Những cuộc tìm kiếm không dừng lại…

Thượng tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Chín, nguyên Trung đội phó trinh sát thuộc Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, Quân khu 7), người trực tiếp tham gia hơn 100 trận đánh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trăn trở: Mỗi trận đánh kết thúc, đơn vị đều nỗ lực tìm kiếm đồng đội hy sinh, làm công tác thương binh, tử sĩ. Tuy nhiên, không ít trận đánh lớn kéo dài nhiều ngày liên tiếp; thậm chí, có trận đánh, cán bộ chủ trì, cán bộ quản lý hồ sơ, cán bộ làm công tác chính sách cũng hy sinh, do vậy, việc tìm kiếm HCLS, xác nhận thông tin cán bộ, chiến sĩ hy sinh gặp rất nhiều khó khăn.

Tây Ninh, địa bàn diễn ra nhiều trận đánh ác liệt thời kỳ chiến tranh. Thời gian qua, không chỉ tổ chức tìm kiếm HCLS trong nước, mà Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh Tây Ninh còn đảm nhiệm tìm kiếm, quy tập HCLS Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Cam-pu-chia. Thời gian ngày càng lùi xa, địa hình thay đổi, nhân chứng cung cấp thông tin tuổi cao, trí nhớ giảm sút; không ít thân nhân liệt sĩ cũng mất, có liệt sĩ không còn người thân, giấy tờ về liệt sĩ cũng không còn nguyên vẹn, nên việc tìm kiếm HCLS rất vất vả. Từ đất bạn Cam-pu-chia trở về, Đại tá Nguyễn Văn Mỹ, Chính trị viên Đội K71 (Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh), bày tỏ: "Chúng tôi hầu hết còn trẻ, chưa trải qua chiến tranh, trong khi địa bàn tìm kiếm rộng, đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt… nên mỗi cuộc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn, thử thách".

Mùa khô 2015-2016, từ thông tin của chính quyền, nhân dân tỉnh Bần-tia-miên-chây, Cam-pu-chia, tại ấp Stueng, xã Rô-lót, huyện Svây-chếch có 2 phần mộ liệt sĩ. Đội K71 kết hợp cùng bạn vượt 50km đường rừng xuống địa bàn. Chủ động gặp già làng, trưởng bản, đơn vị nắm được thêm, giai đoạn 1984-1985, đây là khu vực đóng quân của Sư đoàn 5 (Quân khu 7). Tìm kiếm trong diện tích 2ha, qua 7 ngày đào đất vất vả giữa mùa khô nóng khốc liệt, Đội K71 vẫn chưa phát hiện được dấu vết mộ liệt sĩ. Không nản chí, đơn vị tiếp tục tìm hiểu, đối chiếu với lịch sử Sư đoàn 5, các sơ đồ, bản đồ trận đánh và chia thành nhiều tổ tỏa đi tìm kiếm. Qua nhiều ngày nỗ lực, đơn vị đã tìm được 83 HCLS là cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 5. Từ năm 2015 đến nay, Đội K71 đã tìm kiếm tại 1.795 khu vực, đào bới hơn 10.000m3 đất đá, cất bốc được 446 HCLS hồi hương về nước.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cùng thân nhân liệt sĩ di quách hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào Sân bay Biên Hòa về nơi an táng. 

Mới đây, Ban Chỉ đạo 1327 tỉnh Đồng Nai cũng đã cất bốc được ngôi mộ tập thể của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 4, Sư đoàn 5) và cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công (U1 Biên Hòa) thuộc LLVT tỉnh Đồng Nai, hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa vào đêm 31-1-1968. Đại tá Mai Xuân Chiến, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai, cho biết: "Để có kết quả này, đơn vị đã tổ chức nhiều cuộc tìm kiếm trong thời gian dài. Với quyết tâm, kiên trì tìm kiếm, năm 2016, đơn vị thu được bức ảnh chụp Sân bay Biên Hòa có khoanh vị trí hố chôn tập thể, do hai cựu chiến binh Mỹ chụp. Vừa tìm kiếm, đơn vị vừa tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi, thu thập thông tin từ nhân chứng, nhân dân, phim ảnh, tài liệu của các bên tham chiến. Cuối cùng chúng tôi đã tìm được HCLS".

Đó là hai trong số nhiều cuộc tìm kiếm HCLS gian nan, vất vả của cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị Quân khu 7. Từ đầu năm 2017 đến nay, Quân khu 7 đã phối hợp với các lực lượng tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 690 HCLS ở trong nước và trên đất bạn Cam-pu-chia, nhiều hơn 286 HCLS so với 6 tháng đầu năm 2016.

Tăng cường phối hợp tìm kiếm thông tin

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và thực hiện nhiệm vụ quốc tế, trên địa bàn Quân khu 7 và nước bạn Cam-pu-chia có gần 105.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Nhưng lực lượng chức năng của Quân khu 7 mới tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 12.967 HCLS ở địa bàn trong nước và 8.529 HCLS Quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Cam-pu-chia… Thiếu tướng Võ Quyết Chiến, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, cho biết: "Một trong những kinh nghiệm để các cuộc tìm kiếm đạt hiệu quả cao là phải có được thông tin cụ thể. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo 1237 của quân khu thực hiện tốt quy chế phối hợp tìm kiếm HCLS với các cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng. Định kỳ, cơ quan, đơn vị tổ chức giao ban, trao đổi kinh nghiệm thu thập thông tin, hội thảo, lập đường dây nóng, website..., huy động nhiều nguồn lực, phương tiện tham gia thu thập thông tin, tìm kiếm HCLS, không phân biệt địa bàn, kiên quyết không bỏ sót HCLS…".  

Cùng với đó, nhiều địa phương trên địa bàn Quân khu 7 như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Bình Phước... tiếp tục phát động Phong trào “Đi tìm đồng đội”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp. Các địa phương sẽ phối hợp tốt với các trung tâm, viện nghiên cứu, nhà khoa học đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin, tìm kiếm HCLS, xây dựng kế hoạch phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước, kiều bào ở nước ngoài tham gia cung cấp thông tin, tìm kiếm HCLS. 

Bên cạnh các đội K70, K71, K72, K73 chuyên trách, các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu 7 xác định việc thu thập thông tin, tìm kiếm HCLS là nhiệm vụ chính trị hằng năm của các đơn vị. Ban chỉ đạo 1237 các tỉnh, thành phố có kế hoạch khảo sát, thu thập thông tin, khoanh vùng địa bàn trọng điểm, vùng biên giới, vùng sâu, nơi diễn ra các trận đánh, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, thân nhân liệt sĩ để cập nhật thông tin hồ sơ liệt sĩ; giải mã phiên hiệu, ký hiệu, hòm thư đơn vị…

DUY HIỂN