Đồng chí Dương Văn Huệ, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ,TB-XH) tỉnh Thanh Hóa:

Quan tâm giải quyết sớm một số nhu cầu bức thiết

Thanh Hóa là tỉnh có số lượng lớn NCC với cách mạng. Hiện tỉnh chi trả trợ cấp cho hơn 81.000 đối tượng NCC hưởng trợ cấp thường xuyên hằng tháng (với tổng kinh phí hơn 130 tỷ đồng/tháng), chi trả cho khoảng 25.000 thân nhân NCC, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Đồng chí Dương Văn Huệ. 

Để giải quyết chế độ chính sách đối với NCC số lượng lớn như trên, những năm qua, ngành LĐ,TB-XH tỉnh đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong hai năm (2014-2015), Sở LĐ,TB-XH phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiến hành tổng rà soát với 140.358 trường hợp, làm rõ những NCC và gia đình NCC đã được hưởng, chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ chính sách ưu đãi hiện hành của Nhà nước.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tỉnh còn 4.835 trường hợp tồn đọng, trong đó 2.148 trường hợp đề nghị hưởng chính sách thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho NCC theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, qua rà soát, toàn tỉnh còn hơn 26.380 hộ khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ xây mới và sửa chữa, với tổng kinh phí rất lớn; cần sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, phấn đấu quyết tâm hoàn thành trong hai năm 2017-2018, để NCC sớm được thụ hưởng và tạo niềm tin đối với NCC.

Để tạo điều kiện cho thương binh được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước, đề nghị các bộ, cơ quan chức năng trình Chính phủ cho đối tượng thương binh có tỷ lệ thương tật từ 5% đến 20%, có đủ các giấy tờ gốc được giám định lại thương tật để hưởng chế độ chính sách, tạo sự công bằng giữa những NCC qua các thời kỳ. Cùng với đó, hiện nay, nhu cầu học nghề và tìm việc làm của một bộ phận con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh nặng trên địa bàn tỉnh vẫn rất bức thiết. Các bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa giải quyết việc làm cho con thương binh, bệnh binh nặng không chỉ ở các trung tâm điều dưỡng, nuôi dưỡng, mà cả con các đối tượng thương binh, bệnh binh nặng đang ở cùng gia đình tại địa phương.

THANH HƯƠNG (lược trích)


Trung tướng LÊ VĂN HÂN, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam:

Đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ

Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và nhân dân, mạng lưới tổ chức của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam không ngừng phát triển. Đến nay, hội đã có 12 hội cấp tỉnh, 55 chi hội cấp huyện và tương đương, hơn 5.000 hội viên ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua 7 năm hoạt động, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của hội cũng không ngừng được nâng lên.

leftcenterrightdel
Trung tướng LÊ VĂN HÂN. 

Nổi bật là, hội đã phối hợp với cơ quan chức năng thu thập, hỗ trợ thông tin tìm kiếm HCLS, đã thông báo thông tin hơn 109.000 liệt sĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng; thụ lý và tư vấn trực tiếp cho hơn 16.000 gia đình liệt sĩ tìm kiếm HCLS. Kết quả, đã có hơn 200 gia đình tìm được HCLS bằng phương pháp thực chứng. Hội đã hỗ trợ miễn phí giám định ADN xác định danh tính 743 HCLS, đã trả lại tên cho 75% số liệt sĩ nói trên, trong đó có 170 HCLS do hội trực tiếp lấy mẫu (cả mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ và mẫu HCLS) theo nhóm mộ để giám định ADN, đạt kết quả 57%. Cùng với đó, đã trực tiếp lấy mẫu sinh phẩm hơn 2.000 thân nhân liệt sĩ tại Mặt trận 31 và theo các nhóm mộ liệt sĩ ở hơn 40 tỉnh, thành phố phục vụ giám định ADN, xác định danh tính liệt sĩ tại nhiều nghĩa trang liệt sĩ lớn trên cả nước, đạt 96,7%...

Tuy vậy, để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, nhất là việc tìm kiếm HCLS, xác định danh tính liệt sĩ, hội đề nghị Chính phủ sớm thành lập ngân hàng gen liệt sĩ, trước hết là ngân hàng gen thân nhân liệt sĩ. Bởi ngân hàng gen liệt sĩ là dữ liệu vật chất quan trọng giúp xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin. Hội sẽ tích cực tham gia việc lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ để đưa vào ngân hàng gen làm cơ sở đối chứng với gen HCLS.

Hội đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẩn trương cho lấy mẫu sinh phẩm HCLS (theo hình thức cuốn chiếu từng nghĩa trang) để đưa vào ngân hàng gen làm giám định ADN. Đồng thời đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần có nhiều giải pháp khẩn trương, tích cực hơn trong thu thập, phân tích, xử lý và kết nối thông tin giữa liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ với thân nhân liệt sĩ.

DŨNG TÂN (lược trích)


Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hải, Phó chính ủy Quân khu 3:

Quan tâm lãnh đạo và phối hợp chặt chẽ trong giải quyết chính sách

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Quân khu 3 vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến, chi viện lớn sức người, sức của cho các chiến trường, nên số lượng đối tượng NCC với cách mạng trên địa bàn quân khu rất lớn. Hiện toàn quân khu có hơn 19.800 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 25 vạn liệt sĩ, 15 vạn thương binh, 98 nghìn người bị nhiễm chất độc da cam, hơn 55 nghìn cán bộ quân đội nghỉ hưu…

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hải. 

Nhiều năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác chính sách, chăm lo hậu phương quân đội và tổ chức các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn. Đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc quân khu thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, NCC và hậu phương quân đội.

Cùng với đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập HCLS, cung cấp thông tin về liệt sĩ cho thân nhân, đơn vị trong toàn quân phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập; các địa phương trên địa bàn quân khu đã hoàn thành cơ bản việc rà soát, lập danh sách liệt sĩ, hệ thống mộ liệt sĩ từ cấp xã, phường, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, tri ân. Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố giải quyết khối lượng lớn các tồn đọng về chính sách, bảo đảm chính xác, công bằng, công khai, dân chủ, đúng đối tượng... Từ năm 2011 đến hết năm 2016, LLVT quân khu đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 10 tỷ đồng; xây dựng 247 nhà tình nghĩa, 160 nhà đồng đội; chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời hơn 210 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; nhận đỡ đầu 28 con thương binh...

Có được những kết quả trên, chúng tôi thấy, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, gắn với thường xuyên đôn đốc, kiểm tra của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp; sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Chính sách Quân đội và ngành Lao động-Thương binh và Xã hội là hết sức quan trọng, cần thiết, không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết tồn đọng chính sách, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách mới đối với NCC, mà còn hạn chế thấp nhất tiêu cực, tạo niềm tin cho nhân dân, nhất là NCC vào các chủ trương chính sách đúng đắn, mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta.

HÀ THU (lược trích)

 

Đồng chí Trương Ngọc Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường An Mỹ (tỉnh Quảng Nam):

Chủ động gỡ khó, giúp người có công an cư

An Mỹ là phường trung tâm của TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), có dân số hơn 15.000 người, trên địa bàn phường hiện có hơn 300 gia đình liệt sĩ, 75 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (có 2 mẹ còn sống), 27 cán bộ lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, hơn 250 thương binh, bệnh binh và 320 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…

leftcenterrightdel
Đồng chí Trương Ngọc Hải. 

Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể phường An Mỹ luôn chủ động chăm lo NCC. Tuy nhiên, do số lượng NCC lớn, việc thực hiện một số chế độ, chính sách không thể tránh khỏi những vướng mắc, như việc hỗ trợ NCC khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 118 của Chính phủ. Nhiều đối tượng NCC đang ở nhà thuê, đời sống kinh tế khó khăn, không có điều kiện mua đất ở, nhà ở, trong khi nhà đang ở thuộc diện bị quy hoạch, di dời và họ không thuộc đối tượng được hỗ trợ xây mới nhà theo Quyết định số 22. Việc hỗ trợ nhà ở, đất ở, tiền sử dụng đất cho NCC theo Nghị định số 118 cũng gặp khó khăn do quỹ đất của địa phương hạn chế.

Để giải quyết vấn đề trên, đối với các hộ khó khăn không đủ tiền mua đất ở các khu dân cư trên địa bàn, năm 2016 và 2017, UBND phường rà soát quỹ đất trên địa bàn, báo cáo UBND thành phố thống nhất chủ trương giao UBND phường làm chủ đầu tư, lập phương án xây dựng khu dân cư nhỏ, diện tích khoảng 5.000m2. Từ quỹ đất này, UBND phường tham mưu đề xuất thành phố có cơ chế để ưu tiên cho hộ gia đình NCC có khó khăn về đất ở. Đối với các hộ trong diện phải di dời để giải phóng mặt bằng, UBND phường vận động gia đình NCC và tham mưu cho UBND thành phố ưu tiên bố trí tái định cư cũng như giải quyết bồi thường trước.

Mặc dù ngân sách địa phương còn khó khăn, nhưng UBND phường vẫn quyết định ưu tiên bố trí quỹ đất lẻ (đất xen kẽ), giao cho đối tượng NCC làm nhà ở và đã miễn giảm tiền sử dụng đất cho 15 hộ gia đình, tổng cộng khoảng 2 tỷ đồng.

Địa phương còn tích cực vận động các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa, xây mới nhà ở cho NCC với mức hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng/nhà; đóng góp cho Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa” hằng năm luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra.

QUỲNH CHI (lược trích)


PGS, TS PHẠM XANH:

Hiếu nghĩa, bác ái theo tư tưởng Hồ Chí Minh 

Ngay trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm, ban hành nhiều chính sách về công tác thương binh, liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống của thương binh, gia đình liệt sĩ; động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận thêm yên tâm về hậu phương, hăng hái chiến đấu.

leftcenterrightdel
PGS, TS PHẠM XANH. 

Tháng 11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thông báo nhận con các liệt sĩ làm con nuôi để “cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do độc lập và thống nhất của nước nhà”. Tháng 1-1947, được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng là Vũ Đình Thanh đã chiến đấu và anh dũng hy sinh ở mặt trận Chợ Hôm trong 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư sẻ chia nỗi đau tới gia đình.

Tháng 7-1946, Bộ Thương binh và Cựu binh chính thức ra đời. Bác sĩ Vũ Đình Tụng-người đã có hai con trai hy sinh giữ chức Bộ trưởng. Trong một lá thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh và Cựu binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải coi việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là nghĩa vụ chứ không phải là việc làm phúc”. Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm Ngày Thương binh để đồng bào cả nước có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Người, một hội nghị trù bị gồm một số đại biểu Trung ương, khu, tỉnh đã khai mạc tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nhất trí lấy ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc và tổ chức lần đầu tiên trong năm 1947. Trong "Thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức "Ngày Thương binh toàn quốc" đầu tiên 17-7-1947, Hồ Chí Minh đã viết: “Ngày 27-7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh...”.

Thấm nhuần tư tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ, toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước, trong đó có các tổ chức chính trị trong quân đội luôn chăm lo công tác “đền ơn đáp nghĩa”, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước; ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. 

THU HẰNG (lược trích)

 

Trung tá TRẦN VIẾT NĂNG, Phó trưởng Ban Thanh niên Quân đội:

Xung kích, sáng tạo tổ chức hiệu quả các hoạt động tri ân

Trong quân đội, thanh niên là lực lượng chủ yếu, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ chính trị của quân đội, của đơn vị, vì vậy, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ quân đội trong tổ chức các hoạt động tri ân NCC với cách mạng là hết sức quan trọng.

leftcenterrightdel
Trung tá TRẦN VIẾT NĂNG. 

Trong những năm qua, Ban Thanh niên Quân đội (TNQĐ), Tổng cục Chính trị luôn chủ động, tích cực tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị chỉ đạo, hướng dẫn tuổi trẻ quân đội tổ chức thực hiện nhiều chương trình hoạt động an sinh xã hội, "đền ơn đáp nghĩa", tri ân NCC với cách mạng thiết thực, hiệu quả. Từ năm 2011 đến nay, tuổi trẻ các đơn vị trong toàn quân đã huy động các nguồn lực tổ chức tặng hơn 15.000 suất quà, hơn 1.000 suất học bổng và hơn 500.000 chiếc bánh chưng… với tổng trị giá hơn 50 tỷ đồng; riêng mô hình “Ngôi nhà 100 đồng” đã xây tặng được 726 nhà, với tổng số tiền hỗ trợ 46,72 tỷ đồng...

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Ban TNQĐ đã chỉ đạo các tổ chức đoàn trong toàn quân triển khai đợt sinh hoạt chính trị “Tri ân những người con trung hiếu”; tổ chức hành trình “Theo bước chân những người anh hùng”, chương trình “Hành quân xanh” với các hoạt động cụ thể, thiết thực gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước. Các đơn vị trong toàn quân đồng loạt tổ chức chương trình “Thắp nến tri ân” tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn cả nước... Thông qua các hoạt động xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ quân đội trong tổ chức các hoạt động tri ân NCC với cách mạng, góp phần giáo dục, khơi dậy và phát huy truyền thống cao đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, của quân đội, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ-Bộ đội của dân.

LÊ VĂN (lược trích)

 

Trung tá Phạm Xuân Hải, Chính trị viên Đội 589, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình:

Chủ động phối hợp cung cấp và xử lý thông tin về hài cốt liệt sĩ

Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Đề án 1237 đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, Đội 589, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đã tìm kiếm, quy tập được 169 hài cốt liệt sĩ (HCLS) trên địa bàn tỉnh Khăm Muộn, Lào và 29 HCLS trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

leftcenterrightdel
Trung tá Phạm Xuân Hải. 

Chiến tranh đã lùi xa, thông tin về phần mộ liệt sĩ dần phai mờ theo thời gian, nhân chứng ngày càng ít, sơ đồ mộ chí không đầy đủ, địa hình, địa vật thay đổi; những nơi còn phần mộ liệt sĩ chủ yếu nằm rải rác ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, địa hình rừng núi hiểm trở, lượng bom, mìn sót lại còn lớn, giao thông đi lại khó khăn... nên việc tìm kiếm, quy tập HCLS ngày càng khó.  

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả tìm kiếm, quy tập HCLS trong những năm tới, từ kết quả và kinh nghiệm tìm kiếm HCLS những năm qua, đề nghị các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chính sách xã hội, chính sách thương binh-liệt sĩ và công tác tìm kiếm, quy tập HCLS. Hằng năm, các đơn vị cần tổng hợp, rà soát, tra cứu thông tin, xây dựng kế hoạch khảo sát, xác minh, xác định thông tin và tổ chức lực lượng, phương tiện tiến hành tìm kiếm, quy tập HCLS. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đội tìm kiếm, quy tập HCLS chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương sở tại và các nhân chứng để tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin tại thực địa. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị tăng cường phối hợp, cung cấp sơ đồ, bản đồ, phiên hiệu các đơn vị từng tham gia chiến đấu, công tác qua các thời kỳ chiến tranh tại các địa bàn cho các đội chuyên trách tìm kiếm, quy tập HCLS... Đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm bảo đảm tốt hơn về chất lượng, số lượng trang bị, phương tiện, kinh phí cho công tác tìm kiếm, quy tập HCLS phù hợp với điều kiện, tình hình mới.

NGỌC SINH (lược trích)

 

Đại tá NGUYỄN XUÂN YÊM, Phó cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị:

Nâng cao hiệu quả quản lý, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công

Trong những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tích cực phối hợp nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng; các nghị định, thông tư, hướng dẫn thực hiện chính sách, bảo đảm đồng bộ, toàn diện; chủ trì nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh số 05, Nghị định số 56 quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo...

Toàn quân đã tích cực xét duyệt, thẩm định, giải quyết số lượng lớn hồ sơ tồn đọng về liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Các trường hợp đơn, thư kiến nghị, khiếu nại tồn đọng kéo dài được xem xét giải quyết tích cực; được đối tượng NCC và nhân dân đánh giá cao. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; từ năm 2012 đến nay, các đơn vị quân đội đã tìm kiếm, quy tập được 18.787 hài cốt liệt sĩ ở trong nước và bên nước bạn Lào, Cam-pu-chia.

leftcenterrightdel
Đại tá NGUYỄN XUÂN YÊM. 

Công tác chăm sóc gia đình NCC với cách mạng và hoạt động "đền ơn đáp nghĩa" được cấp ủy Đảng, người chỉ huy các cấp quan tâm; có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện sâu rộng, hiệu quả trong toàn quân.

Thời gian tới, cơ quan chức năng trong quân đội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi NCC thuộc trách nhiệm quản lý, giải quyết của quân đội; nghiên cứu, đề xuất thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật; đặc biệt là sớm tham gia nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi NCC một cách toàn diện. Quá trình sửa đổi, bổ sung pháp lệnh cần quán triệt sâu sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; hướng trọng tâm nội dung nghiên cứu sửa đổi là sớm khắc phục những tồn tại, khó khăn vướng mắc cả về đối tượng, điều kiện, chế độ chính sách và hồ sơ, thủ tục cũng như quá trình tổ chức thực hiện; hệ thống chế độ, chính sách mới phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách đối với NCC; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với nâng cao hiệu quả quản lý tại các đơn vị, địa phương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm, không để xảy ra sai sót, tiêu cực; kiên quyết xử lý sai phạm trong việc thực hiện chính sách đối với NCC.

HÀ MINH (lược trích)

 

TS BÙI SỸ LỢI, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

5 giải pháp giải quyết cơ bản tồn đọng chính sách đối với người có công

Hiện nay, toàn quốc đã xác nhận khoảng 9 triệu NCC, trong đó có hơn 1,4 triệu NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Cùng với sự phát triển của đất nước và khả năng ngân sách, các chính sách ưu đãi đối với NCC từng bước được điều chỉnh và mở rộng bao phủ cơ bản các nhóm đối tượng, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Cùng với chế độ trợ cấp ưu đãi (trợ cấp, phụ cấp hằng tháng; trợ cấp một lần), tùy theo từng đối tượng, NCC và thân nhân còn được hưởng các chính sách ưu đãi khác. Về cơ bản, các chính sách ưu đãi NCC đã được thực hiện tốt, bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng.  

leftcenterrightdel
TS BÙI SỸ LỢI. 

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành chính sách ưu đãi NCC vẫn còn những điều trăn trở. Cả nước hiện vẫn còn khoảng 1,5% NCC có mức sống dưới trung bình so với mặt bằng dân cư nơi cư trú, công tác xác nhận NCC còn những tồn tại, hạn chế do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn nhiều khó khăn. Một số nơi đã xảy ra những sai sót, nhầm lẫn, tiêu cực trong thực hiện chính sách, chế độ đối với NCC gây dư luận không tốt trong xã hội.

Để giải quyết cơ bản tồn đọng chính sách đối với NCC cần có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Tôi đề nghị 5 giải pháp cụ thể: Một là, cần tập trung nhân lực, phát huy cơ chế phối hợp liên ngành, đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương để giải quyết hồ sơ xác nhận NCC còn tồn đọng theo quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 408/QĐ-BLĐTBXH ngày 20-3-2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Hai là, đề nghị Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Pháp lệnh và các văn bản có liên quan; nghiên cứu xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung đầy đủ các vấn đề bất cập, vướng mắc liên quan đến chính sách, bảo đảm tính khả thi về nguồn lực và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi NCC, kịp thời thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về việc thực hiện chính sách NCC trong giai đoạn mới. Ba là, đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung các đối tượng NCC như: Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến bị ốm đau, bệnh tật. Bốn là, bảo đảm công bằng về chế độ, chính sách giữa các đối tượng NCC. Năm là, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi NCC...

MINH ĐĂNG (lược trích)


Đại tá Nguyễn Lê Cát, Chủ nhiệm khoa Xét nghiệm, Viện Pháp y Quân đội: 

Để việc giám định hài cốt liệt sĩ được thuận lợi và chính xác

Giám định nhận dạng hài cốt tại Viện Pháp y Quân đội đã được tiến hành từ nhiều năm trước, còn giám định hài cốt liệt sĩ (HCLS) có sử dụng kỹ thuật phân tích ADN được tiến hành từ năm 2006 sau khi Viện Pháp y Quân đội nghiên cứu thành công đề tài cấp nhà nước về về ứng dụng kỹ thuật phân tích ADN trong giám định nhận dạng HCLS.

leftcenterrightdel

Đại tá Nguyễn Lê Cát, Chủ nhiệm khoa Xét nghiệm, Viện Pháp y Quân đội.  

Quy trình giám định nhận dạng và phân tích ADN được Viện Pháp y Quân đội xây dựng trên kinh nghiệm của nhiều năm thực hiện giám định nhận dạng và hợp tác với các nước phát triển trong lĩnh vực giám định nhận dạng. Labo phân tích ADN được xây dựng và bố trí theo quy chuẩn của labo nhận dạng ADN của quân đội Mỹ - AFDIL. Đây cũng là quy trình và quy chuẩn labo được ứng dụng ở hầu hết các nước phát triển.

Tuy nhiên thực tế việc giám định HCLS vẫn còn những vấn đề đặt ra: Giám định HCLS là giám định nhận dạng, có quy trình giám định chặt chẽ bao gồm nhiều bước, trong đó phân tích ADN chỉ là bước cuối cùng khi các bước giám định khác phù hợp nhưng chưa nhận dạng được. Nhiều người quan niệm rằng, phân tích ADN là duy nhất và giám định HCLS chỉ là giám định ADN. Đây là một quan niệm chưa phù hợp và gây khó khăn không nhỏ vì đa số thân nhân liệt sĩ chỉ tìm cách lấy được một mẫu xương hài cốt để giám định ADN, mà bỏ qua các nguy cơ nhầm lẫn khác như hài cốt không phù hợp, hài cốt của nhiều người, hài cốt của động vật. Nhiều mẫu hài cốt do các gia đình tự lấy mang đến giám định có chất lượng kém, do lo lắng việc lấy mẫu ảnh hưởng đến hài cốt, nên chỉ chọn những mẫu nhỏ, dễ lấy, bởi gia đình tưởng rằng, đưa đi xét nghiệm sẽ làm mất mẫu hài cốt nhưng thực tế không phải như vậy. Các mẫu hài cốt sau xét nghiệm sẽ được trả lại gần như nguyên vẹn cho mộ liệt sĩ sau khi đã tách chiết ADN. 

Qua nhiều năm giám định, thực tế chúng tôi nhận thấy là những hài cốt được phát hiện và quy tập một cách có hệ thống do các đội tìm kiếm và quy tập của quân đội thực hiện thì việc thu thập thông tin, giám định ban đầu và lấy mẫu xét nghiệm ADN rất thuận lợi, tỷ lệ tìm đúng hài cốt liệt sĩ rất cao. Còn hài cốt do các gia đình tự tìm kiếm bằng nhiều nguồn thông tin không khoa học, trong đó có tâm linh và ngoại cảm thì tỷ lệ tìm đúng hài cốt liệt sĩ rất thấp.

Thời gian gần đây, công tác tìm kiếm, quy tập, cất bốc, di chuyển và giám định mộ liệt sĩ đã được các cơ quan chức năng quy định chặt chẽ, việc giám định và phân tích ADN được quản lý và chi trả kinh phí nên nhiều gia đình liệt sĩ đã được hỗ trợ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ một cách khoa học và chính xác hơn.

Chúng tôi mong các gia đình liệt sĩ tìm hiểu và tiếp cận thông tin một cách khoa học, những vấn đề còn vướng mắc nên hỏi các các cơ quan chức năng tại địa phương để được giải đáp và hỗ trợ chi tiết. Theo quy định của pháp luật, chỉ có các cơ quan có thẩm quyền mới được tìm kiếm, quy tập và giám định HCLS và HCLS chỉ được công nhận khi được giám định một cách khoa học. Không nên tin tưởng những phương pháp tìm kiếm chưa được công nhận, làm ảnh hưởng và xáo trộn mộ liệt sĩ, mất thời gian và chi phí không cần thiết. 

VIỆT CƯỜNG – PHÚC THẮNG (lược trích)


Đại tá Phan Đình Ân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cục Kỹ thuật (Quân khu 2): 

Làm tốt công tác chính sách đối với NCC để xứng đáng với truyền thống gia đình

Từ khi tốt nghiệp ra trường đến nay, trải qua nhiều cương vị công tác và địa bàn đóng quân khác nhau, dù ở bất kỳ cương vị, vị trí công tác nào, tôi cũng luôn nỗ lực phấn đấu, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng để xứng đáng với truyền thống gia đình, với người cha thân yêu đã hy sinh.

Đặc biệt, từ thực tế hoàn cảnh của bản thân là con liệt sĩ, nên tôi thấu hiểu sự khó khăn, niềm mong mỏi, nhu cầu được quan tâm, chăm lo, sẻ chia, giúp đỡ của các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng; của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng; của những người đã cống hiến một phần xương máu cho Tổ quốc; của những quân nhân đang tại ngũ gặp hoàn cảnh khó khăn...

leftcenterrightdel

Đại tá Phan Đình Ân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cục Kỹ thuật (Quân khu 2).  

Chính vì vậy, quá trình triển khai, trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác chính sách và hậu phương quân đội, bản thân tôi luôn đem hết tâm sức, tình cảm, tinh thần trách nhiệm, làm sao để mọi chủ trương, chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước dành cho đối tượng chính sách, người có công; quân nhân tại ngũ có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện một cách tốt nhất, bảo đảm công bằng, công khai, đúng đối tượng.

Các năm 2013-2014, trên cương vị Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ, tôi đã trực tiếp chỉ đạo và cùng Hội đồng tổ chức xét duyệt hơn 32.300 hồ sơ đề nghị cấp trên cho hưởng chế độ chính sách theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ; tặng 8 nhà tình nghĩa, không để xảy ra sai sót.

Từ năm 2015 đến nay, trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cục Kỹ thuật Quân khu 2, tôi thường xuyên bàn bạc, thống nhất trong Thường vụ Đảng ủy, Chỉ huy Cục lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân tham gia có hiệu quả các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”; xét hỗ trợ làm 14 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, nhà mái ấm công đoàn.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó để lại vẫn nặng nề, số lượng đối tượng Người có công (NCC), người nhiễm chất độc hóa học cần được quan tâm, chăm lo, giải quyết còn nhiều khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, số hài cốt liệt sĩ còn nằm rải rác trên các chiến trường chưa được quy tập còn rất lớn. Vì vậy, bản thân tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, Quân đội, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục dành sự quan tâm, chăm lo hơn nữa đối với NCC; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đáp ứng nguyện vọng tha thiết, lòng mong mỏi của thân nhân các liệt sĩ, trong đó có gia đình chúng tôi. Đồng thời giải quyết dứt điểm các tồn đọng chính sách, để làm sao không còn NCC nào là không được thụ hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước... 

VIỆT CƯỜNG – PHÚC THẮNG (lược trích)


Đồng chí Tô Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT): 

Xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh

Cùng với cả dân tộc, Ngành Bưu điện đã anh dũng đi qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, trong điều kiện vô cùng hiểm nguy, gian khổ, thiếu thốn nhưng với lòng quả cảm, sự hy sinh to lớn, cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện đã mưu trí, sáng tạo vừa trực tiếp chiến đấu vừa kiên cường bám trụ đường dây, bám trụ tổng đài, giữ vững mạch máu thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống phục vụ đắc lực sự chỉ đạo, điều hành kháng chiến của Đảng.

leftcenterrightdel

Đồng chí Tô Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT). 

Trong hai cuộc kháng chiến đó, đã có hàng vạn cán bộ, công nhân viên Ngành Bưu điện theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, kiên cường, dũng cảm vừa tham gia chiến đấu chống kẻ thù, vừa tận tụy, sáng tạo xây dựng các tuyến đường thông tin trên khắp mọi miền đất nước, đảm bảo thông tin liên lạc luôn thông suốt phục vụ Đảng, Chính phủ, các ngành, các cấp và nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân. Đã có gần một vạn cán bộ, chiến sĩ trong Ngành anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Tại nghĩa trang liệt sĩ của ngành tại Tân Biên, Tây Ninh hiện có 300 liệt sĩ. Có thể nói, trên từng tấc đất của Tổ quốc Việt Nam và cả đất bạn Cam-pu-chia, ở nơi đâu cũng in đậm dấu chân, thấm đẫm mồ hôi và cả máu xương của các anh hùng, liệt sĩ Ngành Bưu điện.

Trong những năm qua, cùng với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, Tập đoàn VNPT vẫn coi công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là một trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng thông qua nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa có ý nghĩa thiết thực sâu sắc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.

Hằng năm, không chỉ Tập đoàn mà mỗi đơn vị thuộc VNPT đều tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương với những phong trào, hoạt động  tích cực như: Phát động gây quỹ để xây dựng nhà nghĩa tình, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, nhà tưởng niệm và phụng dưỡng đến hết đời 171 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (BMVNAH) ngành Bưu điện còn sống và thực hiện chính sách đối với 217 BMVNAH đã qua đời. Ngoài ra, các đơn vị của VNPT còn nhận phụng dưỡng 233 BMVNAH có thân nhân liệt sĩ ngoài ngành Bưu điện.

VNPT cũng là doanh nghiệp khởi xướng, thực hiện hàng loạt các hoạt động mang ý nghĩa xã hội như “Hành trình nhân ái” mang lại Tết ấm cho người nghèo; “Tặng xe lăn cho người khuyết tật”, “Xây nhà tình nghĩa tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, xây dựng “Mái ấm công đoàn”…

Đặc biệt, Tập đoàn đã và đang phối hợp tích cực với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Ngành Bưu điện với sự chung tay, góp sức của toàn thể cán bộ, công nhân viên trong Tập đoàn. Hằng năm, VNPT các tỉnh/thành phố cũng thường xuyên, quan tâm, tạo điều kiện để CLB Bưu điện miền Đông tổ chức 1, 2 lần tìm kiếm hài cốt liệt sĩ…

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ; Tập đoàn VNPT luôn xác định đây là nhiệm vụ, là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng. Bởi vậy, việc chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng là hoạt động thường niên của Tập đoàn, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" đối với các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, qua đó, làm sáng thêm chữ vàng "Nghĩa tình" trong 10 chữ vàng “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” của Ngành Bưu điện.

CƯỜNG-THẮNG (lược trích)


Đồng chí Phạm Quốc Doanh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình: 

5 kinh nghiệm giải quyết triệt để hồ sơ tồn đọng về chính sách đối với NCC 

Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, tỉnh Ninh Bình có hơn 235.000 cán bộ, chiến sĩ và dân công tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường. Toàn tỉnh có hơn 1.216 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1.200 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa, hơn 16.000 liệt sĩ, hơn 7.900 thương binh, hơn 6.900 bệnh binh và gần 5.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 849 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày…

Với nhiều nỗ lực và sự phối hợp đồng bộ, hiện nay, tỉnh Ninh Bình không có hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC theo Quyết định số 408 ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH. Chúng tôi rút ra được 5 kinh nghiệm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, đặc biệt là ở cơ sở; phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác xác nhận đối tượng và giải quyết chính sách đối với NCC với cách mạng. Hai là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách đối với NCC, để các cấp, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân và NCC nắm chắc để thực hiện và giám sát việc thực hiện. Hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phong phú hiệu quả, trong đó chú trọng các hình thức tuyền truyền ở cơ sở như đài phát thanh ở cấp xã; tranh thủ các diễn đàn như tiếp công dân ở các cơ quan, tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp với nhân dân. . . để tuyên truyền phổ biến. Cách làm này có sức lan tỏa, đạt hiệu quả cao. Ba là, việc tập huấn nghiệp vụ thực hiện các chế độ chính sách mới được ban hành, như Pháp lệnh ưu đãi NCC và Pháp lệnh về Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chế độ trợ cấp theo các Quyết định 142, 62, 40, 49, 57, 24 của Thủ tướng Chính phủ, đều tổ chức một hội nghị chung ở tỉnh cho lãnh đạo và cán bộ chính sách của cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Như vậy, vừa đảm bảo triển khai nhanh kịp thời, vừa thống nhất được nhận thức và cách làm trong toàn tỉnh.

Bốn là, trong quá trình thực hiện, Sở đã chỉ đạo quyết liệt việc tuân thủ thời hạn thụ lý hồ sơ giải quyết và trả kết quả theo đúng quy định, không được để tồn hồ sơ ở cả 3 cấp sở, huyện, xã. Nếu hồ sơ đảm bảo thì giải quyết ngay, nếu hồ sơ chưa đảm bảo thì trả lại và hướng dẫn đối tượng bổ sung hoàn chỉnh. Như vậy, vừa nâng cao trách nhiệm của cán bộ chính sách các cấp, vừa để đối tượng kịp thời biết, hoàn thiện hồ sơ và theo dõi giám sát việc thực hiện của các cơ quan nhà nước. Năm là, lãnh đạo và cán bộ chính sách các cấp phải tận tụy trách nhiệm, kịp thời xem xét giải quyết và tận tình hướng dẫn đối tượng. Nhiều trường hợp lãnh đạo sở phải trực tiếp xuống địa phương, đến các gia đình đối tượng và đi các địa phương khác để xác minh, tìm chứng cứ, thống nhất cách giải quyết và chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung giải quyết, nhiều trường hợp Sở đã giúp đối tượng chính sách có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị đề nghị xác minh, cung cấp giấy tờ, chứng cứ cho đối tượng.

Thông qua tọa đàm này, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Bình kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành nghiên cứu đơn giản về thủ tục hồ sơ đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ theo Điều 13, Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ LĐ- TB-XH. 

CƯỜNG-THẮNG (lược trích)


Đồng chí Lưu Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH):

Hoàn thiện chính sách ưu đãi NCC trong thời kỳ mới

Ưu đãi người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện đạo lý, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Hiện thực hóa chủ trương của Đảng, các chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn được điều chỉnh, bổ sung theo hướng mở rộng điều kiện về diện đối tượng thụ hưởng, chế độ ưu đãi và mức ưu đãi phù hợp với tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội.

leftcenterrightdel

Đồng chí Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). 

Kết quả thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã góp phần quan trọng bảo đảm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và gia đình họ; tạo nên đồng thuận và ổn định chính trị - xã hội của đất nước (đến nay, Đảng và Nhà nước đã thực hiện chính sách ưu đãi xã hội đối với khoảng 8,8 triệu người có công, trong đó có gần 1,4 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng). Tuy vậy, trong thực tế thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng cho thấy một số quy định chính sách vẫn cần tiếp tục được bổ sung, sửa đổi để theo kịp trình độ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tôi thấy có một số bất cập và đề xuất định hướng sửa đổi chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

1.Về mức chuẩn trợ cấp ưu đãi hàng tháng

Mục tiêu cơ bản của chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bảo đảm cho hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên cùng địa bàn cư trú. Tuy vậy, trong thực tế hộ gia đình có công với cách mạng ở khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với mức bình quân của người dân ở cùng khu vực (3.536 nghìn đồng/người so với 3.964 nghìn đồng/người).

Thực tế này cho thấy mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 15-NQ/TW đã không đạt được. Một trong những nguyên nhân là do mức chuẩn trợ cấp ưu đãi bình quân hàng tháng hiện hành là mức trợ cấp ưu đãi trung bình cho đối tượng thuộc diện thụ hưởng và mức này ngang bằng với mức thu nhập trung bình của dân cư cả nước. Kết quả là có một bộ phận đối tượng được hưởng mức thấp hơn mức chuẩn và một tỷ lệ nhất định người có công và gia đình họ có mức thu nhập thấp hơn mức thu nhập trung bình của dân cư trên cùng địa bàn. Do vậy, cần tiếp tục điều chỉnh tăng mức trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Để dễ tổ chức thực hiện và quản lý, có thể xác định mức chuẩn trợ cấp ưu đãi là mức sàn trợ cấp ưu đãi cho đối tượng thụ hưởng.

2. Về căn cứ xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiễn bị nhiễm chất độc hóa học

Căn cứ xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiễn bị nhiễm chất độc hóa học đều được tính dựa trên mức suy giảm khả năng lao động. Tuy vậy, hiện thang chia mức suy giảm khả năng lao động của 3 diện đối tượng thụ hưởng này là không đồng nhất. Thang chia mức suy giảm khả năng lao động của thương binh là 1%, bệnh binh là 10% và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là 20%. Hệ lụy là với cùng một mức suy giảm khả năng lao động nhưng mỗi diện đối tượng lại được hưởng mức trợ cấp ưu đãi khác nhau. Do vậy, nên thống nhất cùng một thang chia mức suy giảm khả năng lao động để tính mức trợ cấp ưu đãi.

3. Về điều kiện xác nhận người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày

Theo quy định hiện hành, chỉ xem xét công nhận đối với "người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày" trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hệ lụy là người bị địch bắt tù sau ngày 30-4-1975 tại Lào, Cam-pu-chia, chiến tranh biên giới năm 1979 chưa được xem xét công nhận. Do vậy, cần nghiên cứu để có cơ sở mở rộng diện đối tượng thụ hưởng.

4. Về điều kiện xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

Theo quy định chính sách hiện hành, những người tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8-1961 đến 30-4-1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học, do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một trong các trường hợp bệnh tật”: (a) mắc bệnh theo danh mục bệnh tật do Bộ Y tế quy định làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; (b) vô sinh; (c) sinh con dị dạng, dị tật theo danh mục dị dạng, dị tật do Bộ Y tế quy định thì được xem xét công nhận là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Hệ lụy là những người tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu sau ngày 30-4-1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học cho đến trước ngày vùng này được tẩy độc và cũng bị rủi ro tương tự lại không được xem xét công nhận. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi chính sách theo hướng mở rộng phạm vi về thời gian sau 30-4-1975.

5. Về chế độ bảo hiểm y tế

Theo quy định chính sách hiện hành, chế độ thanh toán BHYT trái tuyến cho thân nhân người có công với cách mạng (thanh toán tuyến tỉnh 60%, tuyến trung ương 40%). Hệ lụy là chế độ thanh toán BHYT trái tuyến cho thân nhân người có công với cách mạng tuyến tỉnh, tuyến trung ương lại thấp hơn chế độ này đối với người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn/đặc biệt khó khăn (được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh). Là đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi nhưng mức ưu đãi lại thấp hơn mức hỗ trợ an sinh xã hội cho các nhóm đối tượng khác là không đồng bộ, không hợp lý. Do vậy, cần điều chỉnh chính sách cho thống nhất và đồng bộ.

6. Về chế độ ưu đãi giáo dục-đào tạo và dạy nghề

Theo quy định hiện hành, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học trình độ sơ cấp hoặc đào tạo dưới 3 tháng. Hệ lụy là mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng lại thấp hơn người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học). Do vậy, cần điều chỉnh chế độ hỗ trợ theo hướng tăng mức tối đa lên ngang bằng với các đối tượng khác.

Theo quy định hiện hành, người có công với cách mạng và thân nhân của họ khi thi tuyển vào đại học thì ngoài điểm ưu tiên còn được cộng thêm tất cả những ưu tiên khác (nếu có) như người dân tộc, sống ở địa bàn khó khăn... Hệ lụy là vì ưu tiên điểm tuyển sinh quá nhiều dẫn đến chất lượng đầu vào thấp nên đối tượng được ưu tiên khó đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và một khi chất lượng không đảm bảo thì cũng khó tìm và duy trì được việc làm tốt trong một nền kinh tế cạnh tranh. Do vậy, chỉ nên cộng điểm ưu tiên cao nhất.

7. Về chế độ ưu đãi về đất ở, đất sản xuất, thuế, tín dụng, việc làm

Theo quy định chính sách hiện hành, người có công với cách mạng được ưu đãi về đất ở, đất sản xuất, thuế, tín dụng, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Do vậy, cần khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn để thực hiện.

CƯỜNG THẮNG (lược trích)


Cựu chiến binh Đặng Đình Phong, thương binh hạng 4/4, xã Đội Bình, Ứng Hòa, Hà Nội: 

Vượt lên thương tật làm giàu chính đáng, giúp đỡ đồng đội và đối tượng chính sách

Tôi tham gia Quân đội từ tháng 10-1970 đến ngày giải phóng Miền Nam, năm 1976 tôi trở về địa phương với tỷ lệ thương tật 25%, thương binh hạng 4/4. Là thương binh sức khỏe có hạn, bệnh tật nhiều, sau nhiều lần tham khảo ý kiến và suy nghĩ kỹ, tôi quyết định chuyển sang học nghề nuôi ong lấy mật.

Đầu tiên chỉ là vài chục đàn, rồi phát triển đến 100 đàn, vừa làm vừa nghiên cứu di chuyển đàn ong theo hoa lên rừng, vào miền Nam, đi khắp nơi, ở đâu có hoa gì nở là tôi đưa ong đến, vừa nhân đàn mới, vừa khai thác mật. Tôi đã thấy rõ hiệu quả của việc nuôi ong đi theo hoa rừng, vừa không phải cho ăn, lại thu được nhiều mật tốt.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Đặng Đình Phong, thương binh hạng 4/4, xã Đội Bình, Ứng Hòa, Hà Nội. 

Đến nay, tôi đã thành lập được một trại ong của 4 anh em, với 1.200 đàn ong chuyên khai thác sữa ong chúa ở tại Lâm Đồng (Đà Lạt) mỗi năm cho thu hoạch từ 320 đến 350kg sữa ong chúa. Ở nhà, tôi có một trại gồm 650 đàn ong nội tại xã Cao Dương, gần chợ Bến, Hòa Bình. Trại này chuyên sản xuất ong giống để bán và khai thác mật hoa các loại ở miền Bắc. Một trại nữa tôi để ở đỉnh dốc Chồng Mâm (Hòa Bình) với hơn 300 đàn.

Tính đến nay, hằng năm tôi thu về từ nghề nuôi ong, mật ong từ các loại hoa, mỗi năm thu lãi từ 850 triệu đến 1 tỷ đồng. Với một người thương binh như tôi, từ hai bàn tay trắng, sức khỏe có hạn, làm được kinh tế như vậy là một sự nỗ lực cố gắng rất lớn. Quá trình nuôi ong trong rừng, tôi còn tiếp xúc với nhiều cây thuốc nam; tôi mạnh dạn tìm tòi, học hỏi và tự chữa bệnh bằng thuốc nam. Những năm qua, tôi là hội viên Hội Đông y huyện Ứng Hòa; đã chữa khỏi bệnh miễn phí cho nhiều người mắc các bệnh đau cột sống, đau khớp, đau dạ dày…

Rời chiến trường, trở về với đời thường, dù mang thương tật, nhưng trong tôi luôn suy nghĩ đến câu nói của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế, còn sức khỏe là còn làm việc, còn lao động, vươn lên làm chủ cuộc sống của mình”.

Từ thực tế bản thân, tôi muốn chia sẻ như sau:

-Thứ nhất, luôn tự hào về những gì mình đã hiến dâng cho Tổ quốc.

-Thứ hai, không tự ti, tiêu cực với bản thân, luôn lạc quan, rèn luyện sức khỏe, vượt lên thương tật để làm chủ cuộc sống.

- Thứ ba, không ỷ lại vào sự ưu đãi của Nhà nước đối với người có công. Coi sự ưu đãi đó là phần thưởng quý, là động lực để vượt lên trong cuộc sống.

-Thứ tư, trong hoàn cảnh nào, cũng phải gương mẫu chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không lợi dụng những chính sách ưu đãi của Nhà nước, để làm những điều trái với luật pháp, với phẩm chất cao quý của anh Bộ đội Cụ Hồ.

- Thứ năm, tôi may mắn có sức khỏe, có khả năng làm kinh tế, nhân dịp này tôi cũng muốn dạy nghề nuôi ong miễn phí cho thương binh, con em thương binh, người nghèo... 

VIỆT CƯỜNG – PHÚC THẮNG (lược trích)