Trong bản chất, tâm tính của người Việt luôn sống trọng tình nặng nghĩa. Vì vậy, con cháu biết ơn ông bà, cha mẹ, học trò biết ơn thầy giáo, cô giáo, thế hệ sau biết ơn thế trước và đặc biệt, những người đang sống hôm nay trân trọng, biết ơn những người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, từ lâu trở thành một nét đẹp văn hóa, một phong cách ứng xử nhân văn của con người Việt Nam. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” là một trong những giá trị đặc trưng nổi bật của văn hóa truyền thống Việt Nam.

Từ lâu, không riêng các gia đình thương binh, liệt sĩ, mà rất nhiều gia đình vẫn duy trì phong tục thờ cúng, hương khói vào ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 hằng năm. Với nhiều người dân Việt Nam, ngày 27-7 là ngày “giỗ trận” chung dành cho tất cả những ai đã anh dũng hy sinh vì quê hương, đất nước; đồng thời đó cũng là ngày được gọi với cái tên chứa chan ý nghĩa thiêng liêng-“Tết tri ân”.

leftcenterrightdel
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định với các thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên (Hà Nam). Ảnh: Đức Hoàng. 
Tri ân là gì? “Tri” nghĩa là biết, ghi nhớ; còn “ân” nghĩa là ơn mang, ân huệ, ân tình. “Tết tri ân” là dịp để mỗi người Việt cùng nhớ lại thời quá khứ chiến đấu gian khổ, đau thương mà hào hùng của cả dân tộc Việt Nam, mà tiêu biểu là sự dâng hiến, hy sinh của các thế hệ người Việt và đặc biệt, là sự hy sinh vô bờ bến của các bà, các mẹ Việt Nam “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ...”. Những hy sinh ấy-đối với mỗi người đang sống hôm nay, ơn mang, ân huệ, ân tình-biết bao nhiêu cũng chưa đủ!

Vậy làm sao để chúng ta tỏ lòng tri ân đúng cách nhất với hàng triệu con người đã dâng hiến trọn đời và một phần xương máu của mình cho Tổ quốc? Xây dựng đền thờ, đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ; chăm sóc và phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thực hiện chính sách đãi ngộ đối với gia đình liệt sĩ, thương binh và hỗ trợ, giúp đỡ con em, thân nhân của họ vượt khó vươn lên trong học tập, lao động sản xuất, công tác... là những việc chúng ta đã, đang làm và giành được những kết quả rất đáng ghi nhận. Việc đặt ra mục tiêu bảo đảm cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công có mức sống ít nhất phải bằng mức sống trung bình của người dân trên địa bàn cư trú, cơ bản đã được hiện thực hóa. Việc xây dựng, kiên cố hóa nhà cửa dành cho các gia đình có công với cách mạng, cũng đã đáp ứng được hầu hết lòng mong đợi của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh và thân nhân các liệt sĩ. Có thể nói rằng, dù đất nước còn nhiều khó khăn và phải giải quyết cùng lúc nhiều chính sách an sinh xã hội, nhưng những năm qua, chúng ta đã làm tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa.

Tuy thế, với những ai nặng lòng với Tổ quốc, trân trọng sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh, sẽ chưa thể thảnh thơi, bằng lòng vì cuộc sống xã hội hôm nay vẫn còn tồn tại không ít điều phiền toái, nhiễu nhương. Thế nên, cái “Tết tri ân” của chúng ta cũng khó có thể trọn vẹn ý nghĩa nếu bản thân mỗi người dân, mà trước hết là cán bộ, đảng viên chưa thực sự toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ cộng đồng. Thuở đất nước còn khói lửa chiến tranh, dẫu muôn vàn gian khổ, hiểm nguy mà các thế hệ cha anh vẫn một lòng tự nguyện cống hiến, hy sinh vì nghĩa lớn; thì ngày nay, sống trong điều kiện đất nước hòa bình mà cán bộ, đảng viên nào đó vẫn chỉ nhăm nhăm vun vén cho “lợi ích cái tôi nhỏ nhoi” của mình, liệu có nên chăng? Anh linh các liệt sĩ sẽ không thanh thản, niềm tin của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh và những người có công sẽ vợi bớt, khi khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội ngày càng doãng ra và các vấn nạn tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công quyền không được ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả.

Nói rộng ra, cái “Tết tri ân” vào dịp 27-7 sẽ trở nên giàu ý nghĩa hơn khi những thành quả cách mạng của các thế hệ cha anh đã đổi bằng xương máu, sẽ được thế hệ con cháu hôm nay gìn giữ, vun đắp bằng cách chung tay xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, văn minh để tất cả mọi người dân-không phân biệt giai cấp, thành phần, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, giới tính, vùng miền-đều được hưởng thụ những giá trị tốt đẹp từ thành quả độc lập, tự do mà ông cha đã để lại. Thấm nhuần sâu sắc điều này chính là chúng ta thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu khi Người nhắc nhở đồng bào, chiến sĩ cả nước: “Chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta”; và: “Càng tưởng nhớ đến những người con dũng cảm của Tổ quốc, thì mọi người càng phải thêm hăng hái thi đua làm tròn nhiệm vụ”.

THIỆN VĂN