Theo đồng chí Lê Sáu, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Nam, 10 năm gần đây, tỉnh đã thực hiện chế độ chính sách đối với 929 thân nhân liệt sĩ, 776 thương binh, 2.216 bệnh binh, 787 người hoạt động cách mạng, 112 Anh hùng LLVT nhân dân, 1.311 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương... Trong điều kiện nguồn thu ngân sách hạn hẹp, song các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động hiệu quả giúp NCC vượt khó vươn lên. Các phong trào “Con dâu hiếu thảo” của hội phụ nữ, “Khăn ấm tặng mẹ” của đoàn thanh niên, “Áo lụa tặng bà” của các cháu thiếu niên, nhi đồng…ở các địa phương trong tỉnh phát triển rộng khắp, với những việc làm thiết thực.

leftcenterrightdel
 Kiểm tra sức khỏe cho người có công ở Trung tâm Phụng dưỡng người có công với cách mạng TP Đà Nẵng. 

Cùng với bảo đảm đầy đủ, kịp thời các khoản trợ cấp, phụ cấp cho NCC từ ngân sách Nhà nước, các địa phương trong tỉnh cũng chủ động làm tốt công tác phân bổ nguồn tài chính hợp lý cho các hoạt động cải thiện đời sống NCC; hỗ trợ, cấp học bổng, tặng quà con em gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách... Đến nay, hơn 97% hộ gia đình chính sách, NCC trên địa bàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư.

Các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP Đà Nẵng cũng tích cực triển khai thực hiện ưu tiên tuyển chọn, tiếp nhận con thương binh nặng vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị; Hội Cựu chiến binh đẩy mạnh phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau làm giàu và giúp đỡ NCC”.

TP Đà Nẵng là một trong các địa phương không chỉ dẫn đầu cả nước về hoàn thành hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho NCC, mà còn là địa phương có 100% xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh-liệt sĩ; 100% gia đình NCC có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi đối tượng cư trú; không có hộ chính sách nghèo. Các quận Sơn Trà, Hải Châu, Liên Chiểu…của Đà Nẵng còn thực hiện tốt chủ trương tạo điều kiện về mặt bằng để gia đình thương binh, liệt sĩ thuận lợi trong tổ chức kinh doanh, làm dịch vụ, phát triển kinh tế...

Các cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… tham gia giải quyết những việc cụ thể, cấp thiết, như tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng… để NCC và gia đình phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Nhiều cấp ủy trên địa bàn Quân khu 5 xác định công tác hỗ trợ NCC phát triển kinh tế gia đình thành nội dung ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội tăng cường phát hiện, biểu dương NCC làm kinh tế giỏi để rút kinh nghiệm nhân rộng.

Ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết, những năm qua, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với NCC, kịp thời biểu dương gia đình và cá nhân NCC gương mẫu trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vượt khó vươn lên làm giàu, chăm lo xây dựng gia đình văn hóa và tham gia hiệu quả các phong trào ở cơ sở... Thành phố còn giải quyết trợ cấp khó khăn đột xuất cho hơn 3.760 lượt đối tượng NCC, với tổng kinh phí hơn 10,4 tỷ đồng.

Đến Trung tâm Phụng dưỡng NCC với cách mạng TP Đà Nẵng, chúng tôi chứng kiến nhiều nghĩa cử cao đẹp quan tâm, chăm sóc NCC tại đây. Chị Trần Thị Huyền, y sĩ điều dưỡng của trung tâm tận tình bón từng thìa cháo cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Xuân. Trò chuyện với chúng tôi, giọng mẹ Xuân xúc động: “Chồng và con trai duy nhất của mẹ đã hy sinh. Nhưng giờ thì mẹ lại có nhiều con ở trung tâm này”.

Sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 5 có nhiều đóng góp thiết thực giúp NCC vượt khó. Đại tá Võ Trọng Thanh, Trưởng phòng Chính sách Quân khu cho biết: "Đến nay, các cơ quan, đơn vị trong LLVT quân khu nhận chăm sóc, phụng dưỡng hơn 100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng với mức hỗ trợ từ 500.000 đến 1.000.000 đồng/mẹ/tháng. Riêng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng thuộc đối tượng theo Quyết định 1231 (ngày 15-4-2015) của Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ tư lệnh quân khu đã chỉ đạo các ban CHQS quận, huyện nhận phụng dưỡng thêm gần 400 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Không chỉ nhận phụng dưỡng, hỗ trợ hằng tháng, vào dịp lễ, Tết các đơn vị đều cử cán bộ, chiến sĩ đến thăm hỏi, tặng quà động viên các mẹ.

Nhờ phát huy sức mạnh của thế "kiềng 3 chân" (chế độ trợ cấp của Nhà nước; sự chăm lo của toàn xã hội thông qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và bản thân NCC vượt khó vươn lên) đã huy động được mọi nguồn lực của nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp... trong chăm sóc, hỗ trợ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC, bảo đảm nâng cao mức sống một cách bền vững. Trong đó, các đơn vị quân đội không chỉ là lực lượng nòng cốt trong tổ chức thực hiện ở địa phương, mà còn chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể…triển khai thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” một cách liên tục, sâu rộng, hiệu quả, thể hiện sự tri ân trọn nghĩa, vẹn tình.

Bài và ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN