Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ viết thư động viên gửi các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô. Khi nghe tin có chiến sĩ hy sinh, Người đau đớn tưởng nhớ và chia sẻ nỗi đau với gia đình liệt sĩ. Tháng 1-1947, trong "Thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng", Bác Hồ viết: "Tôi được báo cáo rằng: Con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột...".
Ngày 17-7-1947, Bác viết "Thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức "Ngày Thương binh toàn quốc". Theo gợi ý của Bác, Ban Thường trực lấy ngày 27-7-1947 là Ngày Thương binh-Liệt sĩ đầu tiên, được tổ chức trên cả nước. Từ đó, Bác Hồ thường xuyên nhắc nhở đồng bào, chiến sĩ cả nước làm tốt công tác chăm lo NCC và Người luôn gương mẫu thực hiện. Ngày 27-7-1947, Bác gửi một tháng lương và một bữa ăn của Bác cùng các nhân viên trong Chính phủ cộng lại là 1.127 đồng (một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng) để giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Trong "Thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh (27-7-1949)", Bác viết: "Mỗi năm đến 27-7 là Ngày Thương binh tử sĩ, nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn những chiến sĩ đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, cho đồng bào... Vậy, tôi xin xung phong: Tặng một số khăn mặt và áo quần mà đồng bào các nơi đã biếu tôi; gửi một tháng lương của tôi là 1.000 đồng; và nhờ Cụ chuyển lời thân ái của tôi an ủi anh em thương binh cùng các gia đình tử sĩ".
Ngày 1-5-1950, Bác Hồ viết thư gửi anh em thương binh trên Mặt trận Lê Hồng Phong. Ngày 20-9-1950, Bác lại có thư gửi các chiến sĩ bị thương ở Mặt trận Đông Khê. Ngày 12-5-1950, đồng chí Bùi Thị Cúc, Công an tỉnh Hưng Yên, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bị địch bắt và anh dũng hy sinh. Ngày 15-1-1952, Bác Hồ ký Sắc lệnh truy tặng Bùi Thị Cúc Huân chương Độc lập hạng ba và tặng 6 chữ vàng: "Sống anh dũng, chết vẻ vang".
Trong thư ngày 26-7-1951 gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh, Bác Hồ nêu rõ: Chính phủ và đồng bào cần báo đáp xứng đáng với thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC bằng cách chính quyền các xã trích một phần ruộng công để giúp thương binh, gia đình liệt sĩ và tổ chức đón anh em thương binh về làng sinh sống, giúp đỡ họ một cách cụ thể, thiết thực. Tháng 9-1951, Bác Hồ gửi thư tới anh em thương binh trại dệt chiếu (Tuyên Quang) cảm ơn đã biếu Bác 4 chiếc chiếu. Bác động viên thương binh cố gắng lao động và gửi biếu anh em một bộ áo để làm giải thưởng thi đua. Ngày 27-7-1952, Bác nhắc trách nhiệm của đồng bào giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Ngày 27-7-1953, Bác Hồ nhờ Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh chuyển một tháng lương và 50 cái khăn tay tới anh em thương binh.
Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bác Hồ có thư khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ mặt trận: "Trước hết, Bác gửi lời thân ái thăm các chú thương binh"... Kết thúc chiến tranh chống Pháp xâm lược (tháng 7-1954), Bác khen ngợi nhiều nơi đã hăng hái đón thương binh, bệnh binh về xã và chăm sóc chu đáo các gia đình liệt sĩ; động viên thương binh cố gắng tăng gia sản xuất, tham gia công tác trong xã.
Nhân ngày 27-7-1956, Bác Hồ có thư gửi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, nêu rõ: "Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những NCC với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ". Tháng 6-1957, Bác Hồ viết thư cảm ơn thương binh, bệnh binh Trại An dưỡng Hà Nam. Trong thư gửi nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm 1959, Bác biểu dương nhiều tập đoàn sản xuất của thương binh, bệnh binh và nhiều cá nhân có nhiều thành tích trong sản xuất.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7-1954), đất nước tạm chia làm hai miền, Bác Hồ đặc biệt quan tâm tới cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc, trong đó có nhiều thương binh, bệnh binh, con em gia đình liệt sĩ. Bác đề nghị Chính phủ lập các trường học sinh miền Nam ngay từ năm 1955 để nuôi dưỡng, đào tạo các cháu thành cán bộ; đồng thời thường xuyên thăm hỏi cán bộ, thương binh và đến thăm trường học sinh miền Nam. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra ác liệt, nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ thương binh ra Bắc điều dưỡng đều được Bác đến thăm hỏi động viên với tình yêu thương bao la.
Trước khi đi xa, trong "Di chúc", Bác Hồ căn dặn cặn kẽ: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền... phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét".
Tình cảm sâu nặng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ, NCC là tư tưởng nhân nghĩa cao cả, đã và đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện ngày càng tốt hơn, làm sáng ngời đạo lý muôn đời của dân tộc Việt Nam.
PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng