Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu kinh nghiệm, cách làm hiệu quả cùng những đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, địa phương, nhằm tiếp tục thực hiện tốt CTCS và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong thời gian tới.

Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 3:

Phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện nhiệm vụ quốc tế và bảo vệ Tổ quốc, các địa phương trên địa bàn Quân khu 3 đã đóng góp to lớn sức người, sức của. Hiện nay, quân khu có hơn 19.800 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 25 vạn liệt sĩ, 15 vạn thương binh, 98 nghìn người bị nhiễm chất độc da cam…

leftcenterrightdel
Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 3. 

Chăm lo đối tượng chính sách, NCC luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quân khu quan tâm, xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách hậu phương quân đội (HPQĐ) và hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc điểm địa bàn. LLVT quân khu thường phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục; phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, phối hợp, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hiện hành đối với HPQĐ, thương binh, liệt sĩ, NCC; đẩy mạnh, làm cho Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực.

Các địa phương, đơn vị thực hiện tốt chế độ, chính sách về chăm sóc cán bộ quân đội nghỉ hưu; hỗ trợ gia đình quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ học nghề và việc làm cho quân nhân xuất ngũ; quan tâm, động viên gia đình cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi biên giới, biển, đảo…

 Với phương châm không để sót đối tượng NCC với cách mạng mà không được quan tâm, chăm sóc, quân khu phối hợp với cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố giải quyết một số lượng lớn các vướng mắc, tồn đọng về chính sách sau chiến tranh, bảo đảm chính xác, công bằng, công khai, dân chủ, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, chế độ. Từ năm 2011 đến nay, toàn quân khu đã xác minh, kết luận, đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận 175 liệt sĩ; tổ chức giám định, ra quyết định hưởng trợ cấp thương tật, cấp thẻ thương binh cho 2.596 trường hợp và công nhận bệnh binh cho 13 trường hợp. Đặc biệt, quân khu thực hiện tốt việc giải quyết chế độ chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với hơn 700.000 người được hưởng chế độ trợ cấp một lần, hoặc hằng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí.

Thời gian tới, LLVT quân khu tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai thực hiện toàn diện, có chất lượng CTCS đối với quân đội, HPQĐ, chính sách ưu đãi NCC. Tập trung hoàn thành cơ bản chính sách thương binh, liệt sĩ tồn đọng sau chiến tranh; hoàn thành giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; sớm hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, mộ liệt sĩ, kết luận địa bàn...

LÊ ĐỨC (lược ghi)


Thiếu tướng NGUYỄN MINH HOÀNG, Phó chính ủy Quân khu 7

Nỗ lực cao nhất tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Địa bàn Quân khu 7 là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi giao tranh ác liệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, quân khu vừa là hậu phương lớn, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, vừa làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng. Các địa phương trên địa bàn quân khu đã tiễn hàng vạn thanh niên lên đường nhập ngũ, nhiều người đã không trở về, với gần 105.000 liệt sĩ cùng nhiều quân nhân mất tin, mất tích. Một số đơn vị như: Công trường 7, Công trường 9 trực thuộc Bộ Tư lệnh Miền (sau này là Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) có tổng cộng hơn 41.000 liệt sĩ.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng NGUYỄN MINH HOÀNG, Phó chính ủy Quân khu 7. 

Ban Chỉ đạo 1237 Quân khu 7 đã mở rộng quan hệ hợp tác, tổ chức các đoàn công tác thăm, làm việc với nước bạn để trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin về quân nhân Việt Nam hy sinh, mất tích trong chiến tranh và tích cực giúp đỡ các Đội K70, K71, K72, K73 thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, di chuyển hài cốt liệt sĩ (HCLS) Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh bên nước bạn về nước. Quân khu chỉ đạo Ủy ban chuyên trách của 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Long An gặp gỡ, đối thoại với Ủy ban chuyên trách các tỉnh của Vương quốc Cam-pu-chia.

Qua sự hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau để vận động nhân dân, nhất là những người tham gia trực tiếp và phối hợp chiến đấu, các đảng phái, chủ đất, chủ rừng, nhà chùa, ban liên lạc các đơn vị trực thuộc và đơn vị bạn; phối hợp với các cấp chính quyền của bạn, cử cán bộ thông thuộc địa hình cùng tham gia phát hiện, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Nhờ đó, công tác quy tập mộ liệt sĩ bên nước bạn đã nhận được sự ủng hộ của lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội… cùng tham gia thực hiện.

Đến nay, Quân khu 7 đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 12.967 hài cốt liệt sĩ ở địa bàn trong nước; 8.529 hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, trong đó có 81.318 trường hợp xác định được đầy đủ danh tính, họ tên, quê quán; hơn 55.880 trường hợp chưa xác định được danh tính. Việc tổ chức bàn giao, an táng về các nghĩa trang trong nước bảo đảm chu đáo, trang trọng, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và thân nhân, gia đình liệt sĩ, có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

MINH SANG (lược ghi)

 

Thiếu tướng HỒ THANH TỰ, Phó bí thư Đảng ủy BTTM-Cơ quan Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Chính trị BTTM:

Trách nhiệm, nghĩa tình và thêm gắn bó quân-dân

Nhiều năm qua, hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, tri ân NCC luôn được Đảng ủy Bộ Tổng tham mưu (BTTM)-Cơ quan Bộ Quốc phòng và thủ trưởng BTTM quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả thiết thực.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Hồ Thanh Tự. 

Lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của BTTM gắn liền với sự phát triển lớn mạnh của Quân đội ta, do vậy, số lượng NCC và thân nhân NCC mà BTTM quan tâm, chăm lo có số lượng lớn, sinh sống ở nhiều địa bàn trong cả nước. Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Đảng ủy BTTM-Cơ quan Bộ Quốc phòng sớm có chủ trương lãnh đạo; Cục Chính trị BTTM xây dựng kế hoạch hoạt động "đền ơn đáp nghĩa"; tập trung chăm lo, tri ân NCC và thân nhân NCC ở vùng căn cứ cách mạng, căn cứ kháng chiến, vùng sâu, vùng xa và NCC, thân nhân NCC đã và đang công tác ở BTTM.

  Các cơ quan, đơn vị tổ chức hành quân về nguồn tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, tri ân NCC và thân nhân NCC. Từ đầu năm 2017 đến nay, BTTM đã hỗ trợ xây dựng 36 nhà tình nghĩa, nhà đồng đô%3ḅi, mái ấm công đoàn, “ngôi nhà 100 đồng” tặng các gia đình NCC, chủ yếu ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, gia đình quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, với tổng số tiền hỗ trợ gần 3 tỷ đồng. Các đoàn công tác của BTTM thăm, tặng quà NCC tại nhiều trung tâm thương binh, tặng quà Bà mẹ Viê%3ḅt Nam anh hùng…; tổ chức khám chữa bê%3ḅnh, cấp thuốc miễn phí cho NCC, người nghèo trên địa bàn đóng quân, với tổng số tiền thuốc cấp phát gần 350 triê%3ḅu đồng. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BTTM giúp đỡ nhân dân xây dựng nông thôn mới với hơn 2.000 ngày công. BTTM hỗ trợ xây dựng công trình hạ tầng tại các xã thuộc An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên, tổng trị giá 3,5 tỷ đồng...

Thực hiện tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa” là dịp để thế hệ hôm nay bày tỏ, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, nghĩa tình với thế hệ đi trước, bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là với thế hệ trẻ. Hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ BTTM còn thể hiện sự tri ân sâu sắc với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đã đùm bọc, chở che, giúp đỡ các cơ quan, đơn vị của BTTM suốt gần 72 năm qua, trong kháng chiến cũng như trong thời bình, góp phần củng cố tình đoàn kết quân-dân và niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, quân đội; xây dựng cơ quan, đơn vị và BTTM vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

THU HẰNG (lược ghi)

 

Đồng chí THÁI ĐÌNH HOÀNG, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng:

Công khai rộng rãi hồ sơ, xét duyệt chặt chẽ từ cơ sở

Những năm qua, Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Đà Nẵng đã làm tốt vai trò tham mưu cho UBND thành phố về công tác chỉ đạo giải quyết các chính sách đối với NCC; đặc biệt là đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong giải quyết chế độ trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) và giải quyết hồ sơ tồn đọng.

leftcenterrightdel

 Đồng chí Thái Đình Hoàng. 

Thực tế hơn 8 năm giải quyết chế độ cho người HĐKC bị nhiễm CĐHH cho thấy, nếu không thực hiện chặt chẽ, bài bản thì rất dễ xảy ra tiêu cực, nhất là tại Thông tư số 14, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 120 của Thủ tướng Chính phủ, đã quy định quá nhiều bệnh liên quan đến phơi nhiễm CĐHH. Do vậy, thời gian đầu, thành phố phải tạm dừng triển khai thực hiện Quyết định số 120, nếu không số lượng hồ sơ kê khai sẽ rất lớn.

Kinh nghiệm của chúng tôi là phải tổ chức nghiên cứu, quán triệt kỹ về đối tượng được quy định tại các văn bản của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ; từ đó Sở LĐTBXH có văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn triển khai thực hiện hết sức cụ thể đến quận, huyện, xã, phường; củng cố Ban chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC cấp xã, phường làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xét, đề nghị giải quyết trợ cấp; nhờ vậy đã hạn chế thấp nhất việc man khai hồ sơ để được giải quyết chính sách. Sở cũng làm việc với Hội đồng Giám định y khoa thành phố thống nhất quan điểm giám định hết sức khách quan, công khai, minh bạch; tư vấn cho nhiều đối tượng giám định về nguyên nhân mắc bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh đái tháo đường type 2, không phải do phơi nhiễm CĐHH. Sau khi được Hội đồng Giám định y khoa tư vấn giải thích, hầu hết các đối tượng đồng tình, số lượng hồ sơ mà sở tiếp nhận liên quan đến giải quyết chế độ này giảm rõ rệt. Đến nay, TP Đà Nẵng không có hồ sơ tồn đọng về lĩnh vực này, hằng tháng chỉ tiếp nhận từ 7 đến 10 hồ sơ và tổ chức giám định ngay trong tháng.

TP Đà Nẵng được Bộ LĐTBXH chọn là 1 trong 5 địa phương làm thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng. Chúng tôi chỉ đạo, các hồ sơ phải được công khai trên những phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết công khai tại địa phương nơi đối tượng tham gia cách mạng hy sinh, bị thương; tổ chức Hội đồng xét duyệt chính sách xã, phường, mời các đồng chí cán bộ có quá trình tham gia kháng chiến tại địa phương hoặc am hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương. Tổ chức nghiên cứu kỹ hồ sơ; gặp gỡ, xác minh những điểm chưa thống nhất trong hồ sơ để hoàn chỉnh theo quy định. Đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc xác nhận chính sách tồn đọng.

Tuy nhiên, chúng tôi xác định, việc kết thúc xác nhận các đối tượng nêu trên không phải là tuyệt đối, bởi lẽ, có những trường hợp tham gia hoạt động cách mạng, HĐKC hy sinh không còn thân nhân sinh sống tại địa phương. Khi có người về liên hệ đề nghị xác lập hồ sơ, chúng tôi sẽ tiếp tục thụ lý, giải quyết khẩn trương, đúng quy định.

NAM ANH (lược ghi)