Chính sách lớn, nhất quán và ưu việt
Ngày “Thương binh toàn quốc” 27-7-1947 (sau đổi thành Ngày TB-LS) ra đời khi điều kiện đất nước cực kỳ gian khó trong kháng chiến chống Pháp, đến nay đã tròn 70 năm, là minh chứng khẳng định, suốt chiều dài của sự nghiệp cách mạng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành tình cảm sâu nặng và nỗ lực không ngừng cho sự nghiệp tri ân, chăm sóc và bù đắp đối với những hy sinh, cống hiến của bao thế hệ NCC. Chính sách ưu đãi NCC với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước đặt ở vị trí quan trọng hàng đầu trong hệ thống chính sách xã hội; quá trình tổ chức thực hiện đã tạo nên sự thay đổi quan trọng trong đời sống của NCC, tạo sự phấn khởi và củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Việc tri ân NCC không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà rất cần sự chung tay góp sức của cả xã hội và cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đó cũng là nét đẹp truyền thống của dân tộc, thể hiện sự trân trọng, khắc ghi những hy sinh lớn lao cho Tổ quốc, cho sự nghiệp cách mạng của bao thế hệ NCC; trở thành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, là nghĩa cử cao đẹp của dân tộc. Mặc dù kinh tế-xã hội của đất nước còn khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, bảo đảm nguồn lực cho công tác chăm sóc NCC. Từ năm 2012 đến 2016, ngân sách Nhà nước đã cấp hơn 150 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực này. Nguồn lực chi cho ưu đãi NCC từ ngân sách là nguồn chi thường xuyên bảo đảm xã hội.
Cán bộ Tổng cục Hậu cần và Tổng công ty 28 tặng quà và nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Sơn (ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thăng Bảy
Một yếu tố không kém phần quan trọng là thông qua các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo, dạy nghề, việc làm, giảm nghèo…, đã tạo điều kiện cho NCC và gia đình họ (nhất là con của NCC) được học tập, học nghề, tạo việc làm, phát triển kinh tế, ổn định, nâng cao đời sống gia đình.
Huy động nguồn lực và sức mạnh của cả cộng đồng
Hiện cả nước vẫn còn khoảng 1,5% NCC có mức sống dưới trung bình tại khu dân cư nơi cư trú. Với mục tiêu không để hộ NCC nằm trong diện hộ nghèo, phấn đấu đến năm 2020 có 100% hộ NCC có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, thì cùng với nguồn lực của Nhà nước là chủ đạo, việc tăng cường xã hội hóa, thông qua các chương trình tình nghĩa, huy động mọi nguồn lực từ xã hội, cộng đồng cùng với Nhà nước chăm lo NCC là hết sức quan trọng.
Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các bộ, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng của nhân dân cả nước, phong trào toàn dân tham gia các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” được triển khai thực hiện sâu rộng với các chương trình: Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa”, “Nhà tình nghĩa”, “Vườn cây tình nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng... thực sự phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NCC.
Riêng trong các năm 2007-2016, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa” của các địa phương đã vận động được gần 4.125 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước với hơn 133.320 sổ, tổng kinh phí hơn 4.620 tỷ đồng. Từ nguồn xã hội hóa đã xây dựng mới hơn 104.760 nhà tình nghĩa, tổng trị giá 3.532 tỷ đồng; sửa chữa hơn 74.900 nhà tình nghĩa, tổng trị giá hơn 1.115 tỷ đồng; gần 7.350 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần để các tầng lớp nhân dân nhận thức ngày càng rõ hơn quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về NCC và trách nhiệm xã hội đối với công tác “đền ơn đáp nghĩa”; góp phần huy động được nhiều nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Thời gian tới, để phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện tốt chính sách ưu đãi NCC với cách mạng, cần tăng cường phối hợp giữa các ngành, các đoàn thể trong việc định hướng, xác định mục tiêu và nội dung các chương trình hoạt động, nhằm phát huy thế mạnh của từng ngành, từng đoàn thể. Hoàn thiện pháp luật ưu đãi NCC sẽ tăng cường hiệu quả của chế độ ưu đãi. Cùng với đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội, kết hợp với nguồn lực của Nhà nước để sớm đạt mục tiêu 100% NCC có mức sống từ trung bình trở lên.
Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác NCC với cách mạng. Đây là Chỉ thị có ý nghĩa rất quan trọng, đã đề ra đường lối chỉ đạo sâu sắc, xác định các nhiệm vụ trọng tâm và các biện pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả lĩnh vực công tác này. Thực hiện đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị số 14-CT/TW, trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị, thì công tác NCC trong thời gian tới sẽ có những yếu tố và kết quả đột phá.
NGUYỄN HOÀNG MAI, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội