Để có được hòa bình, hàng triệu người dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể trên chiến trường. Công lao đó được lớp lớp người Việt Nam ghi nhớ. Riêng với các nhà văn, tri ân những TB-LS bằng tác phẩm văn chương là sự thôi thúc từ nội tâm; bởi lẽ, từ những chiến sĩ anh dũng ngoài chiến trường đến những tấm gương bình dị mà cao quý ở hậu phương tự thân đã chứa đựng giá trị chân, thiện, mỹ-điều mà văn chương luôn hướng đến.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Hội Nhà văn Việt Nam trao giải nhất cho các tác giả ở hạng mục văn xuôi.

Trong quá khứ, văn chương Việt Nam đã có những tác phẩm xuất sắc về đề tài TB-LS. Văn xuôi đồ sộ với hàng ngàn tác phẩm sáng giá như: “Sống mãi với Thủ đô” (Nguyễn Huy Tưởng); “Hòn Đất” (Anh Đức); “Người mẹ cầm súng” (Nguyễn Thi)… Về thơ, khó có thể quên những câu thơ trong: “Viếng bạn” (Hoàng Lộc); “Tây Tiến” (Quang Dũng); “Dáng đứng Việt Nam” (Lê Anh Xuân)… Những tác phẩm nổi tiếng kể trên đi vào lòng độc giả bởi các nhà văn đã viết bằng tâm huyết của người trong cuộc, từng dòng từng chữ thấm đẫm mồ hôi và cả máu.

Bước vào thời bình, với độ lùi thời gian và nhu cầu nhìn lại quá khứ, các nhà văn tiếp tục viết về đề tài TB-LS với tâm thế mới và kỹ thuật viết mới. Hơn 800 tác phẩm đăng ký tham gia CVĐ chỉ trong một thời gian ngắn chứng minh đề tài TB-LS luôn là nguồn cảm hứng lớn đối với mỗi nhà văn. Điều đáng mừng là qua CVĐ lần này đã xuất hiện nhiều tác phẩm mới của nhiều cây bút trẻ, nối tiếp “dòng chảy” liên tục cho văn học cách mạng Việt Nam như nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Có thể nói, 41 tác phẩm được giải là một bức tranh thu nhỏ của cách mạng Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Ban sơ khảo và chung khảo đã làm việc hết sức mình, thẩm định một cách khách quan và công tâm, cố gắng không để lọt những cuốn sách hay. Kết quả thật đáng ghi nhận. Nhiều tấm gương cao đẹp ở khắp mọi vùng miền Tổ quốc, qua tất cả các thời kỳ, từ buổi đầu thành lập nước đến cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và cả cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biên cương và biển, đảo đã được tôn vinh”.

leftcenterrightdel
Tác phẩm "Những hồi chuông màu đỏ" (Nguyễn Hữu Quý) giành giải cao nhất ở hạng mục thơ. 

Từ cảm hứng ban đầu đến khi hoàn thành tác phẩm là một quá trình dài mà kết quả thể hiện bằng con chữ có khi không tương xứng. Vì thế, đề tài TB-LS là niềm cảm hứng lớn nhưng lại khó viết hay. Nhưng theo nhận xét của Đại tá, nhà văn Phạm Hoa, Trưởng ban Sơ khảo: “Chất lượng các tác phẩm tham gia CVĐ lần này nhìn chung là rất đáng đọc, đồng đều nhau”.

Điểm mạnh của các tác phẩm đoạt giải lần này là tính sử liệu đã được khai thác kỹ lưỡng, nhiều câu chuyện ít người biết đến (kể cả tác giả trước đây cũng không biết) đã được đề cập. Chẳng hạn, để hoàn thành tiểu thuyết “Máu và tội ác”, tác giả Nguyễn Tam Mỹ đã mất gần 25 năm đi tìm tư liệu về vụ thảm sát Sơn Cẩm Hà, huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) trong giai đoạn 1954-1955. Tuy nhiên, các nhà văn đã không viết lịch sử theo lối biên niên mà đều sử dụng ngôn ngữ văn chương nhuần nhuyễn, cách dựng truyện và xây dựng cấu trúc khéo léo, đẩy nhịp độ, kịch tính lên cao trào như “tiểu thuyết hành động” nên càng đọc càng hấp dẫn, chứ không khô khan như đọc sử thuần túy.

Hầu hết các tác phẩm đều mang tính sử thi, ca ngợi sự đoàn kết, tính anh hùng của cộng đồng khi đối diện với quân thù. Đặc điểm này thể hiện rõ trong các tác phẩm đoạt giải ở thể loại thơ: “Những hồi chuông màu đỏ” (Nguyễn Hữu Quý); “Mẹ, Đất nước và lưu dân” (Trúc Phương); “Đất thiêng” (Đặng Hiển); “Sa mộc” (Phạm Vân Anh)… Những cá nhân anh hùng được khắc họa rõ nét thông qua tài năng dựng chân dung sinh động, điêu luyện nổi bật với các tác phẩm: “Trần Quốc Hương-Người chỉ huy tình báo” (Nguyễn Thị Ngọc Hải); “Thượng tướng Lê Thế Tiệm-Dấu ấn thời gian” (Võ Bá Cường)…

Với chất lượng khá tốt và đồng đều như vậy, thiết nghĩ, sau khi CVĐ khép lại, Ban tổ chức nên có kế hoạch cụ thể giới thiệu những tác phẩm văn học về đề tài TB-LS đến với bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ. Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ kể rằng, khi “Máu và tội ác” đến tay những học sinh vùng quê Tiên Phước, các em mới biết mảnh đất nơi mình sinh ra thấm đẫm máu xương của những con người; và từ đó, các em tự nhủ phải cố gắng phấn đấu để xứng đáng với thế hệ cha anh. Nhiều nhà văn mong muốn hai cơ quan (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội Nhà văn Việt Nam) cần tiếp tục duy trì CVĐ, quan tâm đầu tư, hỗ trợ sáng tác thì trong thời gian tới chắc chắn sẽ có thêm nhiều tác phẩm văn chương hay về đề tài TB-LS ra đời, xứng tầm với công lao của những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, cống hiến vì Tổ quốc.

Ở hạng mục văn xuôi, Ban tổ chức đã trao 3 giải nhất cho các tác phẩm: “Những ngôi sao của mẹ” (Hoàng Đình Quang); “Dặm đường gian truân” (Hồ Duy Lệ); “Máu và tội ác” (Nguyễn Tam Mỹ). Hai giải nhì cao nhất (không có giải nhất) ở hạng mục thơ là “Những hồi chuông màu đỏ” (Nguyễn Hữu Quý); “Anh hùng Lò Văn Giá” (Dương Tam Kha). Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải Tôn vinh cho 3 tác phẩm: “Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược” (Lê Văn Ba), “Mãi mãi tuổi 20” (Đặng Vương Hưng biên soạn), “Người không cô đơn” (Minh Chuyên). 

Bài và ảnh: TRẦN HOÀNG HOÀNG