Đại tá Lê Như Cương, Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An:

Đẩy mạnh hoạt động tri ân 

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh các hoạt động thăm hỏi, tặng quà tri ân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công (NCC) với cách mạng. Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã trích 120 triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà gia đình NCC. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh còn xây nhà tình nghĩa trị giá 70 triệu đồng tặng quân nhân Nguyễn Đình Lưu, công tác tại Đồn Biên phòng Na Ngoi. Quân y của đơn vị tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho NCC và đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới với số tiền gần 20 triệu đồng. 

leftcenterrightdel
Cán bộ Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hịm (xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An). Ảnh: LÊ THẠCH 
Cũng trong dịp này, Đoàn Thanh niên BĐBP tỉnh phối hợp với Thành đoàn TP Vinh tổ chức dâng hương, dâng hoa, tu sửa Nghĩa trang Liệt sĩ TP Vinh. Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh tổ chức thăm hỏi, tặng quà các hội viên là con thương binh, gia đình liệt sĩ. Các đồn biên phòng cũng tiến hành thăm hỏi, tặng quà gia đình NCC trên địa bàn đóng quân và tại các huyện kết nghĩa; tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ... Thông qua những hoạt động tri ân càng thêm tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân, đồng thời giúp cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn", luôn xác định tốt trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

HẢI THƯỢNG (ghi)

Bà Trần Hồng Dung, Phó chủ tịch Thường trực Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”:

"Tiếp lửa" truyền thống cho thế hệ trẻ

Với mục đích tri ân các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, đồng thời cổ vũ, động viên, khuyến khích thế hệ trẻ cống hiến cho đất nước, những năm qua, các thành viên của Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” đã đến với nhiều miền đất, nhiều hoàn cảnh, số phận, tổ chức các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa" thiết thực, ý nghĩa. Bên cạnh đó, Quỹ còn tổ chức các cuộc giao lưu với tuổi trẻ các tỉnh, thành phố, trao học bổng tặng các cháu học sinh, thăm và tặng quà gia đình NCC… qua đó tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết trong mỗi con người.

Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” hoạt động trên cơ sở tình nguyện bằng tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ cả về tinh thần lẫn vật chất, qua đó giúp các thành viên có được những món quà trao tặng thân nhân liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình NCC ở tất cả vùng, miền của Tổ quốc. Việc trực tiếp thăm hỏi, tặng quà gia đình NCC không chỉ góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh mà còn giáo dục thế hệ trẻ hiểu rõ tấm gương kiên trung, bất khuất của thế hệ cha anh, từ đó có quyết tâm phấn đấu, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh.

ĐỨC THỊNH (ghi)

Bà Đặng Thị Hoa Rây, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang: 

Tích cực thực hiện chính sách "đền ơn đáp nghĩa"

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có 38.000 NCC với 10.000 người được hưởng chế độ thường xuyên, 701 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó 30 mẹ còn sống… Hằng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động như: Thăm, tặng quà gia đình NCC, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn... Cùng với đó, vào dịp 27-7, địa phương tổ chức hội nghị biểu dương NCC kết hợp các chương trình văn nghệ "Màu hoa đỏ", động viên gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh vươn lên góp phần xây dựng quê hương, đất nước... Một hoạt động mà tỉnh thường xuyên quan tâm thực hiện là việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cả ở trong nước và nước bạn Cam-pu-chia.

Tỉnh An Giang đang triển khai thực hiện Quyết định 22 về chính sách nhà ở đối với NCC. Trong năm 2017, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã xây được 927 căn "Nhà tình nghĩa" tặng gia đình NCC. Thông qua Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chúng tôi mong muốn nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc chăm sóc NCC. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ.

HOÀNG NHƯỠNG (ghi)

Trung úy Đỗ Thiện Diệu, Khoa CNXH Khoa học, Trường Sĩ quan Chính trị: 

Gia đình được quan tâm, tôi yên tâm công tác

Cha tôi là Đỗ Thiên Dấc, ở thôn Hữu Ái, xã Giang Sơn, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và bị thương, là thương binh hạng 3/4. Vì vậy, cứ mỗi dịp lễ, Tết, nhất là Ngày Thương binh-Liệt sĩ, gia đình tôi lại được đại diện chính quyền, các cơ quan, đoàn thể của địa phương đến thăm hỏi, tặng quà. Đó là tình cảm chân thành, nghĩa cử tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương dành cho cha tôi và gia đình. Đây là nguồn động viên rất lớn đối với cha và cả gia đình tôi...

Tôi cũng là bộ đội, luôn bận công tác ở đơn vị nên không thường xuyên về thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe của cha được. Những lúc vết thương cũ tái phát, cha tôi lại được các thầy thuốc thăm khám, điều trị kịp thời và hưởng các chế độ ưu đãi. Điều này khiến tôi và gia đình bớt lo lắng rất nhiều. Nhờ có những chính sách tri ân NCC với cách mạng của Đảng, Nhà nước cùng sự quan tâm của chính quyền, nhân dân địa phương đã giúp gia đình tôi vươn lên và giúp tôi vững tin, thêm yên tâm công tác.

ĐÀO NGỌC LÂM (ghi)