Đã 45 năm trôi qua, kể từ ngày đồng đội hy sinh sau trận B52 rải thảm vào tháng 6-1972, trái tim Đại tá, Anh hùng LLVT Trần Văn Xuân vẫn đau thắt lại mỗi lần trở về chiến trường xưa nay là huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước…

Năm 1971, Trần Văn Xuân xếp bút nghiên cùng bạn bè lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi non sông. Sau khi kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới, chú được cử đi huấn luyện bồi dưỡng lớp sử dụng tên lửa A7 thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân. Đến tháng 1-1972, cả Tiểu đoàn A72 hành quân về mặt trận phía nam phối hợp chiến đấu với các lực lượng vũ trang.

leftcenterrightdel
Đại tá, Anh hùng LLVT Trần Văn Xuân (đội mũ, thứ tư từ phải qua) cùng các đồng đội, thân nhân gia đình liệt sĩ tại buổi gặp mặt bạn chiến đấu đơn vị tên lửa A72, Quân chủng PKKQ. 

 

Tháng 6-1972, khi đang tác chiến trên mặt trận tỉnh Bình Phước, Trần Văn Xuân bị sốt rét và được đồng đội Phan Công Xê (cùng đơn vị) đón, đưa về bệnh xá điều trị. Thế nhưng, đến trung tâm Hớn Quảng thì hai người bị chia cắt do bom đạn và lạc nhau. Tối đó, Trần Văn Xuân lên cơn sốt, nằm co quắp một mình dưới một đoạn hào thì gặp bộ đội Sư đoàn 9 (Quân khu 9) hành quân qua. Mọi người đã chăm sóc Trần Văn Xuân, sau đó ngày hôm sau, chỉ huy sư đoàn cử 1 chiến sĩ truyền đạt dẫn đường giúp Trần Văn Xuân về bệnh xá. “Hai chúng tôi bước thấp bước cao đi từ trung tâm Hớn Quảng đến một lõi khu rừng cao su đã bị bom đạn tàn phá trơ trụi. Những thân gỗ to cả người ôm đã cháy đen, gãy khô nằm cong queo trên mặt đất. Ở gốc cây, những mầm xanh mới đang nảy nở đâm chồi. Phía xa nơi những cây cao su vẫn chưa bị bom tàn phá đan vào nhau như vòng tay rộng ôm lấy lõi rừng cháy khét. Đang kiệt sức, bỗng nhiên, chúng tôi gặp mũi chiến đấu Trung đội 3 (Đồng chí Mi trung đội trưởng, Thuận, Tâm, Trần, Hạc) vừa đi chiến dịch, đang trên đường về cứ. Tay bắt mặt mừng, vì từ đầu năm 1971 đến giờ, vào đến chiến trường là đơn vị A72 phân tán mỗi tổ, tiểu đội một mũi hướng để phối thuộc với đơn vị bạn nên chưa một lần gặp nhau”.

Giữa rừng cao su khét lẹt mùi khói, mọi người ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Những câu chuyện về chiến công bắn rơi máy bay địch tuôn ra như thác lũ. Sau phút nghỉ ngơi, mọi người bùi ngùi chia tay nhau. Người về cứ, người tiếp tục hành trình ra bệnh xá. Khoảng 1 giờ sau, khi Trần Văn Xuân và chiến sĩ truyền đạt của Sư đoàn 9 vừa đi qua lõi rừng cháy khô thì hai người thấy 3 vệt khói máy bay B-52 trên bầu trời, đang rải thảm bom về phía khu vực rừng hướng Trung đội 3, đơn vị A72 đóng quân. Lúc đó, Trần Văn Xuân chỉ kịp kêu to: “Mi ơi, Thuận ơi, Tâm ơi…” thì trời đất bỗng tối xầm. Mở mắt tỉnh dậy, Trần Văn Xuân thấy mình nằm trong bệnh xá quân y, toàn thân đau nhức. Qua câu chuyện với nữ y tá, mang thuốc đến tiêm, chú mới được biết mình đã mê man bất tỉnh 3 ngày 3 đêm.

“Có một đơn vị bộ đội khiêng anh đến đây và để lại. Các đồng chí ấy cho biết: đơn vị lần theo đường dây để tìm cuộn dây thông tin. Đến một cái khe mọi người bới đất cát và vác cây cối đổ rạp chắn phía trên thì thấy anh đang nằm ngất lịm bên cạnh cuộn dây. Thấy anh còn hơi thở nên đơn vị cắt cử người khiêng anh về bệnh xá”. Cô y tá cho biết.

Sau những ngày chữa bệnh, vừa hồi phục sức khỏe Trần Văn Xuân tiếp tục tìm đường trở về đơn vị. Thấy Trần Văn Xuân về, ai trong tiểu đội A72 cũng ngạc nhiên và cho biết, đơn vị cũng vừa gửi giấy báo tử của Trần Văn Xuân về gia đình. Vì sau trận B-52 thả bom, không nhận được tin tức của Trần Văn Xuân nên đơn vị đã tổ chức lực lượng đi tìm. Đến bìa rừng cao su, mọi người tìm thấy một khẩu AK, một cơ cấu phóng tên lửa A72 và một phần thân thể cháy xém treo lủng lẳng trên cành cây cao su. Mọi người đoán Trần Văn Xuân đã hy sinh, vì cơ cấu phóng đó chỉ có thể là của xạ thủ tên lửa A72. Còn những cán bộ, chiến sĩ Trung đội 3, đơn vị A72 - những người anh vừa gặp chiều ở lõi rừng cao su đều thiệt mạng. Đơn vị chỉ tìm thấy thi thể của liệt sĩ Nông Bằng Tâm (quê Tràng Định – Lạng Sơn) và một phần thân thể của liệt sĩ Hạc. Sau đó mọi người chôn chung tất cả những gì tìm thấy vào một mộ và ghi tên, tuổi, quê quán 5 đồng đội hi sinh vào lọ pê-li-xi-lin…

Nói đến đây, Đại tá, Anh hùng LLVT Trần Văn Xuân thoáng trầm tư: Đối với những đồng đội đã hy sinh, tôi cũng đã đến gặp gia đình và thông báo. Điều đáng tiếc nhất là vì thời gian quá lâu, nên nhiều năm nay, chúng tôi đã tổ chức đi tìm để quy tập cất bốc hài cốt đồng đội về với quê hương và gia đình mà không được để thỏa ước mong của những thân nhân và gia đình liệt sĩ. Lần này, tôi cũng đưa cháu Nguyễn Thị Thanh Hải, là cháu của Liệt sĩ Trần Văn Thuận (quê Tân Tiến, Bắc Giang), người đã hy sinh trong trận B52 rải thảm hôm đó, đến để gia đình biết khu vực nơi Liệt sĩ Thuận hy sinh.

Bài, ảnh: VIỆT HÀ