Chính sách pháp luật ưu đãi NCC với cách mạng đã từng bước được hoàn thiện về các diện đối tượng và chế độ ưu đãi. Đến nay, đã có 12 diện đối tượng NCC được quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng, toàn quốc đã xác nhận hơn 9 triệu NCC. Các chế độ ưu đãi đối với từng diện đối tượng NCC được quy định ngày càng đầy đủ, bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống. Trong đó, trợ cấp ưu đãi được quy định phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của NCC và thân nhân, như ưu đãi về đất ở, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tín dụng…
Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công trên địa bàn quận. Ảnh: Vân Lê
Tuy nhiên, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp, trên thực tế, hệ thống chính sách pháp luật ưu đãi NCC vẫn tồn tại nhiều bất cập, đòi hỏi cần tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, mặc dù hành lang pháp lý và cơ chế triển khai thực hiện chính sách ưu đãi NCC đã tương đối đầy đủ, hoàn thiện nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số bất cập. Công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực NCC vẫn còn một số địa phương chưa chú trọng cải cách hành chính gắn với phòng, chống tham nhũng. Trong khi đó, một số vấn đề trong xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi cho NCC chưa được nghiên cứu bổ sung và thiếu thống nhất. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến NCC đều rất nhạy cảm và phức tạp. Do đó, để xây dựng hệ thống pháp luật ưu đãi NCC phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học và được tiến hành từng bước, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của đất nước. Mặt khác, việc giải quyết tồn đọng về chính sách ưu đãi NCC hết sức phức tạp. Bởi đến nay, nhiều trường hợp không còn giấy tờ, người giao nhiệm vụ và biết sự việc không còn. Việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách ở các địa phương còn phát sinh khó khăn, vướng mắc, đơn, thư khiếu kiện nhiều…
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, hiện nay, hệ thống văn bản chủ yếu áp dụng đối với những trường hợp có giấy tờ, tài liệu làm căn cứ giải quyết chế độ, chính sách mà chưa có nhiều văn bản hướng dẫn giải quyết những hồ sơ NCC tồn đọng, vướng mắc về thủ tục, giấy tờ; đặc biệt là những trường hợp không còn giấy tờ gốc do thất lạc, hư hỏng hoặc đơn vị đã giải thể, sáp nhập, chia tách nên không còn lưu giữ được tài liệu, giấy tờ chứng minh. Theo thống kê, trên địa bàn cả nước vẫn còn tồn đọng một số lượng khá lớn hồ sơ đề nghị công nhận NCC với cách mạng chưa được giải quyết. Trong lực lượng Công an nhân dân, hiện còn 146 trường hợp chưa được xác nhận liệt sĩ, thương binh.
Việc giám định sức khỏe đối với thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… thì theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, khó khăn nhất là xác nhận đối tượng nhiễm chất độc da cam. Theo đó, bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/đi-ô-xin không có dấu hiệu đặc trưng riêng biệt. Vì vậy đến nay, trong điều kiện thực tế ở nước ta, việc chẩn đoán xác định một người bị bệnh, tật, dị dạng, dị tật do đi-ô-xin gây nên là rất khó khăn, tốn kém, phát sinh nhiều kẽ hở tiêu cực và dễ bị lạm dụng.
Về vấn đề này, Phó trưởng Ban Tổ chức-Chính sách, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam Nguyễn Bá Bồng cho rằng, chính sách đối với người bị nhiễm chất độc hóa học có ngay trong thời kỳ chiến tranh, nhưng để trở thành một chính sách xã hội độc lập thì khá chậm. Ví như một số trường hợp có thời gian tham gia chiến trường B, C, K trước năm 1975, sau đó chuyển đơn vị mới ở phía Bắc, khi ra quân trong quyết định xuất ngũ chỉ ghi ngày nhập ngũ, ngày xuất ngũ và tên đơn vị khi xuất ngũ, không ghi quá trình tham gia kháng chiến. Vì vậy, mặc dù đã được giải mã phiên hiệu nhưng vẫn chưa có căn cứ xác định thời gian ở chiến trường nên không được giải quyết chế độ. Một số đối tượng có thời gian tham gia kháng chiến trước tháng 4-1975 nhưng nay không còn hồ sơ gốc. Trong khi đó, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng chưa có văn bản hướng dẫn đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc. Bởi vậy, ông Nguyễn Bá Bồng khẳng định tính cấp thiết trong việc hoàn thiện các chính sách với NCC đã ban hành, sớm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng để các chính sách, pháp luật ưu đãi kịp đến với NCC.
THU HƯƠNG