Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu. Cùng dự có các đồng chí: Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội Trung ương, địa phương và thành phố Hà Nội.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi lẵng hoa chúc mừng.
70 năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện đền ơn đáp nghĩa đối với NCC và thân nhân của NCC với cách mạng. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chính sách ưu đãi NCC càng được đặc biệt quan tâm, xã hội hóa sâu rộng. Đây cũng là một vấn đề chính trị - xã hội được ghi nhận trang trọng ở các Nghị quyết Đại hội của Đảng. Nghĩa cử cao đẹp, tình thương yêu bao la của Bác Hồ đối với thương binh - liệt sĩ, chủ trương đường lối của Đảng được thấm nhuần, chuyển tải trong hệ thống pháp luật ưu đãi NCC. Ưu đãi NCC với cách mạng là nguyên tắc Hiến định ghi nhận ở Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong thời kỳ đổi mới, năm 1994 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng. Qua quá trình thực hiện, đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng. Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng ta xác định: “Không chờ kinh tế phát triển cao mới giải quyết các vấn đề xã hội mà ngay trong từng bước, trong suốt quá trình phát triển tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội”. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc NCC trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, kết hợp với nguồn lực nhà nước, đảm bảo NCC có mức sống trung bình trở lên”. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi NCC đang từng bước hoàn thiện. Việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách thể hiện sự nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước đối với người đã cống hiến hy sinh cho Tổ quốc.
Người có công tiêu biểu tham gia giao lưu tại lễ tuyên dương.
Đến nay, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu lượt NCC, trong đó trên 1,4 triệu NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Đã phong tặng, truy tặng trên 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 780 nghìn thương binh; 185 nghìn bệnh binh; 1.253 Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; 101.128 NCC giúp đỡ cách mạng; trên 300 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học; hơn 4 triệu người hoạt động kháng chiến được khen tặng huân, huy chương kháng chiến.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Thực hiện đền ơn đáp nghĩa đối với người và gia đình có công với cách mạng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đây là hoạt động thường xuyên trong đời sống kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước, là nét đẹp văn hóa ở thời đại Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng phát huy cao độ truyền thống đạo lý nghìn năm của cha ông. Nhưng đối với những NCC luôn mang trong mình phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”, giàu tinh thần gương mẫu, tính tích cực tiên phong, sẵn sàng cống hiến, sáng tạo, hy sinh vì đất nước, nhiều người và gia đình có công với cách mạng nỗ lực phấn đấu, đạp bằng trở ngại khó khăn, tiếp tục hăng say, cống hiến, đóng góp trong học tập, lao động sản xuất, trong lãnh đạo quản lý, trong khoa học kỹ thuật, góp phần xây dựng quê hương đất nước, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Trong cuộc sống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay xuất hiện hàng trăm, hàng nghìn tấm gương xuất sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ không chỉ là những chiến sĩ quả cảm, kiên cường trong chiến đấu hôm qua mà còn là chiến sĩ tiên phong trong trận chiến chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, sáng tạo, giỏi giang trong quản lý, trong phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay.
Về dự Hội nghị biểu dương NCC với cách mạng tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ có 700 đại biểu là Bà mẹ Việt nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và NCC tiêu biểu đại diện cho hàng triệu người có công trên khắp mọi miền đất nước, đó là những bông hoa tươi thắm trong rừng hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn, những cản trở về thương tật, bệnh tật, tuổi cao sức yếu, nhưng với ý trí và nghị lực của mình, nhiều anh chị em thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, NCC với cách mạng đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong lao động sản xuất, trong học tập, công tác, tiếp tục có những công hiến, đóng góp cho quê hương đất nước, tiếp tục phát huy những phẩm chất cao đẹp và nêu gương sáng cho mọi người học tập và noi theo. Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng và NCC với cách mạng được biểu dương tại hội nghị hôm nay chính là những tấm gương tiêu biểu đó.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen tặng NCC.
Mọi người vô cùng xúc động và tự hào về thương binh 2/4 Phạm Thanh Xuân, sinh năm 1950 hiện thường trú tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Nhập ngũ năm 1971 chiến đấu quả cảm tại chiến trường Tây Nguyên và bị thương nặng. Trở về với cuộc sống đời thường gia đình anh đối mặt với đói nghèo và những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Không ngại khó khăn gian khổ, với phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cao, chọn nghề nuôi ong mật với 20 đàn ong nội, sản phẩm duy nhất là mật ong, năng suất 100kg/năm, anh quyết tâm nghiên cứu, học hỏi, động viên gia đình, đồng đội và người lao động đưa đàn ong ngoại (ong Italia) nuôi thay thế đàn ong nội. Số lượng tăng dần lên trên 700 đàn, sản lượng nâng dần lên hàng chục tấn mật ong. Địa bàn hoạt động của công ty rộng khắp các vùng Tây bắc, Đồng bằng Sông Hồng và Tây Nguyên. Thu nhập mỗi năm hàng chục tỷ đồng, một phần trong đó anh đóng góp cho các hoạt động xã từ thiện, xã hội, chăm sóc NCC
Không thể nói hết gian truân, thác ghềnh, không ít mồ hôi và nước mắt mà tập thể thương binh và bệnh binh - những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” của công ty Bao bì 27-7 Hà Nội đứng đầu là thương binh nặng Lê Hồng Quang đã vượt qua.
Năm 1993, vốn ban đầu 190 triệu đồng, mấy chục máy cũ kỹ lạc hậu với hàng trăm lao động thiếu công ăn việc làm, phải cạnh tranh khốc liệt với thị trường trong khi lao động mang thương tật, bệnh tật, sức khỏe không được trọn vẹn, tay nghề công nghệ sản xuất thì lại lạc hậu, sản phẩm làm ra ứ đọng. Đơn vị đối mặt với biết bao khốn khó, lao đao, cấp bách đòi hỏi sự đổi mới, phát triển sản xuất kinh doanh. Ngược xuôi tín chấp vay nợ, tạo vốn mua dây chuyền sản xuất hiện đại, cử cán bộ công nhân ra nước ngoài học tập, tiếp thu công nghệ mới; khôi phục, cải tạo cơ sở sản xuất cũ đề không ngừng tăng trưởng sản xuất, kinh doanh tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường làm ra những sản phẩm thân thiện với môi trường để xuất khẩu. Qua biết bao thử thách sóng gió, trong vòng 12 năm doanh thu của đơn vị tăng 850%, lợi nhuận tăng 900%, nộp ngân sách tăng 558%. Năm 1997, công ty được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Năm 2010, binh nặng Lê Hồng Quang được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Ở thành phố Cảng Hải phòng có một con người đã trở thành niềm tin yêu, niềm tự hào của những cựu chiến binh và thương bệnh binh - thương binh nặng Trần Hồng Quảng. Trong thời kỳ bao cấp, nhiều anh chị em thương binh, bệnh binh, gia đình cựu chiến binh gặp không ít khó khăn trong đời sống, có người có cuộc sống đói nghèo. Trần Hồng Quảng cùng một số anh chị em thương, bệnh binh thành lập Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh. Họ đi lên từ hai bàn tay trắng nhưng đến nay với hàng nghìn lao động với nhiều ngành nghề sản xuất khác nhau như sản xuất xi măng; nuôi trồng thủy sản; chế biến thức ăn chăn nuôi công nghệ cao; kinh doanh vận tải... Tập thể thương binh Quang Minh vững vàng là con tàu ra khơi trong buổi bình minh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2005 thương binh Trần Hồng Quảng được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Tự hào với những thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong công tác chăm sóc NCC; tự hào với những tấm gương tiêu biểu của hàng triệu NCC với cách mạng nhưng cũng nhận thấy hiện nay công tác chăm sóc NCC, động viên giúp đỡ NCC vươn lên trong cuộc sống vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục. Một bộ phận NCC hiện nay đời sống còn gặp khó khăn. Việc chăm lo cho đối tượng chính sách khi suy yếu về sức khỏe, tuổi cao sức yếu, thương tật, bệnh tật, di chứng của chiến tranh hành hạ cũng cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Việc hỗ trợ nhà ở cho NCC còn khó khăn về nhà ở; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; công tác giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương bệnh binh nặng; chế độ trợ cấp ưu đãi cho NCC cũng cần được sự quan tâm của Nhà nước và của toàn xã hội...
Có thể khẳng định: Ưu đãi NCC với cách mạng là trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, gắn liền với tiến trình lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ hôm nay vô cùng biết ơn và tự hào về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh, chị, em thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC đã phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu vươn lên, góp phần làm giàu quê hương đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của Đảng, của dân.
Tại Lễ biểu dương, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho 70 NCC tiêu biểu.
TRỊNH DŨNG