Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quân đội có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần thiết thực bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống NCC, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu những nỗ lực và kết quả đạt được trong việc tri ân NCC, thể hiện nét đẹp truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ.
Bám sát yêu cầu nhiệm vụ, thực tiễn phát triển của đất nước và quân đội, những năm qua Ngành Chính sách Quân đội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tích cực, chủ động nghiên cứu, tham mưu giúp QUTƯ, BQP đề xuất với Đảng, Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật ưu đãi NCC, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực.
Nhiều chính sách ưu việt tôn vinh, tri ân NCC
Nổi bật là QUTƯ, BQP đã phối hợp với các bộ, ngành đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và ban hành nhiều chính sách mới đối với TBLS và NCC với cách mạng. Tiêu biểu, như: Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng; Sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; chỉ thị của Bộ Chính trị, các văn bản quy định của Chính phủ về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; các chủ trương, chính sách lớn đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; các chế độ, chính sách đối với người bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh...
Ban CHQS TP Phủ Lý (Hà Nam) chi trả chế độ cho người có công theo Quyết định 49. Ảnh: HỒNG PHÚC
Thiếu tướng Trần Quốc Dũng, Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, cho biết: “Sau khi chiến tranh kết thúc, số lượng lớn quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng phục viên, xuất ngũ, thôi việc về địa phương, đã được thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định ở từng thời kỳ. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước sau chiến tranh còn nhiều khó khăn, nên chế độ, chính sách đối với các đối tượng nhìn chung chưa tương xứng với công lao, cống hiến của họ đối với cách mạng; phần đông các đối tượng này gặp khó khăn trong cuộc sống. Trước tình hình đó, BQP đã trình Bộ Chính trị cho chủ trương giải quyết. Ngày 28-12-2001, Ban Chấp hành Trung ương ra Thông báo số 38-TB/TW về “Kết luận của Bộ Chính trị về thực hiện chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên, giải ngũ, thôi việc” từ ngày 31-12-1960 trở về trước. Đây là một chủ trương đúng đắn, hợp ý Đảng-lòng dân, mở đầu cho nhiều chủ trương sau này về chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế”.
Sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, BQP trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quy định về chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, đã và đang được triển khai thực hiện hiệu quả, gồm các quyết định: 47, 290, 142, 62, 49 và các thông tư liên bộ…
Thực hiện các quyết định trên, đã có hàng triệu lượt NCC được hưởng chế độ trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí…Ngành Chính sách Quân đội đã chủ động chỉ đạo, tham mưu, hướng dẫn việc xác nhận và quản lý chi trả chế độ theo Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (phần thuộc trách nhiệm của các đơn vị quân đội), bảo đảm chặt chẽ, chính xác. Theo đó, từ năm 2010 đến nay, đã lập hồ sơ, đề nghị xác nhận hơn 800 liệt sĩ; cấp giấy chứng nhận thương binh cho hơn 6.000 trường hợp, hơn 5.000 bệnh binh; tham gia xác lập hồ sơ, đề nghị phong tặng, truy tặng đối với hơn 75.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng...; qua đó khẳng định tính ưu việt của chế độ, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.
Đề cao trách nhiệm trong giải quyết chế độ đối với NCC
Theo khảo sát của Cục Chính sách, cả nước có gần 1 triệu đối tượng là dân công hỏa tuyến (DCHT), phục vụ chiến đấu trong các thời kỳ chiến tranh. Vào thời điểm này, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đang tập trung thẩm định, xét duyệt, ra quyết định chi trả một lần theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với DCHT tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Nhận số tiền 3,5 triệu đồng và giấy chứng nhận, ông Khổng Văn Dũng, sinh năm 1949, ở thôn Đồng Quan, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) xúc động chia sẻ: “Tôi có 3 năm tham gia lực lượng DCHT (từ tháng 11-1978 đến tháng 11-1981), trực tiếp cùng đồng đội làm đường giao thông, đào hầm, hào tại tuyến biên giới thuộc tỉnh Cao Bằng. Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 49 là sự ghi nhận, bù đắp một phần những hy sinh, cống hiến của lực lượng DCHT trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi rất cảm động và biết ơn”.
Quân khu 1 được đánh giá là một trong những đơn vị triển khai thực hiện Quyết định 49 khẩn trương, hiệu quả nhất. Đến nay, Ban Chỉ đạo 24 của Quân khu 1 đã xét duyệt hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền quyết định và tổ chức chi trả được 5 đợt cho 11.765 người, với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng. Quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, thẩm định, xét duyệt và chi trả được các địa phương thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy định. Thượng tá Thang Việt Hà, Trưởng phòng Chính sách, Quân khu 1 cho biết: "Theo kế hoạch, trong tháng 7 này, Ban Chỉ đạo 24 Quân khu 1 sẽ tiếp tục chi trả đợt 6 cho gần 10.000 người là DCHT. Sau mỗi lần chi trả, chúng tôi đều tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức thực hiện, nhằm đẩy nhanh tiến độ xét duyệt của đợt tiếp theo để các đối tượng được thụ hưởng chính sách trong thời gian sớm nhất”.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cũng đang tích cực triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 28 (năm 2013) của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội-BQP, hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Theo Đại tá Đặng Danh Hưng, Trưởng phòng TBLS và NCC (Cục Chính sách), thì giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng theo Thông tư 28 là công việc khó, đòi hỏi phải tiến hành kiên trì, thận trọng, khách quan, chuẩn xác. Đến nay, nhiều đơn vị trong toàn quân đã triển khai thực hiện bài bản, có hiệu quả Thông tư 28, với quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng kiên trì giải quyết đúng chế độ chính sách cho NCC.
Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2014 đến nay, cơ quan chức năng Quân khu 3 đã tiến hành xác minh, báo cáo Cục Chính sách hơn 800/hơn 1.200 hồ sơ tiếp nhận; trong đó 182 trường hợp đã được công nhận thương binh và 17 trường hợp được công nhận liệt sĩ theo Thông tư 28.
Nhằm đẩy nhanh việc giải quyết các tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh, để NCC được hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, BQP đang phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 của Chính phủ. Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo các quân khu và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận NCC. Các cơ quan, đơn vị trong quân đội đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành cơ bản việc giải quyết số hồ sơ NCC đã được lập trước ngày 1-7-2013 thuộc phạm vi đảm nhiệm, hiện còn tồn đọng ở cơ quan bộ CHQS cấp tỉnh trở lên trong năm 2017; đồng thời tiến hành rà soát, phân loại hồ sơ, đối tượng NCC tồn đọng ở cơ sở, đề xuất giải quyết trong thời gian tới. (còn nữa)
TRỊNH DŨNG