Đã sắp đến ngày 27-7 nên việc đến thăm Thành cổ lại càng thêm ý nghĩa, vì thế, cái sự oi ả của mùa hè trên dải đất miền Trung với chúng tôi cũng chẳng thấm tháp gì. Trái lại, trên khuôn mặt ai cũng thấy ánh lên niềm tự hào, xúc động, nhất là khi chị hướng dẫn viên của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị bắt đầu nhỏ nhẹ giới thiệu về lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh.

Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh thời điểm đang là sinh viên năm thứ 4, Khoa Cầu hầm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tình nguyện xếp bút nghiên nhập ngũ vào chiến trường Quảng Trị, khi anh vừa cưới chị Đặng Thị Xơ, người con gái quê Thái Bình được 6 ngày. Anh đã hy sinh ngày 2-1-1973 khi đang làm nhiệm vụ. Bức thư đầy tình cảm đó được anh viết ngày 11-9-1972, trước khi anh hy sinh mấy tháng. Và trong bức thư, dường như anh dự cảm được việc mình sẽ hy sinh nên còn hướng dẫn cả người thân sau này có điều kiện sẽ đến tìm kiếm phần mộ anh ở chiến trường. Có lẽ chỉ những người chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam mới đủ bản lĩnh để làm những việc như thế. Trong cuộc chiến đấu ác liệt với kẻ thù, họ biết rất có thể mình sẽ hy sinh, nhưng vẫn vững vàng xông pha giữa chiến trường đầy bom đạn.

Tôi chợt nhớ lại, thời tôi còn là học sinh đã được nghe bố kể rằng: Vào tháng 10-1971, khi đơn vị của ông-Trung đoàn 48 (Trung đoàn Thăng Long) đang đắp đê chống lụt tại Nam Định thì nhận được lệnh hành quân gấp vào Thanh Hóa nhận nhiệm vụ huấn luyện bổ sung. Sau ít ngày thì đơn vị thần tốc hành quân vào Quảng Trị chiến đấu. Suốt từ tháng 3 (sau khi giải phóng Quảng Trị) đến giữa tháng 9-1972, trung đoàn của ông đánh liên miên hết trận này đến trận khác để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị do địch ồ ạt xua quân tái chiếm, ác liệt nhất là trong 81 ngày đêm (bắt đầu từ ngày 28-6 đến 16-9-1972). Trong 81 ngày đêm bám trụ kiên cường, chiến đấu anh dũng, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đơn vị ông đã hy sinh và bị thương, trong đó có ông. Ấy thế nhưng họ vẫn trụ vững dưới mưa bom bão đạn của quân thù. Có lẽ vì thế nên đến tháng 12-1972, Trung đoàn 48 được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân và được mang danh là Trung đoàn Thạch Hãn.

Bố tôi bảo ở Trung đoàn 48 khi ấy có những gương chiến đấu mà đến giờ ông vẫn nhớ như in. Trường hợp thứ nhất là bác Mai Ngọc Thoảng, quê ở Thạch Thành, Thanh Hóa. Bác với bố tôi cùng nhập ngũ tháng 1-1971. Khi vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, bác Thoảng là Tiểu đội trưởng thông tin hữu tuyến. Một hôm bom đạn bời bời, hệ thống thông tin liên lạc đi các hướng bỗng dưng ngừng bặt. Lúc này, máy bay B-52 của địch bắn phá rất ác liệt. Nước sông Thạch Hãn dựng thành những cột lớn. Nhiều chiến sĩ trúng bom, máu đã nhuộm đỏ cả một quãng sông. Quyết nối thông đường dây trong thời gian ngắn nhất, bác Thoảng đã lần theo đường dây và lao ra giữa dòng Thạch Hãn nối dây trong khi bom đạn nổ từng chặp tứ phía. Sau đợt chiến đấu bảo vệ Thành cổ, bác Thoảng được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.

Trường hợp thứ hai là bác Lang Sỹ Thủy. Bác Thủy là người dân tộc Thái ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Khi chiến đấu giải phóng tỉnh Quảng Trị (cuối tháng 4-1972) thì bác Thủy bị thương và được đưa ra tuyến sau điều trị, sau đó được xuất ngũ về quê hương. Trong khoảng thời gian này, bác Thủy cưới vợ, nhưng vừa được mấy ngày thì bác viết một bức thư để lại cho người vợ trẻ, dặn dò mọi việc rồi lẳng lặng khoác ba lô trở lại chiến trường với lý do: "Ở Quảng Trị còn có những đồng đội của anh đang chiến đấu ngày đêm và anh cần phải chia sẻ sự hy sinh gian khổ đó...". Bác Thủy lên cơ quan chị gái, khi ấy đang công tác tại UBND huyện Như Xuân, mượn chiếc xe đạp và đạp thẳng vào chiến trường. Phải mất hơn một tuần, vượt sông Bến Hải, rồi qua sông Thạch Hãn, bác Thủy mới vào tới đơn vị. Gặp lại đồng đội, bác mừng khôn kể, còn đồng chí, đồng đội thì rất xúc động, bởi trong hoàn cảnh sự sống, cái chết chỉ trong gang tấc vẫn có những con người như bác Thủy, dám từ bỏ cuộc sống yên bình hạnh phúc ở quê hương, tiếp tục bước vào chiến trận. Bác Thủy trở lại như một nguồn sức mạnh để mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tiếp tục kiên cường chiến đấu với quyết tâm không gì lay chuyển nổi và đã bật thành khẩu hiệu “Quang Sơn còn, Quảng Trị còn”. Sau mấy tháng chiến đấu ròng rã, tháng 12-1972, trong một trận đánh địch tái chiếm khu vực Cửa Việt, bác Lang Sỹ Thủy đã anh dũng hy sinh, để lại bố mẹ già và người vợ trẻ đang ngóng chờ bác trở về như lời bác hứa trong bức thư trước lúc trở lại chiến trường...

Một ngày thăm Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi như được sống lại thời khắc oanh liệt của những người lính Trung đoàn 48. Trong lửa đạn của kẻ thù lại sáng ngời những tấm gương kiên trung, anh dũng, chí nghĩa chí tình. Những tấm gương ấy hơn ngàn vạn lời diễn thuyết, và chính họ đã nhắc nhớ chúng tôi-thế hệ trẻ hôm nay càng phải sống, cống hiến sao cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh.

Ghi chép của ĐỖ NGỌC BÌNH