Phóng viên (PV): Ông có thể nhận xét đôi nét về công tác chính sách NCC đã thực hiện thời gian qua? Việc rà soát đối tượng NCC vừa qua có kết quả như thế nào?

Tiến sĩ (TS) Bùi Sỹ Lợi: Đến nay, toàn quốc đã xác nhận khoảng 9 triệu NCC, trong đó hơn 1,4 triệu NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Cùng với sự phát triển của đất nước và khả năng ngân sách, các chính sách ưu đãi đối với NCC từng bước được điều chỉnh và mở rộng, bao phủ cơ bản các nhóm đối tượng, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Ngoài chính sách trợ cấp ưu đãi còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, miễn, giảm thuế... Đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của toàn xã hội và cộng đồng, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” góp phần quan trọng nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần đối với NCC. Có thể nói, đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và xã hội.

leftcenterrightdel

Thăm khám sức khỏe cho thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Kim Dung 

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận NCC (khoảng 1,5%) có mức sống dưới trung bình tại khu dân cư; việc xác nhận NCC còn những tồn tại, hạn chế; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn nhiều khó khăn... Vừa qua, Mặt trận Tổ quốc phối hợp với ngành lao động, thương binh và xã hội tiến hành tổng rà soát hơn 2 triệu đối tượng NCC, cho kết quả hơn 1.982 nghìn người (chiếm 95,75%) đã được hưởng đầy đủ chế độ theo quy định; số người hưởng chưa đầy đủ chế độ là 86.201 trường hợp (chiếm 4,16%) và số phát hiện hưởng sai chính sách là 1.872 trường hợp (chiếm 0,09%).

PV: Trước tình trạng làm giả hồ sơ NCC để trục lợi xảy ra ở một số địa phương, trong khi không ít trường hợp NCC lại chưa được giải quyết chế độ vì nhiều lý do, theo ông đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

TS Bùi Sỹ Lợi: Qua giám sát, khảo sát và theo phản ánh của cử tri, có thể lý giải những nguyên nhân khách quan và chủ quandẫn đến sự thiếu công bằng, đó là: Về khách quan, do điều kiện chiến tranh ác liệt, phức tạp, kéo dài và là cuộc chiến tranh nhân dân, vùng địch và ta đan xen; chiến tranh kết thúc đã mấy chục năm nên việc lưu giữ giấy tờ gốc, tìm kiếm người xác minh, người làm chứng theo quy định gặp nhiều trở ngại nên trong một số trường hợp, việc xác định đối tượng là NCC còn khó khăn, là điều kiện làm phát sinh các hành vi tiêu cực, lợi dụng chính sách mà chúng ta khó kiểm soát.

Về chủ quan, việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện có lúc chưa kịp thời, chưa phù hợp, chưa tính hết các vấn đề phát sinh; sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng còn lúng túng; một số nơi còn thiếu cán bộ chuyên môn, nhất là ở cấp cơ sở, cán bộ còn kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm; một bộ phận cán bộ còn ngại xử lý các vấn đề khó trong thực hiện chính sách. Đặc biệt, chính sách cũng được điều chỉnh theo điều kiện phát triển của đất nước. Đã có lúc chúng ta lại giao cho 2 người làm chứng để xác định NCC mà không dựa vào một căn cứ pháp lý nào.

Ngoài ra, có nguyên nhân trực tiếp từ việc lợi dụng chính sách để hưởng lợi phi pháp của một số người, hoặc có lúc do áp lực về thời gian tạo kẽ hở cho việc lợi dụng chính sách để lập hồ sơ hưởng chính sách NCC. Trong khi vẫn còn một bộ phận NCC nhưng lại không đủ căn cứ pháp lý để xác nhận, gây bức xúc trong xã hội.

PV: Theo ông, cần phải làm gì để những NCC đều được hưởng chế độ chính sách và phát hiện được những kẻ hưởng lợi phi pháp?

TS Bùi Sỹ Lợi: Cần tập trung xem xét bổ sung cơ chế xác nhận dựa vào cộng đồng dân cư nơi NCC với cách mạng sinh sống; đồng thời đẩy mạnh hoạt động của tổ công tác liên ngành về giải quyết chính sách NCC; tiếp tục thực hiện tốt việc lập và xét duyệt hồ sơ thường xuyên theo các quy định hiện hành; tăng cường rà soát để giải quyết các hồ sơ đề nghị xác nhận NCC còn tồn đọng.

Hậu quả do chiến tranh gây ra cho đất nước ta còn rất nặng nề. Chính sách NCC là để bù đắp một phần sự mất mát, đau thương đối với những hy sinh lớn lao mà các thế hệ cha anh, là trách nhiệm của chúng ta phải thực hiện. Hành vi lợi dụng chính sách NCC để trục lợi là đi ngược lại với đạo lý của dân tộc ta. Đó là việc làm không thể tha thứ. Do đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết vi phạm. Phát huy cơ chế dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch và giám sát của nhân dân để loại bỏ những kẻ lợi dụng chính sách để trục lợi.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

KIM DUNG (thực hiện)