Ba lần bị thương ở chiến tuyến…
“Bảy mươi mốt đến nghiêm trang như người lính/ Có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng”, vậy là tháng 8 năm 1971, chàng thanh niên 18 – Đinh Quang Thìn đã trở thành bộ đội sau khi vừa tốt nghiệp phổ thông. Quang Thìn sinh năm 1953 tại trong một gia đình Việt Kiều yêu nước. Năm 1961, gia đình theo tiếng gọi của Tổ quốc trở về cố hương và định cư ở Thái Nguyên. Ngày lên đường nhập ngũ, người cha ôm Thìn trong lòng và dặn: “Vào đơn vị đóng quân ở nhà dân hay bất cứ nơi nào, con cũng đều phải đầu tàu gương mẫu. Và cái quan trọng nhất là không được ba lô đằng sau quay (đào ngũ) để lại nỗi nhục cho dòng họ”. Hành trang ấy là sức mạnh tinh thần để cho anh vượt qua mọi ranh giới giữa cái sống và cái chết; chiến thắng sự sợ hãi và thêm lòng quyết tâm trên chiến tuyến diệt thù. Quang Thìn kể lại:
- Đầu năm 1972, sau khi huấn luyện xong đơn vị lên tàu tham gia chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Lúc đó tôi là chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Ngày 25-2, đơn vị nhận lệnh cơ động cả Trung đoàn vào cánh đồng đánh địch ở Sân Viên – Đông Dương, Thanh Hương – Đơn Quế, huyện Hải Lăng xã Điền Hương – Thừa Thiên Huế. Gần sáng bị địch phát hiện và dùng pháo ở Nam sông Mỹ Chánh và pháo hạm biển bắn vào đội hình Đại đội 1. Đơn vị Tiểu đoàn 7 ngay trận đầu ra quân đã hi sinh 10 đồng chí. Ngày 26-5, trong lúc hội ý cán bộ ở hầm trong khu nhà thờ Thanh Hương thì bị một quả pháo hạ 203mm nổ ngay cạnh hầm. Hầm cơ một cửa bị sập bịt kín. Tôi và 5 cán bộ chỉ huy khác bị sức ép làm chấn thương. 30 phút sau mọi người mới đào bới tìm thấy được.
Đại tá, CCB Đinh Quang Thìn (thứ 2 từ trái sang) cùng CCB Trung đoàn 18 trong hành trình “CCB Trung đoàn 18 tri ân về miền Trung” được tổ chức vào tháng 5 năm 2017.
Những ngày chiến đấu đầy gian nan nguy hiểm và chết chóc, nhưng Đinh Quang Thìn không nao núng tinh thần. Từ chiến sĩ anh được giao nhiệm vụ làm tiểu đội trưởng. Ngày 10-8-1972, đơn vị được lệnh vượt sông Thạch Hãn vào bổ sung cho chốt. Sáng ngày 11, địch tổ chức tấn công dữ dội hòng tái chiếm Quảng Trị. Sau khi đẩy lùi 2 đợt tiến công, địch cho xe tăng và pháo binh yểm trợ bộ binh tổ chức đợt tiến công thứ 3. Lúc đó, đồng chí Hòa chuẩn bị bắn quả đạn B40 thứ hai thì bị thương, Quang Thìn liền chộp ngay khẩu B40 nhảy ra giao thông hào bắn liên tiếp 3 quả đạn vào chỗ quân địch đông nhất. Tuy tai bị ù đầu óc choáng váng, nhưng Quang Thìn vẫn lắp quả đạn thứ 4. Vừa kê súng lên vai, chuẩn bị bắn thì một ầm một tiếng, một quả đạn M79 nổ ngay sát cạnh Thìn. Mảnh đạn văng ra ghim vào người. Máu ở mặt, tay trái chảy đầm đìa làm Thìn choáng váng ngã khụy xuống.
Sau gần 20 ngày điều trị tại bệnh xá sư đoàn, Quang Thìn tiếp tục về đơn vị chiến đấu. Tháng 8 năm 1976, Quang Thìn và đơn vị tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào. Máu của những người lính Trung đoàn 18 anh hùng lại đổ trên đất bạn. Trong cuộc hành quân truy quét bọn phu-mi phản động Lào, đồng chí Lê Lơ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 bị trúng mìn cụt hai chân. Gần 3 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc tế Trung đoàn 18 được lệnh rút về nước. Và tháng 5-1978, toàn đơn vị nhận lệnh tăng cường cho Quân khu 9 khi bọn phản động Pôn Pốt phát động chiến tranh biên giới Tây Nam. Cùng với quân, dân cả nước đánh bật bọn Pôn Pốt ra khỏi lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, Trung đoàn 18 tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia. Ngày 18-12-1980, trong lần hành quân xe từ thủ đô Phnôm-Pênh về khu đơn vị đóng quân ở tỉnh Cam-Pốt, thì tổ công tác bị địch phục kích. Cuộc chiến không cân sức nổ ra và Thượng úy, Trợ lý tác chiến của Sư đoàn 325 Đinh Quang Thìn bị địch bắn thương vào phần mềm. Sau khi điều trị, anh Thìn lại tiếp tục ở lại đơn vị tham gia chiến đấu. Năm 1986, anh cùng đơn vị rút quân về nước và được thuyên chuyển công tác về gần nhà làm cán bộ trong LLVT Quân khu 1. Anh Thìn đã sống và cống hiến theo đúng lời người cha kính yêu dạy bảo trước lúc lên đường nhập ngũ.
Trách nhiệm với đồng đội
Chiến tranh đã cướp mất đi người anh trai thứ 5 Đinh Văn Nhật, theo di nguyện của bố, mẹ, hàng chục năm trời, vừa làm việc, anh Thìn vừa đi hỏi thông tin để đưa anh Nhật về. Gần 30 năm trôi qua bước chân anh in hằn trên nhiều tỉnh, thành phố đến gặp các đồng đội của anh trai. Trời không phụ lòng người, lần theo những dòng thông tin, tháng 4 năm 2012, anh và gia đình đã tìm được anh trai ở giữa hàng trăm nấm mồ liệt sĩ tại nghĩa trang thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước và đưa hài cốt liệt sĩ về cải táng tại quê nhà. Thế mới biết, hành trình kiếm tìm hài cốt liệt sĩ đầy gian truân và vẫn còn đó hàng trăm nghìn ngôi mộ liệt sĩ khuyết danh, hàng triệu thông tin mộ chí liệt sĩ vẫn chưa được thông báo đến cho thân nhân ở quê nhà. Trong đó, có những đồng chí, đồng đội của anh đã một thời hiên ngang trên chiến tuyến và được đồng đội tiễn đưa lần cuối khi về với vòng tay đất mẹ bằng nấm mồ đắp vội. Và hàng chục năm trôi qua, những người thân của gia đình vẫn vất vả bôn ba nuôi hi vọng đưa được con em mình trở về với quê hương. Từ đó, anh Thìn ghi lại những thông tin các đồng đội đã hi sinh trong chiến tranh để gửi về cho các gia đình liệt sĩ. Không những thế bước chân anh lại in khắp miền Bắc Nam của tổ quốc trong hành trình giúp đỡ các gia đình thân nhân liệt sĩ, bằng cả con đường tâm linh lẫn tìm kiếm thông tin thực tế, để đưa liệt sĩ về quê nhà hay thắp những nén tâm nhang cho đồng đội được siêu thoát nơi chín suối. Như gia đình liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến vào tháng 12-2012 đã tìm và cất bốc hài cốt của liệt sĩ tại khu vực Vườn Trầu, huyện Hóoc Môn về cải táng tại quê hương Duy Xuyên, huyện Hà Nam. Hay liệt sĩ Vũ Văn Toàn đã được gia đình cất bốc tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về quê hương huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên…
Đại tá, CCB Đinh Quang Thìn (ngoài cùng bên phải), chỉ cho đồng đội xem biển ngày bị thương ở thành cổ Quảng Trị.
Mỗi lần nói đến một trường hợp liệt sĩ được giúp đỡ để thân nhân cất bốc cải táng tại quê nhà, đôi mắt anh Thìn ánh lên niềm hạnh phúc như chính bản thân anh và gia đình đã đưa được con em mình về trở về với quê hương sau hàng chục năm xa cách. Trao đổi với chúng tôi đến đây, Đại tá, CCB Đinh Quang Thìn thoáng đăm chiêu tâm sự: Còn nhiều trường hợp thân nhân gia đình liệt sĩ đến hỏi và nhờ tôi giúp tìm hài cốt liệt sĩ mà vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Tôi sẽ cố gắng hết mình để có giúp được càng nhiều gia đình càng tốt, để thỏa lòng mong ước và hoàn thành những di nguyện của bố mẹ, anh, chị, em liệt sĩ đang mong đợi hàng chục năm nay.
Bài, ảnh: VIỆT HÀ