70 năm qua, hệ thống chính sách ưu đãi NCC không ngừng được bổ sung, hoàn thiện và luật pháp hóa. Khởi đầu từ Sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”, hệ thống chính sách từng bước được hoàn thiện, đối tượng ưu đãi liên tục được mở rộng, cơ bản đã bao phủ được hầu hết các đối tượng có công với cách mạng.

Hiến pháp năm 1992 quy định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước...”. Thể chế hóa quy định của Hiến pháp, ngày 29-8-1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, NCC giúp đỡ cách mạng (được sửa đổi, bổ sung ngày 29-6-2005 để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước).

leftcenterrightdel
Các thầy thuốc Trung tâm Y tế và Ban CHQS huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam khám bệnh, cấp thuốc, thăm hỏi người có công trên địa bàn. Ảnh minh họa / qdnd.vn 

Pháp lệnh ra đời với mục tiêu hướng tới chăm sóc tốt hơn NCC, theo hướng: Mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, mở rộng diện đối tượng, bổ sung chế độ ưu đãi; quy định điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận NCC phù hợp với thực tiễn của các thời kỳ cách mạng, gắn liền với lộ trình cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, đạt yêu cầu tương ứng với mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội.

Tháng 6-2012, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ra Nghị quyết số 15-NQ/TW “Về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, trong đó thể hiện rõ quan điểm và chính sách ưu đãi NCC của Đảng và Nhà nước ta. Ngày 16-7-2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, có thêm một số chính sách ưu đãi mới. Ngày 20-10-2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; theo đó, đối tượng bà mẹ được xét, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được mở rộng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Đến nay, cả nước có hơn 9 triệu NCC (chiếm 10% dân số) được hưởng trợ cấp một lần và hằng tháng, trong đó có gần 1,5 triệu người được hưởng trợ cấp hằng tháng; hàng chục nghìn con thương binh, con liệt sĩ được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục và đào tạo, chăm sóc y tế, gần 15.000 cán bộ lão thành cách mạng được hỗ trợ nhà ở... Mỗi năm, Nhà nước đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi NCC với cách mạng; tiếp tục đầu tư các cơ sở sự nghiệp và công trình nghiên cứu khoa học nhằm chăm sóc, phục vụ tốt hơn NCC và các đối tượng chính sách.

Các chính sách ưu đãi được thực hiện thông qua hai nguồn lực từ ngân sách và nguồn xã hội hóa, trong đó, nguồn lực từ Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, để thực hiện các chế độ, chính sách đối với NCC thông qua hình thức trợ cấp, phụ cấp, bảo hiểm y tế và các chế độ ưu đãi khác (điều dưỡng, nhà ở, quà Tết, quà dịp 27-7 hằng năm, ưu đãi trong lĩnh vực giáo dục, công tác tu sửa mộ, nghĩa trang liệt sĩ…).

Mặc dù có thời điểm tình hình kinh tế của đất nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn luôn quan tâm, bảo đảm nguồn lực cho công tác chăm sóc NCC. Từ năm 2012 đến 2016, ngân sách Nhà nước đã cấp hơn 150 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực này. Nguồn lực chi cho ưu đãi người có công từ ngân sách là nguồn chi thường xuyên bảo đảm xã hội, một số hạng mục được đánh giá là chi đầu tư phát triển, như chi hỗ trợ NCC xây dựng, sửa chữa nhà ở. Đến hết năm 2011, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ chính sách nhà ở cho cán bộ lão thành cách mạng; đồng thời hỗ trợ bằng tiền cho hơn 4.000 cán bộ tiền khởi nghĩa với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng; đã cơ bản giải quyết xong việc xóa nhà dột nát đối với hộ gia đình NCC thuộc diện nghèo ở khu vực nông thôn.

Hệ thống cơ sở sự nghiệp phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và NCC, bao gồm các cơ sở nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng, điều dưỡng luân phiên, các trung tâm chỉnh hình đã và đang được đầu tư nâng cấp, hoạt động hiệu quả. Những phát sinh và tồn đọng đang được các cấp, ngành và địa phương tích cực giải quyết như: Xác nhận, công nhận người hưởng chính sách ưu đãi, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN.

Năm 1989, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phát động trong cả nước phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng” với 5 chương trình tình nghĩa: Xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng nhà tình nghĩa; đón nhận thương binh nặng về chăm sóc tại gia đình; nhận chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ cô đơn, con liệt sĩ không nơi nương tựa. Từ năm 1995, các phong trào tiếp tục được mở rộng, bổ sung một số hình thức hiệu quả... Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội; qua đó khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, huy động được sức mạnh của toàn xã hội, trở thành công việc thường xuyên, với nhiều hoạt động thiết thực, sâu rộng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC qua đợt Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC trong hai năm 2014-2015 cho thấy: Vẫn còn một số đối tượng chưa được hưởng, hoặc hưởng chưa đầy đủ, thậm chí hưởng sai chế độ ưu đãi; mức trợ cấp ưu đãi nhìn chung còn thấp so với mức tiêu dùng bình quân toàn xã hội. Một bộ phận NCC (gần 4%) còn có mức sống thấp hơn mức sống bình quân của cộng đồng dân cư nơi cư trú; một số chính sách còn dàn trải; trách nhiệm thực hiện đôi khi còn chồng chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước…

Chính sách đối với NCC là chính sách đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mang ý nghĩa chính trị - xã hội, nhân văn sâu sắc và là đường lối nhất quán đối với công tác thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng của Đảng, Nhà nước ta.

Là cơ quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH luôn bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất xây dựng, ban hành các chính sách, hướng tới mục tiêu: Không để NCC nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước và sự quan tâm chăm sóc của xã hội. Trong giai đoạn tới, công tác chăm sóc gia đình TB-LS và NCC với cách mạng cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với NCC và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc; giáo dục, nâng cao nhận thức và có các hoạt động tri ân thiết thực đối với NCC, ghi nhận những thành quả của công tác TB-LS, chăm lo NCC trong suốt 70 năm qua.

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi xã hội đối với NCC với cách mạng, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn chỉnh hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Trước mắt, cần thể chế hóa đầy đủ các quy định về xác nhận TB-LS, người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học; các chế độ ưu đãi về kinh tế - xã hội.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu toàn diện các vấn đề tồn tại, vướng mắc, phát sinh liên quan đến chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng để đề xuất điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chế độ chính sách ưu đãi đối với NCC phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng; tiến tới nghiên cứu xây dựng Luật NCC với Tổ quốc.

 Ba là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCC với cách mạng; đẩy mạnh chăm sóc NCC, gia đình chính sách có nhiều khó khăn và các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa", không để hộ NCC nằm trong diện hộ nghèo. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% hộ NCC có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; giai đoạn 2016-2021 ưu tiên hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Bốn là, tiếp tục xử lý hồ sơ tồn đọng sau Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng, theo Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 25-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng” và Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 22-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc NCC với cách mạng, thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày TB-LS".

Năm là, tập trung giải quyết các trường hợp đề nghị xác nhận là NCC với cách mạng còn tồn đọng, đặc biệt đối với các trường hợp đề nghị công nhận liệt sĩ, người hưởng chính sách như thương binh trong hai năm 2017-2018. Thực hiện tốt việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN; đẩy mạnh việc chăm sóc, tu bổ và nâng cấp các công trình đền, đài tưởng niệm ghi công liệt sĩ.

Các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, xử lý nghiêm các việc làm sai trái, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, bảo đảm công bằng xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân và đối tượng NCC vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

DOÃN MẬU DIỆP, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội