Huyện đảo Côn Đảo với quần thể 16 hòn đảo thuộc bờ biển Nam Bộ nước ta. Du khách thập phương đã ví Côn Đảo như “hòn ngọc” của biển Đông với hệ sinh thái đặc sắc hiếm có trên thế giới. Nhưng lịch sử lại gọi tên nơi đây là “địa ngục trần gian” bởi những tội ác chiến tranh do kẻ địch gây ra cho chiến sĩ, đồng bào yêu nước. Những di tích gắn liền với một thời đau thương của dân tộc như: Hệ thống nhà tù thực dân tàn độc; Cầu Ma Thiên Lãnh, Cầu tàu 914 - nơi mỗi viên đá gối lên một thân tù; hay Nghĩa trang Hàng Dương trang nghiêm, 2 vạn người con kiên cường, bất khuất của Tổ quốc lặng lẽ yên nghỉ… vẫn còn đó.
Du khách viếng mộ chị Võ Thi Sáu.
Đêm về khuya, khi từng đoàn thuyền ngư dân rẽ sóng ra khơi đánh bắt thủy sản cũng là lúc Nghĩa trang Hàng Dương dồn dập bước chân những người tìm về tri ân các anh hùng liệt sĩ. Anh Nguyễn Văn Hạnh (40 tuổi), người dân sinh ra và lớn lên trên đảo cho biết: “Văn hóa đi lễ ở nghĩa trang Hàng Dương vào nửa đêm bắt nguồn từ thời kỳ đô hộ của đế quốc thực dân. Viếng mộ tử tù cách mạng bị kẻ thù cho là hành động chống phá. Nếu chúng bắt gặp sẽ bị đánh đập dã man, lấy cớ giết hại, nên nhân dân ta phải chờ đến khuya vắng để thăm viếng đồng đội, chiến sĩ”. Từ đó đến nay, hành trình tưởng niệm, tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương về đêm đã trở thành nét văn hóa đặc trưng đi sâu vào đời sống của người dân bản xứ, tạo sự độc đáo cho du lịch tâm linh Côn Đảo.
Khuôn viên nơi Anh hùng LLVT nhân dân Võ Thị Sáu an nghỉ, hàng đoàn người lặng lẽ đến viếng, thành kính dâng những nén nhang, đóa hoa trắng tinh khôi tưởng nhớ người con gái Đất Đỏ. Người con gái mới 16 tuổi can trường mà lẫm liệt, cách cửa tử mong manh như sợi chỉ vẫn hô vang: “Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!” trở thành huyền thoại thiêng liêng gắn liền với đất trời Côn Đảo. Và còn nhiều, nhiều lắm những tấm gương thanh thiếu niên như chị Sáu nguyện hy sinh vì tự do của đất nước.
Ngày nay, ở độ tuổi ấy, thế hệ trẻ Việt Nam đang được sống trong hòa bình với đời sống ngày càng được nâng cao và tốt đẹp hơn; được dạy và học về những tấm gương kiên trung để hiểu giá trị cốt lõi của sự bình yên, độc lập, tự chủ đang có.
Nơi tôi đang đứng, bình yên được đánh đổi bằng tuổi trẻ của lớp lớp thanh niên thời kỳ kháng chiến gian nan. Vinh quang của thế hệ trẻ hôm nay đánh đổi bằng đau thương của thế hệ cha ông đi trước, vậy mới nói có bình yên nào mà không xót xa. Xung quanh tôi không ai bảo ai, người đứng nghiêm trang, người khẽ đặt tay lên ngực, bao con dân Tổ quốc Việt Nam cùng đồng thanh hát: “Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng trọn cuộc đời, để chiến đấu với bao niềm tin. Dù chết vẫn không lùi bước…”. Lời ca bài “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” hòa quyện cùng lòng biết ơn vô tận sẽ còn mãi ngân vang từ thế này đến thế hệ khác.
NGỌC MIÊN