Thêm mỗi mái nhà, thêm những yêu thương
Những ngày này, gia đình ông Nguyễn Văn Sỏi ở ấp Xóm Mới (xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) nhộn nhịp người ra vào. Khách là cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 950 (Quân khu 9), cùng lãnh đạo, chính quyền địa phương và bà con xóm giềng đến chúc mừng gia đình vừa được Lữ đoàn 950 xây tặng ngôi nhà mới. Ông Sỏi trước đây là du kích địa phương. Sau giải phóng, ông làm nghề tự do, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Trong ngày về nhà mới, ông Sỏi rưng rưng: “Sức khỏe tôi yếu, vợ con lại bệnh tật, thu nhập eo hẹp, lo cái ăn chưa đủ, nói gì đến việc mơ có ngôi nhà mới... Bởi vậy, có được ngôi nhà mới như hôm nay, gia đình tôi vô cùng biết ơn cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 950”. Cũng đón nhận niềm vui tương tự, khi lãnh đạo Lữ đoàn 950 đến trao tặng gia đình Thượng úy Võ Thanh Hải (công tác tại đơn vị) căn nhà khang trang, “chủ nhà” chỉ biết nắm chặt tay đồng đội mà không thể nói nên lời...
Thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chính ủy Quân khu 9 cho biết: “Thực hiện chủ trương của BQP, LLVT Quân khu 9 đã xây dựng 457 căn nhà tặng NCC và quân nhân có hoàn cảnh khó khăn. Để thực hiện tốt phần việc này, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu nhất quán về chủ trương vận động, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, chiến sĩ. Chỉ trong thời gian ngắn, chủ trương xây dựng NTN, NĐĐ đã về tận cơ sở, được cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng tích cực, bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả”.
Lãnh đạo Quân khu 2 trao nhà tình nghĩa tặng gia đình thương binh Hoàng Đức Nhiên (Cường Thịnh, Trấn Yên, Yên Bái). Ảnh: TIẾN THỂ.
Gặp chúng tôi hôm khánh thành NĐĐ tại thôn Yên Vũ (xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), Đại úy Nguyễn Đức Vượng, Trợ lý Ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương, xúc động cho biết: “Nhiều năm qua, gia đình tôi sống trong ngôi nhà đã xuống cấp nên rất bất tiện trong sinh hoạt; trong khi bố tôi là thương binh, mỗi khi trái gió trở trời, sức khỏe giảm sút, ốm đau thường xuyên... Chỉ có tình đồng chí, đồng đội thắm đẫm yêu thương mới có thể giúp gia đình tôi có được ngôi nhà mới khang trang như thế này…”. Còn bà Trần Thị Nhã, con đẻ của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Hiến, xã Hồng Khê (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), sau khi chuyển về ngôi nhà mới do Bộ tư lệnh Quân khu 3 xây tặng, thì cảm thấy bản thân như được khỏe ra, tinh thần phấn chấn hơn. Không thể giấu được cảm xúc, bà Nhã nghẹn ngào: “Tôi hạnh phúc nhiều lắm các chú ạ! Đúng là thêm mỗi mái nhà là thêm những yêu thương...”.
Chúng tôi được biết, LLVT Quân khu 3 là một trong những đầu mối đang dẫn đầu về số lượng xây dựng NTN, NĐĐ trong toàn quân. Nói về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Chính ủy Quân khu 3 cho biết: “Đến nay, LLVT quân khu đã xây dựng được 252 NTN tặng NCC. Như vậy là quân khu đã vượt nhiều, vượt xa so với kế hoạch ban đầu”.
Trong dịp này, thực hiện chủ trương của BQP, cán bộ, chiến sĩ, người lao động trong toàn quân đều tích cực, tự giác dành một phần tiền lương và nhiều ngày công lao động tham gia xây dựng NTN, NĐĐ. Nhiều đơn vị đã thể hiện rõ tình cảm, quyết tâm giúp đỡ NCC và cán bộ, chiến sĩ khó khăn về nhà ở, như: Quân khu 1, 2, 5, 7, Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân chủng Phòng không-Không quân, Binh chủng Thông tin liên lạc… Như vậy, chính bằng tình cảm và trách nhiệm đã kết thành "nguyên vật liệu" đặc biệt, xây dựng nên những ngôi nhà mới thắm đậm nghĩa tình tri ân, trao tặng NCC, góp thêm ngọn lửa yêu thương trong mỗi gia đình.
Chủ trương nhân văn, sâu nặng nghĩa tình
Xây dựng NTN, NĐĐ là một trong những hoạt động "đền ơn đáp nghĩa" thiết thực được toàn quân thực hiện trong nhiều năm qua. Tính từ năm 2007 đến nay, các cơ quan, đơn vị toàn quân đã xây mới, sửa chữa hàng vạn NTN, NĐĐ, "mái ấm công đoàn"… với giá trị hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày TB, LS, Quân ủy Trung ương, BQP đã phát động Chương trình xây dựng 700 căn nhà, trong đó 500 NTN, 200 NĐĐ... Điều đáng mừng là đến thời điểm này, số NTN, NĐĐ đã vượt nhiều so với kế hoạch. Theo đó, toàn quân đã xây dựng được 2.058 căn nhà, trong đó 1.123 NTN; 935 NĐĐ, "nhà 100 đồng" và "mái ấm công đoàn". Con số này vẫn còn tiếp tục tăng lên, nhờ tình cảm, trách nhiệm tri ân NCC và tình yêu thương, chia sẻ với đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sĩ toàn quân… Thiếu tướng Trần Quốc Dũng, Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) cho biết: “Chủ trương xây dựng NTN, NĐĐ của Quân ủy Trung ương, BQP là hết sức nhân văn, tạo được sự đồng thuận cao và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, chiến sĩ. Ở nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền và nhân dân, thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực đã góp công, góp sức cùng quân đội thực hiện tốt chủ trương này”.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng BQP, ngay từ khi có chủ trương xây dựng NTN, NĐĐ, cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp trong toàn quân coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ, đúng mục đích, yêu cầu; phù hợp với thực tế đơn vị và địa bàn công tác. Trong tổ chức thực hiện, các đơn vị đã tiến hành một cách đồng bộ, chặt chẽ; thường xuyên phối hợp, trao đổi với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân địa phương để cùng xác định các đối tượng được trao tặng NTN, NĐĐ.
Hiện nay, việc xây dựng NTN, NĐĐ của Quân ủy Trung ương, BQP có sự phát triển mới về phương thức tổ chức thực hiện. Đây là chủ trương được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất trong phạm vi toàn quân. Bên cạnh sự hỗ trợ về kinh phí của BQP, cán bộ, sĩ quan hỗ trợ một ngày lương, nhiều đơn vị đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên đóng góp ngày công lao động, hỗ trợ thêm nguyên vật liệu xây dựng. Các đơn vị còn tích cực vận động sự ủng hộ về kinh phí của các doanh nghiệp trong và ngoài quân đội, kinh phí đóng góp của chính quyền, đoàn thể, nhân dân địa phương và từ khoản tiền tiết kiệm của các gia đình NCC...
Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, khẳng định: “Thực hiện tốt chủ trương xây NTN, NĐĐ tạo ra hiệu quả chính trị xã hội to lớn. Quá trình tổ chức thực hiện mang tính xã hội hóa cao, trở thành một giải pháp động viên, giáo dục về đạo lý "uống nước nhớ nguồn"; ý thức, trách nhiệm và tình cảm đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho cách mạng, cho quân đội của cán bộ, chiến sĩ cũng như cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương. Việc làm đó góp phần tăng cường quan hệ gắn bó, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; tăng cường các yếu tố chính trị, tinh thần đối với yêu cầu xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc…”.
THẢO NGUYÊN