Báo cáo đề dẫn tọa đàm nêu rõ: Chính sách đối với NCC là chính sách đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mang ý nghĩa chính trị-xã hội, nhân văn sâu sắc. Trong suốt 70 năm qua, hệ thống chính sách ưu đãi NCC không ngừng được bổ sung, hoàn thiện và luật pháp hóa. Mặc dù có thời điểm tình hình kinh tế của đất nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn luôn quan tâm, bảo đảm nguồn lực cho công tác chăm sóc NCC. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC vẫn còn những bất cập, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tâm tư, tình cảm của NCC…

Phát biểu tại tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nêu rõ mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc quan tâm, chăm sóc NCC. Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ 3 nội dung chính: Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chính sách và tổ chức thực hiện tốt chính sách đối với NCC; chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong đẩy mạnh xã hội hóa, tạo nguồn lực chăm lo, cải thiện đời sống của NCC; tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, các gương thương binh, thân nhân liệt sĩ, NCC tiêu biểu trong và ngoài quân đội luôn nỗ lực vượt khó vươn lên, nêu gương sáng, giúp ích cho xã hội, cộng đồng.

leftcenterrightdel
Quang cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: Phú Sơn 

Hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi NCC

Trao đổi về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt chính sách đối với NCC, nhiều ý kiến tham luận khẳng định: Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong suốt 70 năm qua, Đảng, Nhà nước, quân đội đã bổ sung, hoàn thiện và ban hành nhiều chính sách đối với NCC. Tiêu biểu như: Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng; sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; chỉ thị của Bộ Chính trị, các văn bản quy định của Chính phủ về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (TKQT HCLS); các chủ trương, chính sách lớn đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; các chế độ, chính sách đối với người bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh...

Ngày 28-12-2001, Ban Chấp hành Trung ương ra Thông báo số 38-TB/TW về “Kết luận của Bộ Chính trị về thực hiện chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên, giải ngũ, thôi việc” từ ngày 31-12-1960 trở về trước. Đây là một chủ trương đúng đắn, mở đầu cho nhiều chủ trương sau này về chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quy định về chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, đã và đang được triển khai thực hiện hiệu quả, gồm các Quyết định số 47, 290, 142, 62, 49…

TS Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Về cơ bản, các chính sách ưu đãi NCC đã được thực hiện tốt, bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành chính sách ưu đãi NCC vẫn còn những điều phải trăn trở. Theo TS Bùi Sỹ Lợi, cần tập trung nhân lực, phát huy cơ chế phối hợp liên ngành, đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong giải quyết hồ sơ xác nhận NCC còn tồn đọng. Thực hiện cơ chế xác nhận dựa vào cộng đồng dân cư nơi NCC sinh sống; phát huy dân chủ cơ sở, công khai minh bạch và sự giám sát của nhân dân...

Đồng chí Nguyễn Duy Kiên, Phó cục trưởng Cục NCC (Bộ LĐ,TB-XH) đề nghị: Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi đối với NCC với mục tiêu quan tâm, chăm lo nhiều hơn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đối tượng chính sách, tạo điều kiện thực hiện công bằng xã hội...

Từ kết quả thực hiện công tác chính sách trong quân đội, Đại tá Nguyễn Xuân Yêm, Phó cục trưởng Cục Chính sách (TCCT) cho rằng: Quân đội không chỉ thực hiện tốt chính sách quân đội và hậu phương quân đội, thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với NCC; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số chế độ, chính sách cho phù hợp với thực tiễn và tiến trình đổi mới.

Một trong những vấn đề tồn tại mà Đại tá Nguyễn Xuân Yêm nêu ra, đó là đối tượng và điều kiện công nhận NCC còn những thiếu sót; do vậy cần nghiên cứu bổ sung đối tượng người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế bị đối phương bắt, giam giữ vào nhóm đối tượng “Người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày”. Cần bổ sung đối tượng NCC định cư ở nước ngoài, vì theo khảo sát, hiện có khoảng 40.000 đối tượng NCC đang định cư ở nước ngoài…

Phản ánh việc thực hiện chính sách và việc giúp đỡ, hỗ trợ NCC, các đại biểu: Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó chủ nhiệm TCCT, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam; Dương Văn Huệ, Phó giám đốc Sở LĐ,TB-XH tỉnh Thanh Hóa; Thái Đình Hoàng, Phó giám đốc Sở LĐ,TB-XH TP Đà Nẵng… đều có phân tích, đánh giá và đề xuất nhiều nội dung hết sức thiết thực, như: Cần linh hoạt hơn trong giải quyết chính sách tồn đọng; trong bổ sung, sửa đổi pháp lệnh cần chú ý đối tượng là thương binh, bệnh binh; khắc phục cho được “các lỗi” thuộc về người “thiết kế” chính sách, quản lý Nhà nước và quản lý xã hội…

     Các đại biểu tham gia tọa đàm cũng đề cập các giải pháp, phương hướng hoàn thiện chính sách, đề xuất định hướng sửa đổi chính sách ưu đãi NCC với cách mạng. Trong đó tập trung vào các vấn đề lớn như: Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi hằng tháng; căn cứ xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; điều kiện xác nhận người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; điều kiện xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chế độ bảo hiểm y tế, ưu đãi giáo dục-đào tạo và dạy nghề, về đất ở, đất sản xuất, thuế, tín dụng, việc làm...

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách đối với NCC

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo về công tác chính sách ở đơn vị, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hải, Phó chính ủy Quân khu 3 khẳng định: “Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu đã nhất quán trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ công tác chính sách hậu phương quân đội và tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn, bằng nhiều biện pháp đồng bộ, phù hợp với đặc điểm địa bàn, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, ý nghĩa”. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời mà trong nhiều năm qua, công tác chính sách và hoạt động đền ơn đáp nghĩa ở Quân khu 3 thu được nhiều kết quả thiết thực. Từ năm 2011 đến nay, LLVT quân khu đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 10 tỷ đồng, Quỹ “Vì người nghèo” được hơn 7,5 tỷ đồng; tổ chức xây dựng 247 nhà tình nghĩa, 160 nhà đồng đội; chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời 210 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tham gia các hoạt động tri ân đền ơn đáp nghĩa, với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng...

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Trương Ngọc Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường An Mỹ, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; tăng cường vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC. Đặc biệt, là địa bàn trung tâm của TP Tam Kỳ, quỹ nhà, đất khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền phường đã có nhiều chủ trương, giải pháp sáng tạo, hỗ trợ hiệu quả nhiều gia đình NCC có khó khăn về nhà ở theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 118 của Chính phủ.

Đẩy mạnh xã hội hóa chăm lo NCC, nhân điển hình tiêu biểu

Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, đã có gần 1 vạn cán bộ, chiến sĩ ngành Bưu điện anh dũng hy sinh. Theo đồng chí Tô Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), trong những năm qua, cùng với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, VNPT luôn coi công tác đền ơn đáp nghĩa là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ và NCC thông qua nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa thiết thực. Tập đoàn và mỗi đơn vị thuộc VNPT đều tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, như phát động gây quỹ xây dựng nhà nghĩa tình, nghĩa trang liệt sĩ, nhà tưởng niệm và phụng dưỡng suốt đời hàng trăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Được biết, VNPT cũng khởi xướng, thực hiện nhiều hoạt động mang ý nghĩa xã hội như: “Hành trình nhân ái” mang Tết ấm cho người nghèo; “Tặng xe lăn cho người khuyết tật”; “Xây nhà tình nghĩa tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; Xây dựng “Mái ấm Công đoàn”…

Đại tá Phan Đình Ân, Chính ủy Cục Kỹ thuật Quân khu 2, là con liệt sĩ. Bản thân anh đã qua chiến đấu ở biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ bên nước bạn Lào. Với sự nỗ lực của bản thân, anh không chỉ khẳng định được mình trong quá trình công tác, có nhiều thành tích, mà còn cùng đơn vị thực hiện tốt công tác chính sách và hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Khi là Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ, anh đã trực tiếp chỉ đạo và cùng Hội đồng tổ chức xét duyệt gần 33.000 hồ sơ đề nghị cấp trên cho hưởng chế độ chính sách theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ; tặng 8 nhà tình nghĩa…, không để xảy ra sai sót. Trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cục Kỹ thuật Quân khu 2, Đại tá Phan Đình Ân thường xuyên bàn bạc, thống nhất trong Thường vụ Đảng ủy, Chỉ huy Cục lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân tham gia có hiệu quả các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo hậu phương quân đội.

Ông Đặng Đình Phong, thương binh hạng 4/4, ở xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội vừa được Bộ LĐ,TB-XH tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất. Năm 1976, hoàn thành nghĩa vụ, trở về địa phương với tỷ lệ thương tật 25%, mặc dù sức khỏe yếu, nhưng ông Phong không trông chờ vào tiền trợ cấp, mà tự động viên mình, tích cực lao động sản xuất. Đến nay, ông đã thành lập được nhiều trang trại nuôi ong, các thành viên tham gia hầu hết là thương binh và cựu chiến binh. Hằng năm, ông thu về từ nuôi ong gần 1 tỷ đồng. Ông Phong chia sẻ: “Là thương binh, từ hai bàn tay trắng, sức khỏe có hạn, làm được kinh tế như vậy là một sự nỗ lực rất lớn. Tôi luôn tự hào về những gì mình đã hiến dâng cho Tổ quốc; coi sự ưu đãi của Nhà nước là phần thưởng cao quý; luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước...”.

Kết luận tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn khẳng định: Các ý kiến tham luận đã làm rõ 3 nội dung chính của cuộc tọa đàm, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao, đó là: Thời gian qua, thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC và các chính sách của Đảng, Nhà nước từng bước được hoàn thiện và tổ chức thực hiện tương đối hoàn chỉnh, thực sự là những chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước đối với NCC... Các ý kiến cũng tập trung đề nghị, tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, đặc biệt là sớm nghiên cứu, sửa đổi, khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay. Ưu tiên các nguồn lực để bảo đảm thực hiện tốt chính sách ưu đãi, có các giải pháp thiết thực nhằm huy động nguồn lực xã hội chăm sóc NCC với cách mạng. Chính sách ưu đãi NCC còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, thì nhất định việc chăm lo NCC sẽ ngày càng tốt hơn, đạt nhiều kết quả tích cực hơn.

TRỊNH DŨNG