Vinh dự và tình cảm đặc biệt!
Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức (từ tháng 7-2016 đến tháng 7-2017) đã khép lại vào trung tuần tháng Bảy vừa qua. Đến giờ tôi vẫn chưa quên cảm giác háo hức đón chờ kết quả từng kỳ thi (2 tuần/kỳ) và đặc biệt là phút giây được lên sân khấu nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi.
Nhiều người quen cùng công tác với tôi bảo: “Chị suốt ngày viết về thương binh, liệt sĩ nên đoạt giải là đúng rồi!”. Nhưng “người trong cuộc” mới hiểu, không đơn giản như vậy. Cuộc thi đã thu hút rất đông người tham gia, thuộc nhiều thế hệ, ngành nghề, lĩnh vực công tác. Con số hơn 60.000 bài dự thi là một minh chứng, trong đó “ưu thế” thuộc về các cựu chiến binh (CCB), những người đã đi qua chiến tranh, có nhiều kỷ niệm về trận mạc, về đồng đội. Đặc biệt, nhiều tư liệu do các CCB cung cấp là những thông tin rất có giá trị trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Ở kỳ thi thứ 14, với câu hỏi tự luận “Đã có rất nhiều chàng trai, cô gái hy sinh tất cả để được yêu, để được sống với người yêu của mình là những liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Họ đã hiến dâng trọn đời mình cho tình yêu và cho người mình yêu. Cảm nhận của bạn về một mối tình như vậy mà bạn biết?”, tôi đã viết về bà Mai Thị Mão (ở ngõ 739, phố Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Bà từng là người yêu, vợ chưa cưới của liệt sĩ Mai Huy Hoàn. Hơn 50 năm qua, bà Mão không lấy chồng, ở vậy với một tình yêu khắc khoải. Bà xin nghỉ hưu sớm, dành tới 11 năm với 5 chuyến đi vào Quảng Nam tìm hài cốt của người yêu. Không đủ tiền tàu xe, bà mở quán nước ở đầu ngõ, khi tích lũy tạm đủ tiền là lại đi. Có chuyến bà ở lại tìm kiếm hàng chục ngày liền. Cuối cùng, bà đã tìm được hài cốt của người yêu, đưa về quê ở Thái Bình. Hài cốt gói trong ba lô, nhưng bà mua nguyên một vé ghế ngồi, bởi theo bà, “anh ấy phải trở về đàng hoàng như ngày ra đi!”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, cùng Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trao giải nhất của Cuộc thi tặng tác giả Hồng Vân và chúc mừng các tập thể, cá nhân đoạt giải. Ảnh: NGUYỄN TUẤN HUY
Tôi vô cùng hạnh phúc khi tác phẩm dự thi của mình đã vượt qua khuôn khổ cuộc thi. Tại đêm giao lưu nghệ thuật “Đất nước vẹn tròn ân nghĩa” và tổng kết trao giải cuộc thi (do Báo
Quân đội nhân dân
phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức), nhân vật trong tác phẩm của tôi đã được làm phóng sự, chiếu trong buổi lễ. Bà Mão được mời đến dự. Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo
Quân đội nhân dân
đã tặng bà món quà ý nghĩa. Bà cũng được mời tới dự cuộc tọa đàm “Tri ân những người con trung hiếu”, do Báo
Quân đội nhân dân
tổ chức ngày 17-7. Chân thành cảm ơn Ban tổ chức cuộc thi đã dành cho người viết và nhân vật của mình niềm vinh dự lớn và tình cảm đặc biệt như thế!
HỒNG VÂN
Cuộc thi vẹn tròn ân nghĩa
Tháng 7-2016, tôi đọc được thông tin về Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ” và bắt đầu tìm kiếm tư liệu, viết bài dự thi về các đề tài: Thương binh, liệt sĩ; những chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCC... Và thật vui, tôi được Ban tổ chức trao giải nhì cuộc thi với bài viết về anh tôi-liệt sĩ Phạm Ngọc Yểng, người đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc và đã anh dũng hy sinh.
Anh tôi tình nguyện tham gia quân đội năm 17 tuổi, sau khi tốt nghiệp cấp III, năm 1971. Hơn 8 năm trong quân ngũ, anh đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu trở thành chiến sĩ ưu tú của quân đội. Khi đang là chỉ huy trung đội, anh được điều động từ miền Bắc, theo Đường Hồ Chí Minh vào Chiến trường B2-Tây Ninh tham gia chiến đấu, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Anh đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công, Huân chương Quân công và nhiều phần thưởng khác... Khi trở ra miền Bắc, anh làm cán bộ ở một đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới... Rồi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, anh lại được điều động lên Lạng Sơn tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Anh đã lỗi hẹn với gia đình và người yêu khi không thể về tổ chức đám cưới... Anh đã dũng cảm hy sinh khi mới 25 tuổi...
Lễ trao giải Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ” cùng Chương trình nghệ thuật “Đất nước vẹn tròn ân nghĩa” diễn ra tối 14-7-2017 rất ý nghĩa và cảm động bởi nỗi niềm thương nhớ của những người mẹ, những người thân trong gia đình đối với các liệt sĩ; sự trân trọng và nghĩa tình tri ân của nhiều cá nhân, tổ chức. Một cuộc thi với hơn 60.000 bài dự thi, trong đó có gia đình nhiều thế hệ cùng tham gia, cho thấy sức lan tỏa thật lớn. Tôi rất vinh dự và tự hào khi được nhận giải thưởng của Ban tổ chức. Đó cũng là sự động viên, khích lệ tôi tiếp tục tìm hiểu và có những bài viết sâu sắc, hấp dẫn hơn về đề tài liệt sĩ, thương binh cả trong chiến tranh cũng như trong thời bình.
HOÀNG XUÂN LAN
Nén tâm nhang thành kính
Tôi vẫn còn nhớ dịp tháng 7-2016, khi ông nội cầm tờ báo, gọi tôi vào và nói: “Ông thấy trên Báo Quân đội nhân dân đang phát động Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ”. Cháu nên tham gia để hiểu hơn sự gian khổ, hy sinh của thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của dân tộc".
Tôi đã tham gia cuộc thi đều đặn từ những kỳ đầu, bằng cả tấm lòng tri ân. Đúng như lời ông tôi nói, qua mỗi kỳ thi, tôi càng hiểu thêm về sự hy sinh, công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và NCC với đất nước trong các cuộc kháng chiến. Mỗi bài dự thi như tiếp thêm cho tôi ý chí, quyết tâm tiếp nối truyền thống, phấn đấu gìn giữ và phát huy thành quả mà các thế hệ ông cha đã giành được.
Qua mỗi kỳ thi, nếu như câu hỏi số 4 (tự luận) là nơi biểu đạt tình cảm, sự tri ân với NCC, thì câu hỏi số 1, 2, 3 lại giúp người dự thi và bạn đọc thêm hiểu biết, thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, quân đội cùng toàn xã hội đối với NCC. Còn câu hỏi số 5 để mỗi người thể hiện sự biết ơn các anh hùng liệt sĩ một cách thiết thực nhất thông qua việc cung cấp thông tin về liệt sĩ, phần mộ liệt sĩ… Cuộc thi đã khép lại, tôi không chỉ vui vì là một trong các tác giả đoạt giải, mà mỗi bài thi còn như một nén tâm nhang thành kính dâng lên các anh hùng liệt sĩ. Tôi rất mong sẽ tiếp tục có những cuộc thi giàu ý nghĩa như thế.
ĐOÀN VĂN NAM