Chương trình do Tủ sách Kiến thức xanh, Book Cafe phối hợp với một số cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị tổ chức nhằm tri ân các thương binh-liệt sĩ, trong đó có những người bạn của họ mãi mãi không trở về. Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra buổi tọa đàm, giới thiệu một số tác phẩm hồi ký như: “Nó và tôi-Một thời hoa lửa” của nhà văn Nguyễn Như Thìn, “Khi Tổ quốc gọi” của tác giả Nguyễn Long Trảo và một số ca khúc của các cựu chiến binh về đề tài chiến tranh. Ngoài ra, còn trưng bày bộ ảnh “Chân dung mẹ” của Đại tá, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng (nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân); chuyên đề “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên”, tranh cổ động “Dáng đứng Việt Nam”...

leftcenterrightdel
Các nghệ sĩ Câu lạc bộ Màu thời gian (TP Hà Nội) biểu diễn ca khúc “Mãi mãi tuổi 20” của nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng, phổ thơ Nguyễn Văn Thạc. 

Trong không gian thoáng đãng của Phố sách Hà Nội, khán giả đã được nghe những câu chuyện rất cảm động từ các nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhạc sĩ từng là cựu sinh viên các trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Thủy lợi… xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Nhiều người từng là bạn cùng trường, nhập ngũ ngày 6-9-1971, cùng ngày với Nguyễn Văn Thạc (tác giả nhật ký “Mãi mãi tuổi 20”), tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Gặp nhau hôm nay cảm xúc của những ngày chiến đấu của hơn 40 năm trước như vẫn vẹn nguyên. Họ kể lại nhiều kỷ niệm, giới thiệu cho nhau những cuốn sách hay, cùng hát cho nhau nghe những giai điệu họ đã từng hát trước khi ra trận. Cứ thế, họ hát, trò chuyện vui vẻ nhưng lại khiến người xem bùi ngùi xúc động.

Chương trình “Tên anh đã tạc vào thế kỷ” được lấy cảm xúc từ thông tin ngôi mộ tập thể tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được Bộ Quốc phòng tổ chức quy tập trong thời gian tới và bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của nhà thơ Lê Anh Xuân nói về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ không quân Việt Nam. Theo nhạc sĩ Nguyễn Quý Lăng (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Thủy lợi), qua chương trình kỷ niệm này, chúng tôi muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ hôm nay thông điệp: Tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ của đất nước, chúng ta phải làm sao để “Tổ quốc bay lên” chứ không chỉ có những lời than khóc...

leftcenterrightdel

Các đại biểu tham gia tọa đàm những tác phẩm của các cựu chiến binh về đề tài chiến tranh.

Gặp lại bạn bè, ôn lại những kỷ niệm chiến đấu, nhà báo Phùng Huy Thịnh nói: “Cứ đến dịp 27-7, chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Cuộc chiến tranh đã làm cho rất nhiều gia đình ở nước ta mất đi người thân, trong đó có những người bạn của tôi. Ngày ấy, tự tay tôi đã từng mai táng rất nhiều đồng đội ngã xuống ngay bên mình, có những lúc bom đạn dồn dập đành phải chôn vội để tiếp tục chiến đấu. Thực tế ở chiến trường Quảng Trị ngày ấy khốc liệt lắm các bạn ạ, nhanh hay chậm, khôn ngoan đều có thể chết, ai còn sống sót đến hôm nay quả là điều may mắn. Vì thế mà thế hệ người lính chúng tôi ngày đó tràn đầy tinh thần lạc quan, yêu đời, rất lãng mạn. Chúng tôi vô tư, hồn nhiên như thế ra trận, không hề lùi bước trước khó khăn. Những lúc không chiến đấu, ở trong hầm là chúng tôi lại ôm đàn hát những bài ca Nga. Để minh chứng cho những điều mình vừa nói, nhà báo Phùng Huy Thịnh đã đứng lên hát say sưa ca khúc “Ánh lửa” (nhạc Nga)-ca khúc quen thuộc của thế hệ lính sinh viên thời của ông.

PGS, TS Phạm Thành Hưng cũng từng là sinh viên Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) xếp bút lên đường ra trận cách đây hơn 40 năm. Ông đã rất xúc động khi được nghe lại bài hát Nga do nhà báo Phùng Huy Thịnh vừa hát cùng các ca khúc mới viết về thương binh-liệt sĩ như: “Đồng đội ơi” (lời: Trương Vĩnh Tuấn, nhạc: Nguyễn Giang), “Mãi mãi tuổi 20” (nhạc: Nguyễn Quý Lăng, phổ thơ Nguyễn Văn Thạc)... Nói về các tác phẩm thời chiến tranh, PGS, TS Phạm Thành Hưng cho rằng, âm nhạc có tác động trực tiếp nhất đến tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ. Bởi những người lính ngày ấy đã hát trên đường hành quân, hát cho nhau nghe khi nằm nghỉ trong hầm tránh bom và hát trước khi ra trận. Và vì thế, âm nhạc đóng góp lớn nhất về tinh thần giúp cuộc kháng chiến của chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng.

Nhà giáo Nguyễn Dũng (cựu chiến binh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) lại khiến khán giả tham dự chương trình lặng đi khi kể lại câu chuyện rất cảm động về tình đồng chí, đồng đội trong chiến tranh. Ông cho biết, có người đã mang theo thi hài bạn thân trong chiếc ba lô của mình đi khắp chiến trường với mong muốn khi mình trở về thì bạn cũng được trở về. Lúc chiến đấu thì để bạn ở lại trong hầm cùng chiếc ba lô. Và cứ thế họ đã bên nhau đến ngày chiến thắng 30-4-1975. Được biết, hơn 40 năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Dũng dành rất nhiều công sức, tiền của miệt mài đi tìm mộ liệt sĩ ở khắp các chiến trường và đã góp phần đưa được hàng chục hài cốt đồng đội trở về quê hương. Nhân dịp kỷ niệm 27-7 năm nay, ông cũng tổ chức chuyến đi vào Quảng Trị thăm lại chiến trường xưa với hơn 300 người tham gia.

“Chiến tranh không phải trò đùa và đất nước ta phải trả cái giá quá đắt cho hòa bình, thống nhất”. Vì vậy, thế hệ hôm nay và mai sau hãy biết trân trọng quá khứ, không được quên ơn thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu của mình bảo vệ Tổ quốc”- đó là lời nhắn nhủ của nhà văn Nguyễn Như Thìn qua chương trình này.

Bài và ảnh: MINH THÀNH