Bom đạn nổ ngay trên bàn mổ 

Trời chiều ngả bóng, hoạt động khám, chữa bệnh ở các khoa chuyên môn của bệnh viện quân y tuyến cuối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn ra hối hả, tấp nập. Mỗi người một việc, chẳng ai để ý tới một ông lão tuổi gần 90 đứng lặng trước tấm bia tưởng niệm liệt sĩ-những đồng đội gắn bó với ông suốt bao năm chiến tranh khốc liệt. “Đó là Đại tá, Tiến sĩ, bác sĩ Võ Tá Thông, nguyên Viện trưởng Viện 121 (nay là Bệnh viện Quân y 121). Đã nhiều năm nay, thỉnh thoảng ông lại đến đây như để tìm lại những kỷ niệm với đồng đội một thời bất chấp hiểm nguy để cứu chữa thương binh. Chính lớp người như ông đã viết nên truyền thống của bệnh viện hai lần anh hùng”-Đại tá, bác sĩ Nguyễn Minh Thuần, Giám đốc bệnh viện tự hào giới thiệu.

leftcenterrightdel

Thượng tá, bác sĩ Bùi Văn Trân (thứ ba, từ phải sang) cùng đồng đội dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ của Bệnh viện Quân y 121. 

leftcenterrightdel
Một ca phẫu thuật do các bác sĩ, y tá Bệnh viện Quân y 121 thực hiện trong lán rừng U Minh. Ảnh tư liệu 

Bác sĩ Võ Tá Thông (Năm Thông) thuộc thế hệ đầu tiên xây dựng bệnh viện trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Gặp ông tình cờ như thế, tôi được nghe những câu chuyện cảm động về nghĩa tình bác sĩ-thương binh ở Bệnh viện Quân y 121 trong kháng chiến. Ông Năm Thông hồi tưởng:

- Cứu chữa bệnh nhân là mệnh lệnh tối cao, thúc giục đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế toàn bệnh viện phải nỗ lực vượt bậc, không quản ngại hy sinh. Tôi còn nhớ, dịp Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, quân ta nổ súng đánh vào TP Cần Thơ. Sau 4 ngày chiến đấu, số lượng thương binh chuyển qua các đội phẫu thuật lên tới gần 1.000 người. Riêng đội phẫu thuật của y sĩ Tư Minh tiếp nhận hơn 400 thương binh, nên anh phải đứng mổ liên tục đến nỗi chân tê dại, phù nề vẫn không được nghỉ. Đội phẫu thuật 1 ở Rạch Sao cũng tất bật làm việc suốt nhiều ngày đêm, có khi đang cấp cứu thương binh thì địch đánh phá, phải ngừng mổ để vận chuyển, sơ tán bệnh nhân về tuyến sau. Cường độ làm việc quá vất vả, nhiều đêm thức trắng nên y tá Bảy Điện và hộ lý Thu bị xỉu, té lăn bên bàn mổ. Đặc biệt, đêm 20-2-1968, trong khi y sĩ Dương Bá Minh cùng ê-kíp đang mổ cắt bỏ thận và nối ba khúc ruột cho hai thương binh nặng thì bị trúng bom, một y sĩ và hai y tá hy sinh tại chỗ; y sĩ Minh cùng 4 nhân viên y tế nhoài người che chắn cho thương binh nên đồng chí Minh cũng bị bom cắt lìa đùi.

Sau Tết Mậu Thân 1968, tình hình chiến sự hết sức ác liệt, có giai đoạn địch bao vây, chia cắt cả tháng trời. Bệnh viện không thể cử người đi nhận lương thực, thuốc men. Bác sĩ, nhân viên y tế phải nhường khẩu phần ăn, nước uống của mình cho thương binh, lấy chuối độn ăn thay cơm. Một số y tá tranh thủ bắt tôm, cá, cua về nấu với rau rừng bồi dưỡng cho bệnh nhân mau hồi phục… Dù đói, khát nhưng khi giặc càn quét vào bệnh viện, bác sĩ, y tá lại lập tức cầm súng chiến đấu bảo vệ thương binh. Với phương châm “không để thương binh bị thương lần hai”, các thầy thuốc quân y sẵn sàng xả thân để thương binh được sống. Có những y sĩ, y tá đã anh dũng hy sinh ngay tại bàn mổ. Nhớ lại những mất mát lớn lao ấy, Đại tá Võ Tá Thông chùng giọng:

- Năm 1972, Sư đoàn 21 của địch càn vào sát bệnh viện. Lúc đó, bác sĩ Trần Thanh Quang, Chủ nhiệm Khoa Gây mê hồi sức (sau này là Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng LLVT nhân dân, Giám đốc bệnh viện), đang phẫu thuật cấp cứu thương binh, không thể dừng lại được. Mấy quả đạn cối nổ ngay trên bàn mổ khiến 4 y sĩ, y tá hy sinh tại chỗ. Bác sĩ Quang bị thương vỡ sống mũi. Thấy địch vào gần, có nguy cơ bị phát hiện, đồng chí Quang triển khai cho hai y tá nghi binh, còn mình tự băng cầm máu rồi vừa cõng một thương binh, vừa dìu một thương binh khác vượt ra khỏi vòng vây. Chạy tới điểm sơ tán an toàn cũng là lúc anh ngất xỉu do mất máu quá nhiều. Trong trận địch tập kích ấy, còn có nữ y tá Bảy Ánh liên tục cõng thương binh ra nơi trú ẩn, mặc cho những lần ngã lên ngã xuống, trầy xước toàn thân; y sĩ Năm Lượm cũng anh dũng hy sinh khi che bom đạn cho đồng đội… Họ ra đi nhẹ tựa lông hồng, bởi sự sống của thương binh như một mệnh lệnh không lời thôi thúc trái tim người thầy thuốc.

Những sáng kiến và ca mổ để đời

Với quy mô 400 giường nhưng có thời điểm, Bệnh viện Quân y 121 phải tiếp nhận tới 1.800 thương binh, bệnh binh về điều trị, buộc lãnh đạo bệnh viện phải huy động mọi nguồn lực, khả năng để điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Chính trong khó khăn, thiếu thốn ấy, các thầy thuốc quân y đã nảy ra nhiều sáng kiến mang lại sự sống cho không ít thương binh. Thượng tá, bác sĩ, thương binh hạng 4/4 Bùi Văn Trân (Ba Trân), 85 tuổi, nguyên Phó giám đốc Y vụ bệnh viện, kể:

- Cái khó ló cái khôn. Do cơ sở vật chất, y cụ thiếu thốn, thương binh lại nhiều, nên bác sĩ Nguyễn Công Thiện (Tám Thiện), Viện trưởng Viện 121 lúc bấy giờ đã nghĩ ra sáng kiến làm bàn mổ dã chiến từ vỏ bom bi và xác máy bay thu được của địch. Bàn mổ này dễ dàng đặt lên xuồng, ghe, ghép 2 đến 3 chiếc lại thành một “bàn mổ vạn năng”, có thể nâng cao, hạ thấp, nghiêng phải, nghiêng trái… rất thuận tiện cứu chữa thương binh ở vùng đồng bằng sông nước. Từ chiếc "bàn mổ vạn năng" ấy, hàng nghìn thương binh đã được phẫu thuật thành công, trở lại chiến trường tiếp tục chiến đấu.

Noi gương bác sĩ Tám Thiện, nhiều đồng nghiệp đã sáng tạo, cải tiến kỹ thuật phục vụ cứu chữa bệnh nhân. Nổi bật là sáng kiến sử dụng nước dừa tươi để tiêm truyền tĩnh mạch cấp cứu thương binh, do bác sĩ Võ Tá Thông nghiên cứu ứng dụng, dựa trên sự kiểm chứng tính chất lý, hóa, muối vi lượng của nước dừa tươi 6 tháng tuổi. Đây là nguồn dịch truyền dồi dào, rẻ tiền ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đã mang lại sự sống cho nhiều thương binh, bệnh binh trong điều kiện khan hiếm huyết thanh đẳng trương. Thành công của sáng kiến này khiến nhiều nhà khoa học trên thế giới khâm phục. Ngoài ra còn sáng kiến thủy phân đường tinh luyện (đường trắng) pha chế glucose, lấy nước truyền cho bệnh nhân sốt rét. Nói về sáng kiến thủy phân đường trắng, ông Ba Trân kể:

- Những năm 1969-1970, bộ đội ta bị sốt rét rất nhiều, nhất là số chiến sĩ trẻ thuộc các đơn vị chiến đấu trên chiến trường miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Trong khi đó, thuốc chống sốt rét và nước truyền cho người bệnh vô cùng thiếu. Không ít chiến sĩ đã hy sinh vì sốt rét. Bệnh viện K71, K72, Viện 121 được lệnh tăng cường bác sĩ ngăn chặn dịch sốt rét ở các đơn vị. Nhìn đồng đội hao đi từng ngày vì thiếu nước truyền tăng sức đề kháng, nhóm bác sĩ của Viện 121 đã quyết tâm mày mò nghiên cứu thủy phân đường cát Biên Hòa lấy nước biển truyền cho bệnh nhân sốt rét. Sáng kiến ứng dụng thành công, dịch sốt rét bị đẩy lùi trong niềm phấn khởi vô bờ của cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường miền Nam.

Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Quân y 121 tiếp tục khẳng định bản lĩnh thông qua những ca mổ chưa từng có tiền lệ. Đó là trường hợp phẫu thuật lấy đầu đạn M79 ra khỏi hố nách của thương binh; lấy đầu đạn cối 60 ra khỏi vùng vai gáy người bệnh… Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng Đạo, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, khi ấy là bác sĩ ngoại khoa của Bệnh viện Quân y 121 nhớ lại:

- Ngày 14-5-1978, bệnh viện tiếp nhận thương binh Lê Văn Lượng bị đầu đạn M79 của địch găm vào phía sau hố nách, bờ ngoài xương bả vai phải. Vết thương sưng tấy. Quá trình hội chẩn ai nấy đều lo lắng, bởi đầu đạn sẽ phát nổ bất cứ lúc nào khi có va đập hoặc bị xê dịch. Kíp mổ lựa chọn những bác sĩ, y sĩ giỏi, có bản lĩnh và sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Tôi được Đảng ủy bệnh viện tin tưởng giao nhiệm vụ phẫu thuật viên chính. Buồng mổ được triển khai cách biệt, có đắp hơn 100 bao cát xung quanh, chỉ để hở một khoảng trống vừa đủ thò tay vào phẫu thuật nhằm hạn chế tối đa tổn thất. Biết là nguy hiểm nếu xảy ra bất trắc, nhưng bằng ý chí, tình cảm và trách nhiệm, tôi tự nhủ phải thực hiện bằng được ca phẫu thuật. Đúng 9 giờ sáng 15-5-1978, ca mổ bắt đầu. Cả bệnh viện hồi hộp chờ đợi. Tôi tập trung cao độ, nhẹ nhàng mổ, tách…, 40 phút… 50 phút trôi qua, đúng 1 tiếng đồng hồ tôi đã lấy được đầu đạn M79 ra khỏi cơ thể bệnh nhân trong tiếng thở phào của mấy chục đồng nghiệp theo dõi từ xa.

Thành công vượt trên mong đợi đã cổ vũ toàn thể bệnh viện tự tin điều trị những vết thương đặc biệt. Điển hình là bác sĩ Trịnh Phát Minh, Chủ nhiệm Khoa Chấn thương, đã mổ lấy đầu đạn cối 60mm xuyên vào vùng cổ, sau xương đòn trái, trồi ra phía lưng của thương binh Ngô Minh Hùng. Tình trạng sức khỏe thương binh lúc nhập viện suy kiệt, đầu đạn ép vào thực quản và khí quản gây khó thở. Ca phẫu thuật cực kỳ phức tạp vì phải rạch rộng vết thương ngay vị trí có nhiều động mạch lớn và các tĩnh mạch, nếu sơ ý, bất cẩn sẽ không kịp cầm máu, nguy hiểm đến tính mạng thương binh. Bằng kinh nghiệm và trình độ tay nghề cao, bác sĩ Trịnh Phát Minh đã thực hiện thành công sau 2 giờ phẫu thuật, ghi dấu ấn trong lịch sử ngành y tế nước nhà…

Còn rất nhiều những chiến công như thế của các bác sĩ Bệnh viện Quân y 121 đã được lịch sử và đồng đội ghi nhận. Sự sáng tạo, tinh thần xả thân vì người bệnh và thành tích cứu chữa thương binh đã khẳng định thương hiệu thầy thuốc quân y nơi mảnh đất "Chín rồng", xứng đáng với danh hiệu đơn vị hai lần Anh hùng LLVT nhân dân.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH