Những cứ điểm khống chế con đường huyết mạch giao thông từ Nam ra Bắc do lính tiểu đoàn "Trâu Điên" chốt giữ. "Trâu Điên" là biệt hiệu của đơn vị lính Việt Nam cộng hòa nổi tiếng hung bạo và tàn ác. Do địa hình hiểm trở, làng mạc dân cư khu vực diễn ra trận chiến tương đối đông đúc, lại trong vùng kiểm soát của địch nên diễn biến trận chiến đấu rất gay go và ác liệt. Ta và địch tranh nhau từng quả đồi, từng xóm nhỏ dọc ven quốc lộ.
Đêm ấy, khoảng hai giờ sáng, chúng tôi mới hành quân xuống giáp ranh. Đêm tối như bưng, thỉnh thoảng pháo địch bắn mới lộ ra vệt mòn bộ đội ta đi. Các đơn vị chiến đấu ở các hướng đã ém quân xuống từ trước. Qua nửa đêm, anh Hân-Chính trị viên tiểu đoàn và trinh sát xuống các vị trí để kiểm tra. Đi trước là Tiến (Hà Nội) và Hiền (Nghệ An) trinh sát, cách một đoạn là Son (Vĩnh Phúc), anh Hân và tôi đi sau cùng. Vừa đi vừa tránh pháo, chúng tôi dò dẫm trong rừng, thường lợi dụng ánh pháo sáng để mò lối đi. Đang đi dò dẫm thì Hiền quay lại, Hiền nói phân chim rơi vào đầu và mũi súng của anh. Nghe vậy, dường như anh Hân linh cảm được điều gì đó, anh bảo tôi và Son dừng lại để Tiến và Hiền trinh sát đường phía trước. Ba anh em chúng tôi nép vào lối mòn, ép xuống mặt đất, chỉ nghe bước chân rất khẽ của hai người lính trinh sát trong rừng đêm. Bỗng một tiếng nổ, lóe lên một màn sáng như quét trên mặt đất, không phải là tiếng nổ của pháo, tiếng nổ của mìn định hướng! Sau tiếng nổ là tiếng súng AR15, tiếng đại liên xả như mưa về hướng tiếng nổ. Một lúc, bộ đội ta báo trinh sát đạp phải mìn định hướng clây-mo, Tiến hy sinh tại chỗ, Hiền bị thương nặng. Mặc dù đã bị lộ hướng tiến công nhưng các hướng vẫn im lặng, bí mật không nổ súng. Tuy nhiên, địch đã cảnh giác và tăng cường đưa lính nống rộng ra ngoài các điểm chốt, để phát hiện và ngăn chặn từ xa.
Sau sự kiện ấy, anh Hân bảo tôi quay lại báo cáo tình hình với anh Trợi-Chính trị viên phó tiểu đoàn đang chỉ huy lực lượng dự bị tuyến hai, anh Hân cùng Son và một chiến sĩ trinh sát vừa chuyển Hiền về tiếp tục xuống vị trí bộ đội ta đang chiếm lĩnh trận địa. Tôi xốc lại khẩu súng AK báng gấp và thắt chặt dây lưng quay lại lối mòn cũ. Vừa mò mẫm vừa tìm lối đi, có nhiều đoạn đường pháo địch bắn cây lá ngổn ngang lấp kín lối đi. Thỉnh thoảng ánh pháo sáng địch lại bắn, lại mò mẫm trong ánh đèn vàng nhợt để tìm lối, không biết mình đang đi hay đang bơi trong màu vàng nhợt nhạt ấy. Bỗng nhiên pháo, súng các loại bắn dồn dập vào sườn rừng chúng tôi vừa đi qua. Hình như địch vừa phát hiện được lực lượng lớn của ta đang chuẩn bị tiến công xuống các làng bị tạm chiếm. Tôi nằm bẹp xuống sau mỗi loạt pháo, đất đá rơi ào ào trên lưng, trên mũ tai bèo. Sau mỗi lần pháo dừng, tôi căng mắt trong đêm đen để tìm một hốc đá, một thân cây tránh pháo. Tôi chợt phát hiện ra một ngôi miếu nhỏ và bò vào. Trong ánh chớp của đạn pháo và pháo sáng, tôi vẫn nhận ra mùi ẩm mốc rêu phong, lạnh lẽo. Hai bên bức tường nhỏ của miếu có hai ông tượng thần cầm giáo đứng canh, trong khuôn miếu chật hẹp, trên bệ thờ có một bát hương lâu ngày không có người chăm sóc, hương khói. Tôi nép vào bức tường chật hẹp của ngôi miếu, pháo địch bắn như mưa hết đợt này đến đợt khác, nhưng không có quả nào rơi trúng hoặc rơi gần miếu… Đêm ấy, tôi mò mẫm gần sáng mới về đến vị trí chỉ huy của anh Trợi. Đó cũng là lúc các hướng tiến công của ta bắt đầu nổ súng.
Suốt một ngày chiến đấu, hai bên giành giật nhau từng ngọn đồi, từng xóm nhỏ. Đêm đến, bộ đội ta chuyển thương binh, liệt sĩ về hậu cứ phía sau tôi mới biết Hiền đã hy sinh. Khi Hiền bị thương nặng, tôi đã nghĩ điều không may sẽ đến với anh, thế mà khi biết anh hy sinh rồi lòng tôi vẫn thắt lại. Tự nhiên tôi nhớ về quê hương tôi, những ngày Hiền về quê nhận quân, những tình cảm của Hiền với người và đất quê tôi. Trên đường hành quân vào Nam, suốt dọc Trường Sơn, mỗi khi ngồi với Hiền, tôi và anh lại nhắc đến quê tôi, về những kỷ niệm với một cô thôn nữ anh bất chợt có được mặc dù chỉ là thoáng qua, chỉ là ngắn ngủi. Nhưng với người lính thế cũng là đủ, ở tuổi đôi mươi giữa chiến trường, nhiều người lính trẻ ngã xuống vẫn chưa một lần được gọi thân yêu tên một người con gái…
Khi chiếm được cái xóm nhỏ nằm sát Quốc lộ 1 ấy, tôi mới biết người đặt mìn định hướng khiến Tiến, Hiền hy sinh lại là cô con gái và ông bố người Quỳnh Lưu đã di cư vào Nam năm 1954. Ông già hơn bảy mươi tuổi và cô con gái, khi bộ đội ta chiếm được xóm nhỏ ấy không chạy trốn mà vẫn ở lại. Ông nói, lính bảo an đưa cho ông quả mìn phát sáng đã cài sẵn và bảo ông chôn xuống lối mòn bên kia quốc lộ, Việt cộng đạp vào mìn sẽ bật sáng báo hiệu cho bố con ông nhấn điện mìn định hướng. Nhưng mìn nổ ông lại không chạy trốn, ông nói ông già rồi, Việt cộng giết chết cũng được, còn cô con gái thấy bố ở lại cũng không bỏ bố. Sau đó, cô ta lại hằng ngày chăm sóc thương binh của ta được đưa về trong một căn nhà vô chủ.
Trận chiến đấu ấy giằng co quyết liệt, lực lượng ta mỏng, không cân sức lại bị tổn thất nhiều. Sau vài ngày, tiểu đoàn có lệnh rút lên rừng để chuyển hướng nhiệm vụ; Đại đội 2 do Đại đội trưởng Oanh chỉ huy bị địch bao vây đã quyết tâm mở “đường máu”...
Hơn bốn mươi năm qua đi, hôm nay giở lại trang nhật ký, tôi bắt gặp dòng chữ của Hiền: “Quê mình Diễn Phúc, Diễn Châu, Nghệ Tĩnh”. Năm tháng qua đi, màu mực Cửu Long vẫn không hề phai nhạt.
Thiếu tướng HỒ ANH THẮNG, nguyên Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân