Sau đợt một Mậu Thân năm 1968, Trung đoàn 88 chúng tôi lui về Thanh An, Bến Cát để củng cố lại lực lượng, bổ sung quân lương chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo.
Ngày 3-4-1968, tôi cùng đơn vị áp sát khu vực Bến Súc, mạn bờ bắc sông Sài Gòn chuẩn bị cho chuyến vượt sông sang đất Củ Chi. Dẫn đường cho đơn vị là một tổ du kích, tuổi đời chừng mười lăm, mười sáu. Địa bàn hoạt động của Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 thuộc Trung đoàn tôi là xã Tân Thạnh Đông, có nhiệm vụ phục kích, chặn diệt bộ binh và cơ giới địch từ căn cứ Đồng Dù nống ra càn quét. Đêm tối, địa bàn mới lại không vật che khuất, ruộng vườn xung quanh bị bom đạn địch phạt ngang gần như trống trơn, vì thế đội hình hành quân của đơn vị nhiều lúc bị cắt đứt, nhưng mò mẫm mãi cuối cùng chúng tôi cũng đến được vị trí tập kết.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (người đứng ngoài cùng bên tay trái) thường xuyên vận động tặng quà hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam.
Qua hơn một ngày đêm chờ đợi, đến ngày 5-4 có lệnh chuẩn bị tác chiến. Tôi cùng đồng đội chui lên khỏi hầm nghe ngóng. Đêm hạ tuần, vùng ven Củ Chi trời tối đen như mực. Trên đường đến nơi bố trí trận địa của đơn vị chừng hai cây số, chúng tôi bị pháo từ căn cứ Đồng Dù bắn ra tới tấp. Đang đi, tôi bỗng nghe có tiếng ai gọi giật giọng từ phía sau:
- Bị rồi, bị rồi các chú ơi!
Tôi quay lại thì thấy một em du kích lớn tuổi nhất trong tổ, nói như ra lệnh:
- Mọi người cứ đưa các chú đến cho kịp, còn thương binh để tui lo.
Tôi lại gần hỏi:
- Em nhỏ thế này có khiêng nổi không?
- Không sao chú!
Trong trận bị pháo kích của địch đêm hôm ấy, trung đội tôi hy sinh một, bị thương 5. Người hy sinh là Nguyễn Văn Cơ, quê ở Hà Nam. Anh bị một mảnh đạn pháo găm vào ngực xuyên thấu phổi. Máu từ ngực anh qua mấy lớp vải băng cứ ục ra thấm đỏ cả vùng bụng. Biết không thể sống được, trước lúc trút hơi thở cuối cùng, anh móc từ trong túi ra một gói ni lông nhỏ, mắt cứ nhìn tôi chằm chằm như ẩn chứa một điều gì thiêng liêng, cao quý. Hai tay anh cố đưa gói ni lông lên ngực. Hiểu ý Cơ, tôi ghé sát tai vào miệng anh, trong hơi thở gấp gáp, anh thều thào: Mẹ tôi… mẹ tôi… đưa về ! Cơ nói không hết câu thì khuôn mặt anh đột nhiên biến sắc, đôi mắt cũng từ từ khép lại. Tất cả chúng tôi lòng như quặn lại. Sau đó, thi hài anh được mấy du kích quấn lại trong chiếc võng. Bỗng một du kích giương khẩu AR-15 chĩa thẳng lên trời bóp cò. Hai… rồi ba loạt đạn vang lên khô khốc. Khoảng vài phút sau đã có một tốp 4 du kích xuất hiện đến đưa anh đi. Mấy du kích còn cẩn thận nhắc chúng tôi ghi rõ họ tên, quê quán, đơn vị của Cơ để sau này đến ngày hòa bình người thân của anh ở ngoài Bắc vào biết mà tìm.
Khoảng 3 giờ sáng hôm sau đơn vị tôi cũng đến được vị trí quy định. Vừa tới nơi, chúng tôi bắt tay ngay vào củng cố trận địa. Đến mờ sáng thì công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Sau những phút hiếm hoi im lặng, khoảng 8 giờ sáng bỗng có chiếc IL-19 bay ngang qua. Chừng 5 phút sau hai chiếc trực thăng loại cá lẹp vừa bay vừa bắn như vãi đạn xuống các điểm mà chúng khả nghi. Khói, lửa bốc lên mù mịt. Linh tính và kinh nghiệm chiến trường tôi biết là sắp phải đụng với địch rồi. Quả không sai! Chỉ một lát sau từ trong hầm, tôi đã nghe có tiếng xích sắt cùng với tiếng động cơ xe tăng từ xa vọng lại mỗi lúc một gần. Tôi thít chặt dây đai thắt lưng, kiểm tra lại cơ số đạn, buộc chắc hơn con dao găm cùng túi cứu thương và mấy thứ cho gọn. Liếc mắt về phía sau, thấy anh em ai nấy cũng đã sẵn sàng.
Đến khoảng 10 giờ sáng, lực lượng chặn đầu của Tiểu đoàn 8 bên kia đường nổ súng. Tiếp theo những đợt oanh kích của máy bay địch là phi pháo cùng với hơn chục chiếc tăng và bộ binh Mỹ đang lù lù tiến vào đội hình của Đại đội 1, Tiểu đoàn 7. Từ vị trí chỉ huy, pháo lệnh của Tiểu đoàn trưởng Cận vút lên không trung. Theo hiệu lệnh, chúng tôi nhanh chóng bật lên khỏi công sự lao thẳng vào quân địch. Bị đánh bất ngờ, chúng không còn giữ được đội hình, cả xe tăng và bộ binh Mỹ bắn như vãi đạn ra tứ phía. Tiếng súng hai bên bắt đầu rộ lên dữ dội. Tiếng đồng thanh xung phong của chiến sĩ ta vang dậy cả một góc trời. Những quả đạn chống tăng bay thẳng vào những chiếc M-41 đang nháo nhào tháo chạy. Thế nhưng, từ góc trái của đội hình đơn vị xuất hiện một, rồi hai, ba xe tăng nữa, theo sau là một tốp lính Mỹ với ý đồ dồn quân để tập trung phản kích phá vây. Biết được ý định của địch, tôi xoáy lại quả đạn B-41 cho chắc thêm, kiểm tra thước ngắm và lấy lại tư thế bắn, rồi bình tĩnh bặm môi siết cò. Một luồng lửa phóng thẳng vào chiếc xe tăng địch nằm chính giữa đội hình. Sau ánh chớp xanh lè, chiếc xe khựng lại, rung lên, tiếp theo là một tiếng nổ long óc. Cả khối thép bỗng trở thành đống lửa ngùn ngụt. Bên cạnh là tiếng la hét của những tên Mỹ bị thương. Thừa thắng xông lên, tôi và đơn vị lao vào đánh giáp lá cà với địch. Cả trận địa mịt mù trong khói lửa. Bị bất ngờ đánh thọc sườn, địch trở tay không kịp. Quá hốt hoảng lại bị diệt đến 5 xe nên còn lại phải tháo chạy sang bên kia lộ lớn. Đơn vị tiếp tục truy kích, còn tôi bị thương vào đầu, nên nằm lại gần một chiếc tăng đang cháy nham nhở. Trong lúc mê man, tôi nghe như có ai đó gọi tên mình. Há miệng định kêu lên, nhưng rồi hai thái dương đau nhói, cuống họng khô rát, khát nước vô cùng. Tôi cố hết sức trở mình sang một bên và căng mắt nhìn qua lớp khói bao quanh thì bỗng thấy từ phía trước một bóng đen loạng choạng lao tới.
- Tám, Tám đó phải không ?
Đúng là tiếng anh Mão trung đội trưởng rồi. Có lẽ trong khi truy kích địch thấy thiếu tôi nên anh mới quay lại tìm và đã bị thương. Tôi như không còn tin vào mắt mình nữa, khắp ngực anh máu ra nhiều quá. Một lỗ thủng của loại đạn nhọn từ phía sau xuyên ra trước ngực. Bông băng cứu thương đã hết, áo quần dính đầy cát bụi. Buông tôi ra, anh móc trong túi cá nhân của mình đưa cho tôi gói lương khô và chiếc bi đông chỉ còn ít nước. Chúng tôi uống mỗi người một hớp, và như được tăng thêm sinh lực. Anh bảo tôi:
- Súng đạn đây, nếu còn sống về giao lại cho đơn vị.
Nói rồi anh vòng tay ra sau vai cố tháo sợi dây súng và băng đạn AK ra khỏi người. Khẩu súng vừa chuyển qua cho tôi thì cũng là lúc sức anh cạn kiệt, mắt từ từ nhắm lại trút hơi thở cuối cùng ngay trên cánh tay tôi. Mặc dù bị thương nặng trên đầu, nhưng tôi vẫn cố lê từng bước nhọc nhằn giữa những khoảng trống đã bị bom, đạn cày xới còn khét mùi thuốc súng. Tôi cố định vị, nhắm hướng tìm về căn cứ với mong muốn may ra gặp được du kích. Vừa bị thương lại phải cùng lúc mang hai khẩu súng và thi thể anh Mão nên tôi đã ngất đi lúc nào không biết. Sau này nghe mọi người kể lại là khi thu dọn chiến trường, du kích đã phát hiện ra tôi và anh Mão nằm kẹp lấy nhau như hai người đang ngủ. Du kích đưa tôi về trạm cấp cứu, đến nửa đêm hôm sau thấy người khá hơn, tỉnh dậy tôi liền xin về đơn vị để giao lại khẩu súng cho anh Sinh - Chính trị phó viên tiểu đoàn, rồi mói quay trở lại Trạm quân y ở Thanh An, Bến Cát. Sau hơn 2 tháng điều trị vết thương đã lành, tôi được trở về đơn vị cũ tiếp tục chiến đấu…
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, không ít lần tôi về thăm quê hoặc ra Hà Nội công tác. Dù công việc bận đến mấy tôi vẫn không quên về Hà Nam,Vĩnh Phúc với mong muốn tìm gặp được người thân của anh Cơ, anh Mão để trao lại kỷ vật và kể lại những kỷ niệm cuối cùng với các anh, nhưng lần nào cũng vô vọng. Hằng năm, mỗi khi tháng Bảy về, nhiều đêm tôi không ngủ, trằn trọc miên man nhớ về năm tháng ở vùng đất Củ Chi, nơi có những đồng đội tôi đã mãi mãi nằm lại trên chiến trường.
HỮU MẠO
(Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 88, nguyên Phó tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân khu 7, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/ đi-ô-xin TP Hồ Chí Minh )