng số vốn trên 141 tỷ đồng. Các cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm, tặng quà đối tượng chính sách vào dịp lễ, Tết, ngày Thương binh-Liệt sĩ. Mặc dù thành phố đã hoàn tất việc xây tặng nhà tình nghĩa, nhưng các địa phương vẫn duy nguồn kinh phí để tiếp tục sửa chữa những căn nhà tình nghĩa đã xuống cấp giúp các thương binh, thân nhân liệt sĩ ổn định cuộc sống. Các ban, ngành, đoàn thể tích cực quyên góp, vận động hỗ trợ đối tượng chính sách cả về vật chất lẫn tinh thần; tặng học bổng, tặng xe đạp cho con thương binh, giới thiệu việc làm cho thân nhân liệt sĩ…
Thương binh hạng ¼ Trần Ngọc Nam, sinh năm 1967, ngụ tại quận 3, xúc động bày tỏ: Sự quan tâm sâu sắc của chính quyền địa phương đã giúp gia đình tôi vơi bớt khó khăn. Bản thân tôi cũng thêm tự hào bởi những mất mát của mình luôn được mọi người trân trọng”.
Bài và ảnh: PHẠM SÔNG LA